Chính phủ lâm thời phát động chiến dịch cứu đói và tăng gia sản xuất

Thứ ba, 01/10/2019 14:47
(ĐCSVN) - Hậu quả của chính sách bóc lột tàn bạo của bọn phát xít Pháp, Nhật, cùng với nạn lũ lụt nghiêm trọng ở chín tỉnh Bắc Bộ đã cướp đi sinh mệnh hơn 2 triệu đồng bào từ Quảng Trị trở ra vào cuối năm 1944 đầu năm 1945.

Đoàn xe điện chở gạo cứu đói giúp đồng bào bị lũ ở Hà Đông, năm 1945.
(Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nạn đói vẫn nghiêm trọng đe doạ tính mạng hàng triệu người.

Ngày 3-9-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại phiên họp đầu tiên, Chính phủ lâm thời quyết định phát động chiến dịch cứu đói và tăng gia sản xuất - một trong sáu công việc cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Mở đầu chiến dịch cứu đói, Chính phủ áp dụng ngay một số biện pháp cụ thể như việc cho phép vận chuyển thóc gạo, nghiêm trị những kẻ đầu cơ, tích trữ thóc gạo, cấm dùng gạo vào những công việc chưa cần thiết như nấu rượu, làm bánh, cấm xuất khẩu gạo, ngô, đậu; thành lập một tổ chức chuyên lo việc vận chuyển gạo từ miền Nam ra miền Bắc. Ngày 2-11-1945, Bộ trưởng Bộ Cứu tế quyết định thành lập Hội cứu đói. Hội có cơ sở xuống tận các làng. Ngày 28-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh thiết lập Uỷ ban tối cao tiếp tế và cứu tế. Ngoài Bộ Cứu tế, một số bộ khác cũng có nhiệm vụ cứu tế và tiếp tế.

Cùng với những biện pháp mang tính chất hành chính, Chính phủ kêu gọi toàn dân nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau để vượt qua nạn đói. Trong thư gửi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với đồng bào cả nước và Người nêu gương thực hành trước "Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.

Hưởng ứng lời kêu gọi tha thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua cứu đói nổi lên rầm rộ ở khắp các địa phương, dưới nhiều hình thức và sáng kiến như tổ chức "Hũ gạo cứu đói", "Ngày đồng tâm nhịn ăn", “Đoàn quân tiễu trừ giặc đói". Hàng vạn tấn gạo đã được nhân dân cả nước với tinh thần thương yêu đùm bọc, đoàn kết tương trợ nhau, quyên góp giảm bớt tình trạng căng thẳng lương thực.

Cùng với thực hiện những biện pháp cứu đói kịp thời trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ lâm thời quyết định phát động chiến dịch tăng gia sản xuất trong cả nước.

Người kêu gọi: "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập".

Trong tháng 10 và 11 năm 1945, Chính phủ ban hành nghị định giảm 20% thuế ruộng đất, miễn thuế hoàn toàn cho những vùng lụt. Bộ Kinh tế quốc dân ra thông tri quy định việc kê khai số ruộng đất vắng chủ, số ruộng công và ruộng tư không làm hết, tạm cấp cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng.

Ngày 19-11-1945, Chính phủ thiết lập Uỷ ban Trung ương phụ trách vấn đề sản xuất. Tiếp theo, các Tiểu ban canh nông được thành lập ở các địa phương từ tỉnh đến xã. Báo Tấc đất được xuất bản để hướng dẫn nhân dân sản xuất.

Chính phủ cho nhân dân vay thóc, vay tiền, cử cán bộ thú y về nông thôn chống bệnh cho gia súc, gia cầm; khuyến khích những người có sẵn vốn cho dân nghèo vay, khuyến khích dân khai khẩn đất hoang, củng cố lại những quãng đê bị vỡ, đắp thêm đê mới để phòng lũ lụt...

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ cũng dành giờ nghỉ, trực tiếp tham gia trồng trọt. Các giới, các ngành đều tự nguyện tổ chức thành từng đoàn, từng đội về nông thôn giúp nông dân đắp đê, phòng lụt, vỡ hoang, phục hoá... Khẩu hiệu "Tấc đất tấc vàng", "Không một tấc đất bỏ hoang" được toàn dân thực hiện triệt để.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, phong trào tăng gia sản xuất đã thu được kết quả to lớn. Sản xuất nông nghiệp nhanh chóng được khôi phục và có bước phát triển hơn trước. Nạn đói được đẩy lùi, đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân lao động được dần dần ổn định và cải thiện một bước.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.8-11, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực