Cách mạng Tháng Tám thành công tại Thủ đô Hà Nội

Thứ hai, 16/09/2019 11:06
(ĐCSVN) - Sau một thời gian chuẩn bị rất ngắn, Xứ uỷ Bắc Kỳ, Thành uỷ Hà Nội đã phát động nhân dân Hà Nội nổi dậy giành chính quyền vào ngày 19-8-1945.
Hình ảnh những ngày tháng Tám lịch sử ở Hà Nội (Ảnh: hochiminh.vn)

Ngay từ sáng sớm, Hà Nội đỏ rực màu cờ cách mạng. Hàng vạn nông dân, dân nghèo, với các vũ khí thô sơ từ Láng, Mọc kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực Ngã Tư Sở, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa ở nội thành.

Hàng vạn quần chúng nhân dân ngoại thành, từ các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Đông), Gia Lâm (Bắc Ninh) mang theo cờ Việt Minh, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm tiến vào nội thành với sức mạnh như thác đổ. Tất cả đều tập hợp trước Nhà hát lớn. Cả Thành phố Hà Nội như rung chuyển trong tiếng hô khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", “Chính quyền nhân dân cách mạng", "Cách mạng thành công muôn năm", "Lập uỷ ban dân quân cách mạng", “Việt Nam hoàn toàn độc lập", “Đả đảo các cuộc xâm lăng", “Đả đảo mọi thế lực chống cách mạng Việt Nam”, “Chống xâm lăng"...

Đúng 11 giờ, trước hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát lớn, Uỷ ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị võ trang tự vệ dẫn đầu chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu: Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát... Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ kiên cường hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay nhân dân. Riêng ở trại lính bảo an, quân Nhật cho xe tăng chặn đầu đoàn biểu tình, nhưng trước khí thế sôi sục của quần chúng, lại được các đồng chí ta thuyết phục, nói rõ chính sách của Đảng, Việt Minh, chúng phải rút lui. Ngay khi chiếm được Phủ Khâm sai, đồng chí uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ có mặt tại đó gọi điện cho Thị trưởng, Tỉnh trưởng các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định báo tin cách mạng đã thành công ở Hà Nội, ra lệnh cho chúng phải nhanh chóng trao chính quyền cho Việt Minh địa phương. Tối ngày 19-8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi.

Ngày 20-8, Uỷ ban Nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập, Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ cũng được tổ chức.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn lao.

Suốt hơn nửa thế kỷ, Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi có ý nghĩa tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân trên đất nước ta.

Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội là một đòn chí mạng giáng vào chính quyền tay sai Nhật ở hầu khắp cả nước, đẩy chúng đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, tan rã và đầu hàng cách mạng.

Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội như một tiếng bom vang dội nhanh chóng lan truyền khắp nơi, động viên, cổ vũ nhân dân cả nước gấp rút nổi dậy giành chính quyền. Gần như toàn bộ các tỉnh miền Bắc đến Thanh Hoá, Nghệ An đều tiếp theo Hà Nội tiến hành khởi nghĩa. Quân đội chính quyền Trung Hoa dân quốc mới vào tỉnh lỵ ở thượng du, thì tất cả các vùng trung du, châu thổ đã rợp bóng cờ cách mạng. Chính quyền về tay nhân dân.

Thắng lợi ở Hà Nội đã tạo điều kiện để Trung ương Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chuyển đại bản doanh về Hà Nội, từ đó chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, chuẩn bị các điều kiện đón tiếp quân Đồng minh.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội còn có tầm quan trọng trong việc gợi mở một phương thức khởi nghĩa “giành lấy chính quyền một cách không phải đổ máu ở những nơi giằng co với Nhật và nguỵ quyền thân Nhật, hoặc ở ngay những nơi ta đã giành được chính quyền rồi nhưng chính quyền chưa ổn định".

Đồng chí Trường Chinh nhận định: “Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở miền Bắc gồm cả Hà Nội, Huế là thắng lợi có tính chất quyết định của cuộc khởi nghĩa. Thắng lợi của miền Bắc tạo điều kiện và cổ vũ nhân dân ở Nam Bộ và những vùng chưa giải phóng nổi dậy giành chính quyền không chậm trễ được nữa".

Hà Nội xứng đáng là ngọn cờ đầu của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.1007-1011, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực