Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo các địa phương dốc sức chuẩn bị trong 9 tháng, đặc biệt là về vận chuyển tăng cường lực lượng chiến đấu cho các chiến trường. Miền Bắc đã tăng viện cho miền Nam 5,5 vạn cán bộ, chiến sĩ cùng một khối lượng lớn trang bị kỹ thuật gồm cả xe tăng và pháo cơ giới là những vũ khí hạng nặng lần đàu tiên được đưa vào chiến trường.
Sơ đồ tiến công chiến lược mùa hè năm 1972. Ảnh: baotanglichsu.vn
Tháng 2-1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn đi Trung Quốc, ký “Thông cáo chung Thượng Hải” nhằm phân chia khu vực ảnh hưởng, đồng thời cô lập cuộc kháng chiến của Nhân dân ta.
Cuối tháng 3-1972, trước diễn biến phức tạp của tình hình mới, Bộ Chính trị sau khi cân nhắc mọi mặt đã khẳng định quyết tâm không có gì thay đổi là kiên quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược đánh bại về cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.
Ngày 30-3-1972, nhằm lúc địch chủ quan, sơ hở do phán đoán sai thời gian, quy mô và hướng tiến công của ta, quân và dân ta mở đầu cuộc tiến công chiến lược với quy mô lớn và cường độ mạnh vào hướng chủ yếu là Trị - Thiên, đánh thẳng vào tuyến phòng ngự của địch ở Đường 9, tiếp sau là các hướng Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ rồi đến đồng bằng Khu V và đồng bằng sông Cửu Long. Mỹ - ngụy phản công quyết liệt ở Quảng Trị và ngày 6-4-1972, không quân và hải quân Mỹ đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam.
Sau hai tháng tiến công, đến cuối tháng 5-1972 quân và dân ta giành thắng lợi lớn: Phá vỡ từng mảng ba tuyến phòng thủ vòng ngoài mạnh nhất của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 11 vạn quân địch, giải phóng tỉnh Quảng Trị và một số vùng đất rộng gồm hơn 1 triệu dân. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn.
Tháng 5-1972, Níchxơn đi Mátxcơva nhằm tranh thủ Liên Xô để cùng Trung Quốc hạn chế viện trợ vật chất cho ta và ép ta đàm phán theo điều kiện của Mỹ. Song với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa tất thắng và đường lối quốc tế đúng đắn, ta vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ lớn nhất có thể có của cả Trung Quốc và Liên Xô.
Ngày 01-6-1972, nhận định cục diện kháng chiến đã có điều kiện để tiến lên đánh bại về cơ bản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, Bộ Chính trị chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cuộc tiến công chiến lược ở miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, bảo đảm hậu phương làm tốt nghĩa vụ chi viện cho tiền tuyến.
Thực hiện quyết tâm của Đảng, quân và dân ta không quản hy sinh gian khổ, kiên cường đánh bại nhiều cuộc phản kích quyết liệt của địch, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm và giữ được phần lớn các vùng giải phóng mới mở ra ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Khu V. Đồng thời, quân và dân ta mở các chiến dịch kết hợp tiến công và nổi dậy ở đồng bằng Nam Bộ và Khu V, tiêu diệt nhiều địch, phá kế hoạch bình định của chúng. Riêng ở đồng bằng Nam Bộ, ta đã giải phóng và làm chủ 72 xã với 48 vạn dân, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng tương đương 2 sư đoàn chủ lực ta trở về hoạt động. Quân và dân ở hai nước Lào và Campuchia liên tiếp tiến công địch ở nhiều nơi, phối hợp với cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam.
Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã giành thắng lợi to lớn, làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh. Ta đã diệt và làm tan rã khoảng 30 vạn quân địch, giải phóng những vùng đất rộng gồm trên 1 triệu dân, đưa tổng số dân được giải phóng lên tới 4 triệu (trong tổng số 11 triệu dân). Bộ đội chủ lực ta trở về miền Nam đứng vững trên những địa bàn quan trọng, bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển. Thắng lợi của cuộc tiến công đã góp phần quyết định buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari rút hết quân ra khỏi miên Nam nước ta.
Tuy nhiên, bên cạnh thắng lợi mà ta đạt được, sự chỉ đạo của Đảng còn có nhiều thiếu sót trong việc đánh giá tình hình và so sánh lực lượng, chưa thấy hết khả năng đối phó của địch cũng như những mặt hạn chế của ta, đề ra mục tiêu của cuộc tiến công vượt quá khả năng của ta, chỉ đạo kế hoạch ứng phó chưa đầy đủ và kịp thời. Vì vậy, thương vong và tổn thất còn ở mức cao.
Theo Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, 2018, tr.279-282.