Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 (Ảnh: hochiminh.vn)
Ngày 25-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào (Sơn Dương Tuyên Quang) về tới Hà Nội. Sau khi nghe báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội, chiều ngày 26-8, Người triệu tập và chủ toạ phiên họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tổ chức tại số nhà 48 phố Hàng Ngang để bàn những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước cách mạng. Người nhất trí với chủ trương của Ban Thường vụ mở rộng thành phần Uỷ ban Giải phóng dân tộc và sớm công bố danh sách của Uỷ ban cho toàn dân biết, chuẩn bị bản Tuyên ngôn độc lập và tổ chức cuộc mít tinh lớn ở Hà Nội để Uỷ ban Giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân. Ngày ra mắt của Uỷ ban cũng là ngày Việt Nam tuyên bố thành lập chính thể Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 27-8, Uỷ ban Giải phóng dân tộc tập hợp một cuộc họp các thành viên trong Uỷ ban. Tại cuộc họp này theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Quốc dân Đại hội (Tân Trào) bầu ra được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sự tiến bộ. Một số uỷ viên Việt Minh tự nguyện rút khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các thành phần khác, có cả những người đã từng tham gia trong chính quyền cũ. Hành động đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Đó là một cử chỉ vô tư tốt đẹp không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân".
Cũng trong ngày 27-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các vị bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày hôm sau, danh sách Chính phủ gồm 15 thành viên do Người đứng đầu được công bố trên các báo ở Hà Nội.
Từ ngày 28-8, theo sự phân công của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tại chiếc bàn ăn trên gác hai số nhà 48, phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung trí lực và tình cảm soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.
Nhằm huy động trí tuệ tập thể ngày 30-8, Người mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến vào văn kiện lịch sử quan trọng này. Người trào dâng niềm xúc động vì trong quá trình hoạt động cách mạng Người "đã viết nhiều nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy".
Sau khi suy ngẫm, trăn trở, ngày 31-8-1945, Người quyết định bổ sung thêm một số điểm vào bản Tuyên ngôn, hoàn chỉnh bản khai sinh của nước Việt Nam độc lập, dân chủ, tự do.
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh dự thảo được Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thông qua trước khi công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới vào ngày 2-9-1945, tại Hà Nội.
Cùng với dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo chuẩn bị ngày quốc lễ 2-9-1945.
Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng như trên lĩnh vực đối ngoại, khẳng định chủ quyền của nhân dân Việt Nam trước các thế lực đế quốc, phản động đang tiến vào nước ta.
--------------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.1025-1028, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.