Báo cáo kết quả thảo luận các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng

Thứ hai, 25/11/2019 14:27
(ĐCSVN) - Đồng chí Đào Duy Tùng cho biết "Sau khi thảo luận, Đại hội đã biểu quyết, có 97% số đại biểu nhất trí ghi vào văn kiện Đảng: ruộng đất thuộc quyền sở hữu toàn dân, giao cho nông dân quyền sử dụng lâu dài (các vấn đề khác như việc chuyển quyền sử dụng, kế thừa, thế chấp... do Nhà nước quy định).

(Báo cáo kết quả thảo luận các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng do đồng chí Đào Duy Tùng thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc tại Đại hội VII của Đảng, ngày 27/8/1991).

 Thưa các đồng chí đại biểu,

Qua việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, qua việc thảo luận ở đại hội đảng bộ các cấp; ở các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và trong Đại hội của chúng ta về các dự thảo văn kiện, có nhiều nội dung cơ bản của các văn kiện đã được đại đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao. Bên cạnh đó, cũng còn một số vấn đề mà ý kiến còn chưa nhất trí toàn bộ hoặc một phần. Đại hội chúng ta, sau khi thảo luận một cách dân chủ với tinh thần trách nhiệm cao đã tiến hành biểu quyết bằng cách ghi vào phiếu một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau.

Trước khi Đại hội thông qua nghị quyết về các văn kiện và toàn văn Điều lệ Đảng (sửa đổi), Đoàn Chủ tịch xin báo cáo kết quả thảo luận và biểu quyết của Đại hội về một số vấn đề quan trọng:

1. Về tên Cương lĩnh: Đã có khá nhiều tên gọi khác nhau được đề xuất. Tại Đại hội này cũng có một số đồng chí đưa ra những tên gọi mới. Sau khi thảo luận và biểu quyết, 97,8% số đại biểu trong Đại hội đã nhất trí lấy tên gọi của Cương lĩnh là: "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội". Tên gọi này phản ánh được bản chất của Cương lĩnh, xác định rõ xã hội mà nhân dân ta xây dựng là xã hội xã hội chủ nghĩa, phạm vi thời gian của Cương lĩnh là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

2. Về đánh giá sai lầm trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta:

Trong quá trình thảo luận, có mấy loại ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất tán thành nói như Đại hội VI, tức là Đảng ta có sai lầm về chủ trương chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng Đảng có sai lầm về đường lối.

Loại ý kiến thứ ba cho rằng Đảng có sai lầm về đường lối cụ thể hoặc sai lầm về đường lối trên một số mặt.

Loại ý kiến thứ tư đồng ý cách viết như trong dự thảo Cương lĩnh: "Đảng đã phạm sai lầm chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan" (tiếp đó kể những sai lầm cụ thể).

Sau khi thảo luận Đại hội đã tiến hành biểu quyết, 80,3% số đại biểu đã nhất trí ghi vào Cương lĩnh như sau: "Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã có nhiều cố gắng nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng đường lối, xác định đúng mục tiêu và phương hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng Đảng đã phạm sai lầm chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan (với những biểu hiện như đã trình bày trong dự thảo Cương lĩnh). Cách trình bày như thế vừa khẳng định được mặt đúng, vừa nói lên được thực chất, nội dung và nguồn gốc chủ yếu của sai lầm.

3. Đánh giá thành tựu đổi mới:

a) Về đánh giá tổng quát, trong quá trình thảo luận, có các loại ý kiến sau:

- Đã đạt được "những thành tựu bước đầu rất quan trọng".

- Đã đạt được "những thành tựu bước đầu quan trọng".

- Ngoài ra còn một số ý kiến khác.

Đại hội đã biểu quyết, có 77,3% số đại biểu đã nhất trí đánh giá: "sau hơn bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng".

b) Về chính trị: Có các loại ý kiến đánh giá như sau:

Loại ý kiến thứ nhất: Tình hình chính trị ổn định, tuy vậy vẫn có những nhân tố có thể gây mất ổn định chính trị không thể xem thường.

Loại ý kiến thứ hai: Tình hình chính trị cơ bản ổn định.

Loại ý kiến thứ ba: Tình hình chính trị ổn định.

Ngoài ra còn có một số ý kiến đánh giá khác.

Đại hội đã thảo luận, phân tích: tuyệt đại đa số nhân dân ta ủng hộ đường lối đổi mới của Đảng; thừa nhận Đảng ta là tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo xã hội, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng, đảng đối lập. Các lực lượng chuyên chính của chúng ta vững vàng. Qua hơn bốn năm thực hiện đổi mới, với những thành tựu bước đầu rất quan trọng đã đạt được, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước có được nâng lên. Tình hình chính trị không có những biến động lớn, mặc dù bối cảnh quốc tế rất phức tạp và các thế lực phản động luôn tìm mọi thủ đoạn chống phá ta. Tuy vậy, chúng ta phải đề cao cảnh giác, không thể xem thường những nhân tố có thể gây mất ổn định và phải có phương án chủ động đối phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Làm được như vậy sẽ bảo đảm tình hình chính trị của nước ta luôn luôn ổn định.

Trên cơ sở phân tích như trên, Đại hội đã biểu quyết có 86,3% số đại biểu nhất trí đánh giá: tình hình chính trị của đất nước ổn định, tuy vẫn có những nhân tố có thể gây mất ổn định chính trị không thể xem thường.

4. Về đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng:

Có ba loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất: nêu các đặc trưng cơ bản như cách trình bày của dự thảo Cương lĩnh.

Loại ý kiến thứ hai: thêm, bớt hoặc ghép một số đặc trưng lại với nhau.

Loại ý kiến thứ ba: cho rằng chưa nên nói các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội vì còn có vấn đề chưa rõ. Do vậy chỉ cần trình bày các phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội là đủ.

Sau khi thảo luận, Đại hội đã biểu quyết, 69,8% số đại biểu nhất trí hoàn toàn và 24,3% số đại biểu nhất trí về cơ bản với các đặc trưng nêu trong dự thảo Cương lĩnh.

5. Về mâu thuẫn cơ bản của xã hội nước ta trong thời kỳ quá độ:

Trong quá trình thảo luận có nhiều loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng cần nói mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Cũng có nhiều ý kiến đề xuất khác về cách trình bày mâu thuẫn cơ bản, nhưng chưa có được một công thức nào đủ sức thuyết phục.

Khi thảo luận nhiều ý kiến cho rằng:

a) Việc xác định mâu thuẫn cơ bản trong thời kỳ quá độ là cần thiết để từ đó xác định đúng phương hướng, nhiệm vụ cơ bản, có tác dụng chỉ đạo mọi mặt hoạt động.

b) Song vì vấn đề còn có chỗ chưa được nhất trí cao, nhất là về mặt học thuật, trong Cương lĩnh chưa cần dùng thuật ngữ mâu thuẫn cơ bản và đề nghị trình bày như sau: "Để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa, điều quan trọng nhất là phải cải biến một cách cơ bản tình trạng kinh tế - xã hội kém phát triển, chiến thắng những lực lượng cản trở việc thực hiện mục tiêu đó, trước hết là các thế lực thù địch chống độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".

Có thể coi đó là mâu thuẫn cơ bản trong thời kỳ quá độ ở nước ta, đó là mâu thuẫn giữa hai con đường, nhưng được trình bày với những nội dung cụ thể để tránh lặp lại những sai lầm cũ do hiểu giản đơn về đấu tranh giữa hai con đường. Cách trình bày trên bao hàm được cả hai mặt độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đại hội đã biểu quyết và có 92,3% số đại biểu đã nhất trí với cách trình bày như dự thảo Cương lĩnh.

6. Về các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ, có các cách phân loại dưới đây:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng các thành phần kinh tế chủ yếu bao gồm: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước. (Kinh tế gia đình rất quan trọng nhưng không phải tồn tại với tư cách một thành phần kinh tế độc lập).

Loại ý kiến thứ hai phân loại các thành phần kinh tế như sau: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình (bao gồm hộ xã viên, hộ cá thể, hộ tiểu chủ), kinh tế tư nhân (muốn nói tư bản tư nhân).

Ngoài ra có ý kiến cho rằng còn cần đề cập đến thành phần kinh tế tự nhiên tự cấp tự túc hiện đang tồn tại ở một số vùng dân tộc miền núi.

Đại hội đã thảo luận và biểu quyết, kết quả có 86,1% số đại biểu đã nhất trí xác định các thành phần kinh tế chủ yếu trong thời kỳ quá độ ở nước ta là: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước.

7. Về cơ chế vận hành nền kinh tế. Có hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng ta đã khẳng định xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện chế độ tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế; do đó nên nói rõ "cơ chế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch hoá, các chính sách kinh tế và những biện pháp khác" để tránh xu hướng can thiệp quá sâu của Nhà nước vào những việc thuộc quyền tự chủ kinh doanh của cơ sở.

- Loại ý kiến thứ hai đề nghị dùng khái niệm "cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác".

Loại ý kiến này chủ yếu khác với loại ý kiến thứ nhất ở chỗ không thêm từ "vĩ mô" vào sau từ "quản lý", vì thông thường có quan niệm cho rằng quản lý vĩ mô là quản lý của Nhà nước Trung ương, không bao gồm vai trò quản lý của Nhà nước cấp tỉnh - thành, huyện - quận, xã - phường.

Đại hội đã thảo luận và biểu quyết với 95,7% số đại biểu nhất trí cho rằng cơ chế vận hành nền kinh tế của nước ta là: "cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác".

8. Mục tiêu:

a) Về mục tiêu chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, Đại hội đã thảo luận và biểu quyết, có 96,6% số đại biểu nhất trí mục tiêu của chặng đường đầu là thông qua đổi mới toàn diện, xã hội đạt tới trạng thái ổn định vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau.

b) Về mục tiêu tổng quát của Chiến lược đến năm 2000:

Có những ý kiến cho rằng sau 10 năm tăng khoảng gấp đôi tổng sản phẩm trong nước, vượt qua trình trạng nước nghèo và kém phát triển là mục tiêu quá cao, khó thực hiện. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng mục tiêu đó quá thấp, tốc độ phát triển kinh tế như vậy không thể đuổi kịp các nước tiên tiến.

Đa số ý kiến cho rằng:

- Mức tăng khoảng gấp đôi tổng sản phẩm trong nước dựa trên sự tính toán khả năng khai thác và phát huy các nguồn lực trong nước và khả năng thu hút các nguồn lực bên ngoài có thể đánh giá được. Khi có điều kiện tiếp nhận thêm các nguồn lực mới bên ngoài, chúng ta sẽ điều chỉnh mục tiêu trong các kế hoạch 5 năm và hằng năm.

- Mục tiêu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển có yêu cầu cụ thể về mức cải thiện đời sống và tăng tích luỹ trong nội bộ nền kinh tế, tương ứng với mức tăng khoảng gấp đôi tổng sản phẩm trong nước sau 10 năm.

- Trong bản Chiến lược, chúng ta nêu rất hạn chế chỉ tiêu định lượng, song những mục tiêu đã đề ra ở trên là rất cần thiết để động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu đưa đất nước đi lên. Mức phấn đấu đó còn rất khiêm tốn so với sự phát triển của nhiều nước trong vùng. Chúng ta có khả năng thực hiện và phải quyết tâm thực hiện.

Đại hội đã biểu quyết có 94,5% số đại biểu nhất trí mục tiêu tổng quát của Chiến lược đến năm 2000 là: Ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, tạo điều kiện cho đất nước phát triển nhanh hơn vào đầu thế kỷ XXI. Tổng sản phẩm trong nước đến năm 2000 tăng khoảng gấp đôi so với năm 1990.

c) Về mục tiêu 5 năm 1991-1995:

Có các loại ý kiến sau:

- Chưa thể nói đến năm 1995 ra khỏi khủng hoảng hoặc về cơ bản ra khỏi khủng hoảng, vì vậy không nên ghi vào Báo cáo chính trị.

- Ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội vào năm 1995, từ 1996 trở đi là thời kỳ phát triển nhanh.

- Đến năm 1995 về cơ bản ra khỏi khủng hoảng hiện nay.

Trong khi thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng để làm rõ vấn đề này, trước hết cần xác định các nội dung chủ yếu của khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay:

- Sản xuất tăng trưởng chậm và chưa ổn định.

- Lạm phát còn ở mức cao; bội chi ngân sách lớn.

- Số lao động chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm còn nhiều và ngày càng tăng.

- Đời sống của một bộ phận đáng kể nhân dân, đặc biệt là của những người sống bằng tiền lương hoặc trợ cấp xã hội có nhiều khó khăn, không đủ bảo đảm tái sản xuất sức lao động; nhiều lĩnh vực xã hội xuống cấp nghiêm trọng, tệ nạn xã hội tăng.

So với trước đây thì hiện nay mức độ khủng hoảng đã giảm được một phần, song đất nước ta vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trên đà chuyển biến tích cực của hơn bốn năm thực hiện đổi mới vừa qua, chúng ta phải bằng mọi cách phấn đấu để về cơ bản ra khỏi khủng hoảng. Không làm được việc này thì toàn bộ mục tiêu đề ra trong các văn kiện của Đại hội không thể thực hiện được, nhân dân ta không chấp nhận và hậu quả về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội sẽ vô cùng lớn lao. Nhưng nếu cho rằng trong 5 năm 1991-1995 sẽ khắc phục được hoàn toàn khủng hoảng kinh tế - xã hội để từ năm 1996 trở đi là thời kỳ phát triển nhanh thì quá lạc quan.

Kết quả biểu quyết về vấn đề này, có 94,7% số đại biểu đã nhất trí mục tiêu đến năm 1995 là: vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay.

9. Về vấn đề ruộng đất.

Trong quá trình thảo luận ở đại hội các cấp cũng như trong đại hội toàn quốc vấn đề ruộng đất rất được quan tâm và có những ý kiến khác nhau. Sau khi thảo luận, Đại hội đã biểu quyết, có 97% số đại biểu nhất trí ghi vào văn kiện Đảng: ruộng đất thuộc quyền sở hữu toàn dân, giao cho nông dân quyền sử dụng lâu dài (các vấn đề khác như việc chuyển quyền sử dụng, kế thừa, thế chấp... do Nhà nước quy định).

10. Về bản chất giai cấp của Đảng: đây là vấn đề có tính nguyên tắc, được đại hội các cấp thảo luận nhiều. Đại hội chúng ta đã thảo luận và biểu quyết với sự nhất trí cao, có 98,8% số đại biểu tán thành: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.

11. Về nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Về nền tảng tư tưởng của Đảng chỉ nên nói đó là chủ nghĩa Mác - Lênin hay nói chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh?

Trong quá trình thảo luận hầu hết đại biểu đã thống nhất hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Đại hội đã biểu quyết, có 89,7% số đại biểu nhất trí: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động".

12. Về đại biểu của đại hội các cấp: Có hai loại ý kiến khác nhau:

+ Loại ý kiến thứ nhất: thành phần đại hội đại biểu gồm các uỷ viên ban chấp hành cấp triệu tập đại hội và đại biểu do đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên cấp dưới bầu.

+ Loại ý kiến thứ hai: tất cả các đại biểu, kể cả cấp uỷ viên cấp triệu tập đại hội, đều phải qua bầu cử từ dưới lên.

Sau khi thảo luận Đại hội biểu quyết nhất trí tán thành ý kiến thứ nhất với 71,8% số phiếu. Như vậy thành phần đại hội đại biểu gồm các uỷ viên ban chấp hành cấp triệu tập đại hội và đại biểu do đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên cấp dưới bầu.

13. Về hội nghị đại biểu các cấp.

Sau khi thảo luận, Đại hội đã biểu quyết:

- 62% số đại biểu tán thành giữa hai nhiệm kỳ đại hội đại biểu, ban chấp hành đảng bộ các cấp triệu tập hội nghị đại biểu.

- 57,5% số đại biểu tán thành chỉ có cấp trên cơ sở mới có hội nghị đại biểu.

14. Về việc điều động, bổ sung cấp uỷ.

Đại hội đã biểu quyết nhất trí, có 91,8% số đại biểu: trường hợp thật cần thiết, cấp uỷ cấp trên trực tiếp được điều động hoặc chỉ định bổ sung một số uỷ viên ban chấp hành cấp dưới, song không được quá 1/3 số uỷ viên do Đại hội đã bầu.

15. Về một số vấn đề cụ thể trong Điều lệ Đảng: Đại hội đã biểu quyết:

- ở những bộ phận (phân xưởng ở xí nghiệp, khoa ở trường học, thôn, ấp ở xã...) có từ 30 đến 50 đảng viên có thể lập nhiều chi bộ. Trường hợp đặc biệt nếu có 50 đảng viên, nhưng xét thấy không cần thiết, thì có thể chỉ tổ chức một chi bộ, nhưng phải được đảng uỷ cấp trên cơ sở đồng ý, có 63,5% số đại biểu tán thành.

- Hội nghị đảng uỷ cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần, có 56,1% số đại biểu tán thành.

16. Về cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng.

Đại hội đã thảo luận và biểu quyết:

- Ban chấp hành đảng bộ các cấp từ cơ sở đến trung ương không có uỷ viên dự khuyết, chỉ có uỷ viên chính thức, có 82,4% số đại biểu tán thành.

- Uỷ ban kiểm tra các cấp do ban chấp hành cùng cấp bầu, có 95,7% số đại biểu tán thành.

- Tổng Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu, có 95,4% số đại biểu tán thành.

- Có lập Ban Bí thư, ngoài số uỷ viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư, số thành viên còn lại của Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu, có 84,1% số đại biểu tán thành.

- Tán thành lập Hội đồng cố vấn, không do Đại hội bầu mà do Ban Chấp hành Trung ương quy định (không phải ghi vào Điều lệ), có 75,7% số đại biểu tán thành.

- Về nguyên tắc tính phiếu bầu: người trúng cử phải được số phiếu tín nhiệm bằng trên 1/2 số đại biểu, hoặc đảng viên được triệu tập, có 51,4% số đại biểu tán thành.

17. Về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam.

Đại hội biểu quyết:

- Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, có 95,8% số đại biểu tán thành.

- Đảng uỷ Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân uỷ Trung ương) do Ban Chấp hành Trung ương chỉ định, có 78,1% số đại biểu tán thành.

- Về tổ chức đảng trong Công an nhân dân Việt Nam do Ban Chấp hành Trung ương quy định, có 94,6% số đại biểu tán thành.

Ngoài những vấn đề nêu trên, Đại hội còn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào các văn kiện. Những ý kiến đó sẽ được Ban Chấp hành Trung ương khoá VII nghiên cứu chọn lọc tiếp thu để bổ sung, chỉnh lý các văn kiện Đại hội trước khi công bố chính thức. Riêng Điều lệ Đảng (sửa đổi) đã được tu chỉnh để Đại hội sẽ thông qua toàn văn.

Quá trình thảo luận và tiến hành biểu quyết những vấn đề lớn trong các văn kiện Đại hội trên đây đã được tiến hành một cách dân chủ và nghiêm túc. Có thể nói kết quả biểu quyết của Đại hội chúng ta về những vấn đề đó là sự kết tinh ý chí và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện sự nhất trí cao của Đại hội chúng ta đối với những vấn đề trọng đại của Đảng và của dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đó là cơ sở vững chắc để đoàn kết thống nhất toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tiếp tục thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến lên.

Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực