Báo chí cách mạng phát triển mạnh trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Pháp và tay sai

Thứ hai, 09/09/2019 08:45
(ĐCSVN) - Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã rất chú ý tới công tác báo chí để tuyên truyền phổ biến mục đích, đường lối của Đảng và động viên nhân dân đấu tranh cách mạng. Trong cao trào cách mạng 1930-1931, báo chí cách mạng từ cấp Trung ương xuống các địa phương đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh.

Bước sang năm 1931, kẻ thù khủng bố gắt gao, sau Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương (3- 1931), cơ quan Đảng bị lộ, các đồng chí Uỷ viên Trung ương sa vào tay giặc. Tháng 4-1931, đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt, báo Cờ vô sản và Tạp chí Cộng sản ngừng xuất bản.

Trong năm 1931, do địch khủng bố dữ dội, các báo cấp xứ cũng phải ngừng xuất bản (Tờ Cờ đỏ của Xứ uỷ Nam Kỳ, tờ Tiến lên của Xứ uỷ Bắc Kỳ, tờ Công nông binh của Xứ uỷ Trung Kỳ).

Báo chí các tỉnh phát triển mạnh ở miền Nam: Sài Gòn có báo Thợ thuyền, Chợ Lớn có báo Nhà quê, Bến Tre có báo Tranh đấu... ở Bắc Kỳ: Hà Nam có tờ Đỏ, Nam Định - Ninh Bình có tờ Hưởng ứng (sau đổi là Dân quê), Trung Kỳ: Thanh Hoá có tờ Hồn Lao động.

Báo chí của các huyện uỷ xuất hiện nhiều nhất ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Nghi Lộc có tờ Chỉ trích, Đức Thọ có tờ Cổ động, Anh Sơn có tờ Gương vô sản...

Nhiều ngành nghề, giới cũng có báo của riêng mình như công nhân thổ mộ Sài Gòn có tờ Thổ mộ, công nhân xi măng Hải Phòng có tờ Xi moong.

Trong các nhà tù: Hoả Lò có báo Con đường chính, Lao tù tạp chí, Đuốc đưa đường. Côn Đảo có tờ Người tù đỏ, Hòn Gai, Tạp chí Ý kiến chung.

Báo chí cách mạng Việt Nam tập trung tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương, phê phán chủ nghĩa quốc gia cải lương của Bùi Quang Chiêu. chủ nghĩa quốc gia bài ngoại của Việt Nam Quốc dân Đảng, những tư tưởng sai lầm trong Đảng như tả khuynh, hữu khuynh, cổ động trực tiếp cho phong trào cách mạng, xây dựng Đảng và các đoàn thể quần chúng...

Sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam những năm 1931-1932 thực sự góp phần to lớn vào sự phát triển phong trào cách mạng cũng như tiếng vang của nó trên thế giới.

--------------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.213-215, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực