Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ sau chiến thắng Điện Biên Phủ
tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (23/7/1954) (Ảnh: hochiminh.vn)
Bảo đảm hậu cần cho chiến dịch trong điều kiện rất khó khăn: chiến trường ở xa hậu phương tới 500-600 km, trên địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận tải cơ giới đã hư hỏng, không có đường thuỷ, thời tiết khí hậu thất thường, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu.
Đứng trước những khó khăn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm: "Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này".
Để khắc phục khó khăn, đáp ứng nhu cầu hậu cần chiến dịch, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương: Huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến. Thực hiện phương châm đó, trong chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta đã tiến hành một cuộc vận động nhân dân chi viện tiền tuyến lớn lao chưa từng có trong kháng chiến chống Pháp, đã huy động một khối lượng lớn sức người, sức của ở cả vùng tạm bị địch chiếm, vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Việt Bắc và đặc biệt là Tây Bắc - hậu phương hậu cần tại chỗ của chiến dịch.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng” trong thời gian 210 ngày (từ tháng 11-1953 đến tháng 7-1954), ta đã đảm bảo cung cấp cho chiến dịch về mọi mặt bao gồm:
- Quân số hậu cần chiến dịch: 3.168 người, phân bố trong 7 đội điều trị, 1 đội vận tải ô tô 446 xe, binh trạm 18 và trạm điều chỉnh giao thông, kho quân nhu, quân khí.
- Lực lượng tăng cường có: 4 tiểu đoàn công binh sửa đường, 2 đại đội thông tin, 2 tiểu đoàn 37mm (24 khẩu) và đại đội 12,7mm.
- Lực lượng dân công 261.453 người với 3 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 ngựa thồ.
- Lương thực, thực phẩm cung cấp trong chiến dịch: 25.056 tấn gạo (trong đó Việt Bắc: 5.229 tấn, Liên khu III: 1.464 tấn, Liên khu IV: 9.052 tấn, Tây Bắc: 7.331 tấn, khu vực Nậm Hu và Thượng Lào 2.000 tấn), 907 tấn thịt (Việt Bắc: 454 tấn, Liên khu III: 64 tấn, Tây Bắc: 389 tấn), 917 tấn các loại thực phẩm khác, 1.860 lít dầu ăn và 280 kg mỡ, 71 tấn quân trang, 1.783 tấn xăng dầu, 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y, đã điều trị cho 10.130 thương binh và bệnh binh, 30.759 tấn vũ khí đạn dược.
------------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.933-935, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.