Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành Chương trình hành động

Thứ hai, 09/09/2019 08:44
(ĐCSVN) - Từ giữa năm 1931 đến giữa năm 1932, trước chính sách khủng bố trắng của đế quốc Pháp và tay sai, hệ thống tổ chức Đảng chịu những thiệt hại nghiêm trọng, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn không ngừng lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng.

Với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, một số đảng viên hoạt động trong và ngoài nước đã soạn thảo Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương1. Văn kiện đã được thảo luận kỹ và được Uỷ ban chính trị thuộc Ban Bí thư Chính trị của Ban Chấp ủy Quốc tế Cộng sản thông qua ngày 15-6-1932.

Chương trình hành động nêu lên chính sách hai mặt phản động và xảo quyệt của đế quốc Pháp là nguồn gốc của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Đông Dương từ hai năm qua; phân tích tình hình các đảng phái chính trị ở Đông Dương, chỉ rõ tính chất thoả hiệp, phản động và hạn chế của các đảng phái "quốc gia cải lương", “quốc gia cách mạng", các đảng phái tiểu tư sản đang nảy sinh mạnh mẽ. Chương trình hành động cũng đánh giá những hạn chế, thiếu sót trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong hai năm qua và khẳng định: Đảng Cộng sản Đông Dương là lực lượng duy nhất trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đông Dương, có khả năng lãnh đạo thành công cách mạng ở Đông Dương. Tạm thời, Đảng Cộng sản đang bị đàn áp dữ dội, cách mạng đang ở thế thoái trào, nhưng tương lai thắng lợi nhất định sẽ thuộc về Đảng Cộng sản. Được sự giúp đỡ của giai cấp vô sản trên thế giới, “công nông Đông Dương dưới quyền chỉ đạo của Đảng Cộng sản sẽ nổi lên võ trang bạo động thi hành cho được những nhiệm vụ sau này của cách mạng phản đế và điền địa, rồi sẽ cùng nhau giỏi bước tiến lên để đạt xã hội chủ nghĩa".

Chương trình hành động đề ra những nhiệm vụ về tổ chức và lãnh đạo đấu tranh cách mạng. Đảng Cộng sản Đông Dương phải được xây dựng "bí mật có kỷ luật nghiêm nhất, cứng như sắt, vững như đồng". Ra sức củng cố và phát triển Công hội đỏ, Nông hội đỏ, các Đội tự vệ công nông... Phương pháp hoạt động của Đảng và các đoàn thể quần chúng là bí mật, kết hợp bí mật với công khai, hợp pháp với không hợp pháp... để tuyên truyền đường lối, phát triển tổ chức. Trong đấu tranh, cần kết hợp giữa các mục tiêu hằng ngày với các mục tiêu cơ bản của cuộc cách mạng dân chủ tư sản.

Chương trình hành động đề ra bốn yêu cầu chung:

1. Đòi các quyền tự do dân chủ cho nhân dân lao động như tự do tổ chức, hội họp, ngôn luận, đi lại...

2. Thả hết tù chính trị, rút bỏ các đồn bốt, bãi bỏ các toà án binh, hội đồng đề hình, bỏ các bộ luật riêng cho người bản xứ.

3. Bỏ các loại thuế thân, thuế ngụ cư, thuế phụ và các khoản thuế khác. Đặt ra thuế luỹ tiến, người giàu phải nộp, người nghèo được miễn.

4. Bỏ độc quyền muối, rượu, thuốc phiện.

Chương trình hành động đề ra nhưng yêu sách kinh tế chính trị và xã hội cho các giai cấp, tầng lớp nhân dân Đông Dương. Đó là yêu sách của công nhân công nghiệp và nông nghiệp, nông dân, thợ thủ công, tiểu thương, dân nghèo thành thị, binh lính, thuỷ thủ, phụ nữ, thanh niên và các dân tộc ít người. Hiểu rõ nguyện vọng của quần chúng nhân dân, các yêu sách đó sẽ cổ vũ các giai cấp, tầng lớp đứng lên đấu tranh mạnh mẽ rộng rãi chống đế quốc và phong kiến. Con đường đấu tranh mà Chương trình hành động đề ra là gắn liền cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc, gắn cuộc đấu tranh đòi các quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội, những mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Trong quá trình đấu tranh luôn chú ý chuẩn bị lực lượng mọi mặt tiến lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Trong tình hình cách mạng đang gặp nhiều khó khăn, Chương trình hành động chứng tỏ sức sống mãnh liệt của Đảng Cộng sản Đông Dương, vượt qua mọi sự đàn áp của kẻ thù, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và kịp thời phong trào đấu tranh cách mạng.

--------------------

Chú thích:

1. Một số người tham gia soạn thảo Chương trình hành động: Hà Huy Tập, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Dựt, Vaxilieeva (đảng viên Đảng Cộng sản Nga).

---------------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.232-235, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực