Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời

Thứ ba, 01/10/2019 15:42
(ĐCSVN) - Ngày 9-11-1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với 240/242 đại biểu tán thành.
Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1946.
(Ảnh tư liệu: quochoi.vn)

Ngoài Lời nói đầu ghi rõ thành quả của cuộc cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ của dân tộc trong giai đoạn mới và những nguyên tắc xây dựng Hiến pháp, Hiến pháp có 7 chương, 70 điều gồm các phần Chính thể (Chương I), Nghĩa vụ và quyền lợi công dân (Chương II), Nghị viện nhân dân (Chương III), Chính phủ (Chương IV), Hội đồng nhân dânUỷ ban hành chính (Chương V), Cơ quan tư pháp (Chương VI), Sửa đổi Hiến pháp (Chương VII).

Về Chính thể, Hiến pháp ghi rõ:

“Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo" (Điều 1).

“Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia" (Điều 2).

“Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh. Quốc ca là bài Tiến quân ca. Thủ đô đặt ở Hà Nội" (Điều 3).

Về nghĩa vụ và quyền lợi công dân, Hiến pháp 1946 ghi:

"Mỗi công dân Việt Nam phải: bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật" (Điều 4). "Công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải đi lính" (Điều 5), "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá" (Điều 6), đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình" (Điều 7), "Những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8), "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện" (Điều 9), "Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài" (Điều 10), "Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam, không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật (Điều 11), “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm" (Điều 12), "Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm" (Điều 13), "Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng” (Điều 14), "Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước" (Điều 15), "Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín" (Điều 17), “Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên... đều có quyền bầu cử... Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi..." (Điều 18), "Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra" (Điều 20), "Có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia" (Điều 21).

Hiến pháp quy định rõ về Nghị viện nhân dân, chương III: "Nghị Viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Điều 22); về Chính phủ (Chương IV) là "Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc; về Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính (Chương V), "Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra uỷ ban hành chính. Ở bộ và huyện, chỉ có Uỷ ban hành chính. Uỷ ban hành chính bộ do Hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Uỷ ban hành chính huyện do Hội đồng các xã bầu ra" (Điều 58).

Hiến pháp cũng quy định hệ thống tổ chức và quyền hạn của cơ quan tư pháp và những điều quy định về sửa đổi Hiến pháp.

Bản Hiến pháp trở thành chính thức từ ngày 9-11-1946, nhưng do tình hình chiến tranh, nên Quốc hội đã biểu quyết chưa ban hành Hiến pháp bằng một Sắc lệnh và chưa thi hành Hiến pháp ngay. Việc bầu Nghị viện nhân dân theo quy định của Hiến pháp chưa được tổ chức. Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến khi bầu được Nghị viện nhân dân. Quốc hội cũng đã chuẩn y, quyết định uỷ nhiệm cho Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội thi hành Hiến pháp. Trong thời kỳ chưa thi hành được thì Chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong Hiến pháp để ban hành các đạo luật.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.120-123, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực