Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng

Thứ hai, 30/09/2019 17:36
(ĐCSVN) - Nhằm giải quyết những vấn đề mới mà cách mạng đặt ra, Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập. Đại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho trên 76 vạn đảng viên.

Đến năm 1951, năm thứ sáu của cuộc kháng chiến, thế và lực của chiến tranh nhân dân có sự phát triển vượt bậc. Sự ủng hộ về tinh thần, vật chất của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ba nước Đông Dương đẩy kháng chiến mau tới thắng lợi hoàn toàn. Ta đã có những vùng giải phóng rộng lớn, mở được cửa thông thương quốc tế; lực lượng vũ trang có khá năng tiêu diệt bộ phận sinh lực quan trọng của địch. Song, thực dân Pháp với sự trợ giúp của đế quốc Mỹ, vẫn nỗ lực tăng cường chiến tranh, gây cho ta nhiều khó khăn, phức tạp.


Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Nhằm giải quyết những vấn đề mới mà cách mạng đặt ra, Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập. Đại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho trên 76 vạn đảng viên.

Trong mười ngày làm việc, Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận Báo cáo chính trị, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ của Đảng, các báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ nhân dân, quân đội nhân dân, kinh tế tài chính, văn nghệ nhân dân.

Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày (chiều ngày 11-2) là một văn kiện có giá trị thực tiễn và lý luận to lớn. Báo cáo tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng trong hơn 20 năm lãnh đạo cách mạng, vạch ra những phương hướng, nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn. Báo cáo khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài vì độc lập thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi. Báo cáo nêu hai nhiệm vụ chính của Đảng lúc này là:

1. Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

2. Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.

Đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn là nhiệm vụ cấp bách. Các nhiệm vụ khác đều nhằm phục vụ nhiệm vụ cấp bách đó. Báo cáo chỉ rõ, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, phải đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang và các tổ chức quần chúng đẩy mạnh thi đua yêu nước, thi hành chính sách ruộng đất ở vùng tự do, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, thành lập Mặt trận thống nhất Việt Lào -Campuchia, đoàn kết quốc tế.

Về tổ chức Đảng, Báo cáo khẳng định: "Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam".

Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trình bày (ngày 12-2) phân tích một cách hệ thống và sâu sắc toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về các chính sách của Đảng và về Đảng Lao động Việt Nam. Báo cáo phân tích xã hội Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, nêu rõ xã hội Việt Nam chứa chất nhiều mâu thuẫn, trong đó có hai mâu thuẫn cơ bản. Đó là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc và tay sai; mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Mâu thuẫn chính là mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc xâm lược và tay sai.

Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, trừ diệt bọn phản quốc, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, xóa bỏ di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ phản đế và phản phong có mối quan hệ khăng khít, nhưng trọng tâm của cách mạng giai đoạn hiện tại là giải phóng dân tộc.

Trên cơ sở nhiệm vụ cách mạng, thái độ chính trị của các giai cấp trong xã hội, Báo cáo nêu rõ sự sắp xếp lực lượng cách mạng như sau: lực lượng cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản dân tộc, chủ yếu là công nhân và nông dân. Lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân. Báo cáo chỉ rõ cách mạng Việt Nam là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Căn cứ tình hình, nhiệm vụ, tính chất cách mạng, Báo cáo vạch ra 12 chính sách của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng được Đại hội thảo luận và đúc kết một cách khái quát trong Chính cương Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội thảo luận và nhất trí thông qua Điều lệ mới của Đảng Lao động Việt Nam. Căn cứ trách nhiệm mới của Đảng là lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo chiến tranh cách mạng, số lượng đảng viên đã phát triển, Điều lệ của Đảng Lao động Việt Nam có nhiều điểm sửa đổi so với Điều lệ năm 1935. Điều lệ mới quy định thời hạn dự bị của đảng viên xuất thân công nhân từ 2 tháng lên 6 tháng, của đảng viên xuất thân trung nông và tiểu tư sản từ 4 tháng lên 1 năm.

Về nhiệm vụ đảng viên, ngoài nhiệm vụ số 1 là thực hiện nghị quyết, chính sách của Đảng, Điều lệ mới bổ sung thêm nhiệm vụ hết lòng phục vụ quần chúng, học hỏi, giáo dục quần chúng; kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình; gương mẫu trong mọi công tác cách mạng. Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng phân tích kỹ vấn đề mở rộng dân chủ, tăng cường tập trung và phát triển phê bình, tự phê bình trong Đảng.

Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương Điều lệ và Tuyên ngôn của Đảng. Đại hội quyết định sẽ thành lập những tổ chức cách mạng phù hợp hoàn cảnh Lào và Campuchia. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào và Campuchia lãnh đạo kháng chiến của hai dân tộc ấy giành thắng lợi cuối cùng.

Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng do Đại hội bầu ra gồm 29 đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng. Bộ Chính trị do Trung ương bầu gồm 7 ủy viên chính thức: đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, một ủy viên dự khuyết là đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr.3 – 495.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.6, tr.153-176.

- Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thắng lợi và bài học, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.176-177.


Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực