Cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Thứ hai, 30/09/2019 17:37
Đã 73 năm trôi qua kể từ ngày hội của non sông năm 1946 nhưng giá trị lịch sử và ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên vẹn như thủa nào, điều ấy đã và đang được các thế hệ sau này kế thừa và phát huy những thành quả mà Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã gây dựng lên.

Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng khẳng định trước thế giới và quốc dân đồng bào: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Trên thực tế, nước ta là một nước tự do, độc lập, nhưng về mặt pháp lý chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận, thêm vào đó lại đang ở tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”- những hậu quả của chế độ thực dân - phong kiến: nạn đói, nạn dốt và nguy cơ một cuộc chiến tranh xâm lược mới do nhiều kẻ thù bên ngoài cùng lúc tiến hành, được các thế lực phản động bên trong hậu thuẫn. Do đó, một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ngay sau ngày thành lập là tiến hành cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức, đồng thời bảo vệ, phát triển những thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám vừa mới giành được. Công việc này không chỉ để củng cố và tăng cường chính quyền vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân, mà còn làm cho thế giới nhận thấy tính hợp pháp, hợp hiến của một chính quyền do nhân dân bầu ra.

Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc ấn định ngày bầu cử và thể lệ bầu cử Quốc hội

Ngày 03/9/1945, một ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ sự cấp thiết phải tiến hành càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945: "Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 14 ngày 08/9/1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về tổ chức Tổng tuyển cử.

Trên cơ sở Sắc lệnh đó, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành ngày 06/01/1946.

Việc tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một sự kiện trọng đại, vì đây là lần bầu cử Quốc hội đầu tiên trong lịch sử dân tộc, và cũng là nước có bầu cử đầu tiên trong các nước thuộc địa và phụ thuộc. Nguyên tắc tự do bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích trên báo Cứu Quốc ngày 30/12/1945: "... hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó".

Cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra khá gay go, phức tạp, một vài địa phương ở miền Nam bị Pháp chiếm đã đổ máu như ở Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Tân An, Tây Nguyên... quân đội Pháp đã ném bom, bắn phá, làm một số người chết và bị thương. Chỉ riêng ở Sài Gòn-Chợ Lớn đã có 42 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử. Mặc cho bọn phản động tuyên truyền phá hoại, các tầng lớp nhân dân vẫn phấn khởi, nhiệt liệt hưởng ứng, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội. Nhiều người có tài, đức, thực tâm yêu nước đã tự ứng cử hoặc được các đoàn thể quần chúng giới thiệu ra ứng cử, tạo nên một bầu không khí dân chủ, lành mạnh.

Ngày Tổng tuyển cử thực sự trở thành ngày hội của quần chúng, toàn dân nô nức tham gia. Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra trên cả nước, với khoảng 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, cả nước bầu được 333 đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (tháng 1/1946), bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đánh dấu một bước phát triển mới trong việc củng cố nền độc lập dân tộc vừa giành được, thực hiện thể chế dân chủ thực sự, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I, ngày 02/3/1946.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là dấu mốc phát triển đầu tiên trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ của nước Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Trên suốt chặng đường đấu tranh anh dũng của toàn dân tộc cho đến ngày đất nước thống nhất, Quốc hội đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là người đại biểu đáng tin cậy của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là nơi tập trung trí tuệ của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động. Quốc hội đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết, ý chí thống nhất đất nước và lòng quyết tâm xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu rực rỡ, những trang sử vẻ vang của Quốc hội nước ta gắn liền với từng bước đi của dân tộc được bắt đầu từ ngày 6 tháng 1 năm 1946, ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nhân dân Việt Nam. Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, các thế hệ đại biểu đã và đang kế thừa, phát huy những thành quả mà Quốc hội Việt Nam đã gây dựng. Đến nay, Quốc hội đã bước sang khóa thứ 13 với nhiều thành công cũng như thách thức.

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Hiến pháp là văn bản pháp luật có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và đời sống chính trị của mỗi quốc gia; đồng thời có thể coi là tuyên ngôn chính trị của mỗi chính thể nhà nước. Hiến pháp được gọi là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, các quy định của Hiến pháp là cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất; đồng thời là cơ sở cho việc tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước. 

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời 02/9/1945. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải làm của Chính phủ mới. Một trong những nhiệm vụ cấp bách đó là xây dựng Hiến pháp. Ngày 20/9/1945, Chính phủ Lâm thời ra Sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau khi thoái vị), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).

Tháng 11/1945, Ban dự thảo đã hoàn thành công việc và bản dự thảo được công bố cho toàn dân thảo luận. Hàng triệu người Việt Nam hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Hiến pháp chứa đựng mơ ước của nhân dân ta về độc lập và tự do.

Ngày 02/03/1946, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày bản dự thảo Hiến pháp. Trên cơ sở đó, Quốc hội (Khoá I, Kỳ họp thứ Nhất) đã thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người là đại biểu của nhiều tổ chức, đảng phái khác nhau do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ban dự thảo có nhiệm vụ tổng kết các ý kiến đóng góp của nhân dân và xây dựng bản dự thảo cuối cùng để đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua.

Ngày 28/10/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I đã khai mạc. Ngày 09/11/1946, sau hơn mười ngày làm việc khẩn trương, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với sự nhất trí của 240/242 đại biểu dự họp.

Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 là một bản hiến văn ngắn, bao gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều.

Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này:

"Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo.

"Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

"Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân."

Chương I quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ Cộng hòa

Chương II quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật.

Chương III quy định về nghị viện nhân dân.

Chương IV quy định về chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc

Chương V quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã; quy định về cơ quan hành chính (ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân) các cấp.

Chương VI quy định về cơ quan tư pháp bao gồm toà án tối cao, các toà án phúc thẩm, các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp.

Chương VII quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền phúc quyết hiến pháp của dân.

Đặc điểm cơ bản của Hiến pháp năm 1946 được thể hiện trong 3 nguyên tắc cơ bản, đó là: đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền lợi dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Điều luật thể hiện rõ nhất nguyên tắc đoàn kết toàn dân là Điều 1 của Hiến pháp, đó là: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Đây là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của Nhà nước Việt Nam: lần đầu tiên một Nhà nước dân chủ nhân dân được thành lập ở nước ta, với hình thức chính thể là cộng hoà.

Hiến pháp năm 1946 chú trọng đặc biệt đến việc bảo đảm quyền lợi dân chủ cho nhân dân. Hiến pháp đã xây dựng một chương riêng về chế định công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhân dân được bảo đảm các quyền tự do dân chủ. Điều 10 Hiến pháp ghi nhận: “Công dân Việt Nam có quyền:

- Tự do ngôn luận,

- Tự do xuất bản,

- Tự do tổ chức và hội họp,

- Tự do tín ngưỡng,

- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Đây cũng là lần đầu tiên Nhà nước Việt Nam ghi nhận phụ nữ ngang quyền với nam giới trong mọi phương diện và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do… phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp.

Hiến pháp năm 1946 đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng Tháng Tám, xác lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Mục tiêu chiến lược của Hiến pháp là hoàn thành độc lập dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ nhân dân, chuẩn bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta, là một bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém một bản hiến pháp nào trên thế giới. Nó là bản hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện.

Đây là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của Nhà nước Việt Nam. Lần đầu tiên ở nước ta cũng như ở Đông Nam Á một nhà nước dân chủ nhân dân được thành lập, và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, hình thức chính thể là hình thức cộng hoà. Đó là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của tư tưởng dân chủ, đề cao tính dân tộc của Nhà nước.

Hiến pháp năm 1946 ra đời là sự khẳng định mạnh mẽ về mặt pháp lý chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh nên bản Hiến pháp 1946 không được chính thức công bố. Mặc dù vậy, những tinh thần và nội dung của Hiến pháp 1946 luôn được Chính phủ lâm thời và Ban thường vụ Quốc hội áp dụng, điều hành đất nước. Tư tưởng lập hiến của Hiến pháp 1946 luôn được kế thừa và phát triển trong các bản Hiến pháp sau này.

Đã 73 năm trôi qua kể từ mùa xuân năm ấy của ngày hội non sông nhưng giá trị lịch sử và ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên vẹn như thủa nào, điều ấy đã và đang được các thế hệ sau này kế thừa và phát huy những thành quả mà Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã gây dựng lên./.

(Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực