Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ hai, 07/10/2019 10:08
(ĐCSVN) - Để bạn đọc có thêm những tư liệu tham khảo phục vụ Cuộc thi "90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản", Báo điện tử Đảng Cộng sản trân trọng giới thiệu tài liệu in trong cuốn "Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam" tập 3 của Nxb Chính trị quốc gia.

Ngay sau khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất ở chiến trường Đông Dương, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị nhận định:

Về địch: Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp viện, tiếp tế đều dựa vào đường không.

 

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh Tư liệu

Về ta: Với chất lượng được nâng cao trong chỉnh huấn, chỉnh quân, với kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường xá, tiếp tế cho chiến dịch là một khó khăn lớn, nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương đang chuyển động mạnh trong cách mạng ruộng đất sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến và phục vụ chiến dịch đánh thắng.

Trên cơ sở những chủ trương lớn của Trung ương Đảng trong Đông Xuân 1953-1954, xuất phát từ tình hình địch, ta và những nguyên tắc cơ bản về chỉ đạo tác chiến tiêu diệt sinh lực địch và đánh chắc thắng, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội được chỉ thị trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch.

Về phương châm chiến dịch, trong thời gian đầu, khi quân địch mới nhảy dù xuống, lực lượng chưa được tăng cường, bố trí còn sơ hở, trận địa phòng ngự chưa được củng cố, ta có dự kiến tranh thủ thời gian, lợi dụng những cơ sở của địch để "đánh nhanh giải quyết nhanh”. Quán triệt tư tưởng cơ bản "đánh chắc thắng” của Trung ương Đảng, Bộ chỉ huy mặt trận đã kịp thời chuyển phương châm chiến dịch từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Nội dung kế hoạch tác chiến ở Điện Biên Phủ gồm một loạt trận công kiên, tiêu diệt mỗi lần một số trung tâm đề kháng của địch, hình thành và thắt chặt vòng vây, hạn chế đi đến triệt để hẳn nguồn tiếp tế và tiếp viện của địch, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Chiến dịch gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn l: Tiêu diệt các trung tâm đề kháng ngoại vi.

Giai đoạn 2: Tiêu diệt khu vực phòng ngự then chốt của phân khu trung tâm, chiếm lĩnh sân bay, từng bước thắt chặt vòng vây, thu hẹp phạm vi chiếm đóng, thu hẹp không phận của địch, triệt hẳn nguồn tiếp viện và tiếp tế. Giai đoạn 3: Tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Từ đầu tháng 12-1953, công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được ráo riết tiến hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh Chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được".

 

- Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết kháng chiến chống thực dân Pháp, thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.197.

- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb.Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994. t.II.

- Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.5, tr.403.

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực