Ảnh tư liệu
Hưởng ứng phong trào đấu tranh đang rầm rộ khắp tỉnh và phản đối chính sách khủng bố dã man của đế quốc Pháp và phong kiến, ngày 12/9/1930, hơn 8.000 nông dân phủ Hưng Nguyên biểu tình đến phủ lỵ với khẩu hiệu: đả đảo chủ nghĩa đế quốc, đả đảo phong kiến, bỏ sưu giảm thuế, chia ruộng đất…
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Vinh - Bến Thủy và Phủ ủy Hưng Nguyên, từng đoàn nhân dân các làng xã phủ Hưng Nguyên hàng ngũ chỉnh tề, từ 3-5 giờ sáng đã tấp nập đến tập trung ở ga Yên Xuân. Tại đây, khi các đoàn đã đến đông đủ, một nữ đồng chí đứng lên diễn thuyết, cổ động. Đoàn biểu tình đã đồng thanh hô vang khẩu hiệu, các đội tự vệ phân công nhau đi cắt dây điện thoại và bắt giữ trưởng ga để cắt đứt đường dây liên lạc của đế quốc, rồi biểu tình đưa yêu sách vào phủ đường Hưng Nguyên. Đoàn biểu tình vừa kéo đến ngã ba Thái Lão, thực dân Pháp hai lần cho máy bay đến ném bom làm 217 người chết và 125 người bị thương.
Vụ thảm sát này càng làm bốc cao ngọn lửa căm thù của nhân dân trong tỉnh và cả nước. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân Hưng Nguyên, nhiều cuộc đấu tranh liên tiếp nổ ra. Ngay trong đêm 12/9, Huyện ủy Nam Đàn họp các tổ chức cơ sở Đảng và các hội quần chúng, vận động trên 5.000 người biểu tình kéo lên huyện đường phản đối hành động dã man của thực dân Pháp.
Xứ ủy Trung Kỳ, các Tỉnh ủy Nghệ An, Hà Tĩnh đều phát truyền đơn, đăng báo vạch tội ác của thực dân Pháp và tay sai, kêu gọi quần chúng nổi dậy đấu tranh chống lại sự tàn sát của chúng. Các cuộc mít tinh, biểu tình, truy điệu những đồng bào bị sát hại ở Hưng Nguyên được tổ chức ở khắp nơi trong tỉnh, lớn nhất là ba cuộc lễ truy điệu do các Tỉnh ủy tổ chức ở làng Lộc Đa (Hưng Nguyên), Can Lộc và Chợ Cồn (Thanh Chương).
Mặt khác, các cấp ủy Đảng tiếp tục phát động quần chúng đấu tranh phản đối sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với cuộc biểu tình Hưng Nguyên. Công nhân các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy liên tiếp bãi công. Tù chính trị ở Nhà lao Vinh tuyệt thực. Học sinh các trường bãi khóa, nhân dân Nghi Lộc bãi thị. Nhân dân các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu... biểu tình kéo lên phủ, huyện đưa yêu sách phản đối.
Cuộc biểu tình của nhân dân Hưng Nguyên chứng minh sức mạnh to lớn của nông dân, đồng thời là bằng chứng tố cáo sự dã man của thực dân Pháp và tay sai. Chính vì vậy, cuộc biểu tình Hưng Nguyên đã khích lệ, lôi cuốn hàng trăm cuộc đấu tranh khắc của nông dân Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.