Người thưởng Huy hiệu cho các cán bộ, chiến sĩ lập nhiều chiến công, tham gia
chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ (5/1954) (Ảnh: hochiminh.vn)
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là một chiến dịch lớn có tầm chiến lược. Do đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải dốc mọi khả năng, lực lượng giành thắng lợi.
Công an nhân dân được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ chiến dịch. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Công an xác định bảo vệ chiến dịch là nhiệm vụ trọng tâm của công tác công an trong thời kỳ này.
Từ những kinh nghiệm bảo vệ chiến dịch trước, ngành công an đã lập ra Ban công an tiền phương nằm trong Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương. Ở một số tỉnh thuộc Tây Bắc cũng thành lập Ban công an tiền phương cấp tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ đạo công tác bảo vệ chiến dịch.
Nhiệm vụ cụ thể của Ban công an tiền phương là trực tiếp bảo vệ hoạt động của các lực lượng, các ngành tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, bảo vệ kho tàng, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội.
Đội ngũ dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trên 26 vạn người được huy động từng đợt. Công tác bảo vệ dân công rất khó khăn. Trước hết phải bảo đảm sự trong sạch về chính trị đội ngũ dân công. Công an các địa phương góp phần cùng các cấp chính quyền tiến hành lựa chọn, xét duyệt những người đủ tiêu chuẩn đi dân công.
Lực lượng phương tiện vận tải và phục vụ giao thông vận tải trong chiến dịch Điện Biên Phủ rất lớn bao gồm 628 xe ô tô, 11.800 thuyền bè các loại, gần 21.000 xe đạp thồ và nhiều phương tiện khác. Các tuyến đường vận chuyển dài hàng vạn kilômét lại khó khăn hiểm trở, kẻ địch chú trọng nắm tình hình về hoạt động giao thông vận chuyển của ta, tăng cường gián điệp, gây cơ sở điều tra thu thập tin tức tình bào và tung gián điệp, biệt kích hoạt động phá hoại đường xá, cầu cống. Công an phối hợp với các ngành tổ chức tốt công tác bảo vệ giao thông vận chuyển. Trên các tuyến đường quan trọng có các trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại, các đội tuần tra vũ trang. Ngoài ra, lực lượng công an còn kiểm tra hành chính phát hiện kẻ gian, người lạ mặt, quản lý chặt chẽ hàng cơm, quán trọ hai bên đường.
Ở các trọng điểm giao thông như ngã ba, ngã tư, đèo, cầu phà… công an tổ chức các trạm báo động phòng không; điều hoà và phân tán các phương tiện vận chuyển.
Trong công tác bảo vệ kho tàng, trạm trung chuyển, công an tiền phương phối hợp với bộ phận quân nhu, hậu cần quân đội kiểm tra, lựa chọn những người giữ kho, có lý lịch trong sạch, rõ ràng, có phẩm chất chính trị tốt và đạo đức liêm khiết. Các đồn, trạm công an phối hợp với dân quân địa phương tuần tra, canh gác kho tàng, phát hiện biệt kích hoặc phần tử xấu hoạt động phá hoại. Ở các địa phương như Mường Vạc, Yên Châu, Hát Lót, Cò Nòi, Tạ Khoa (Sơn La), Tuần Giáo (Lai Châu), Suối Rút, Tu Vũ (Hoà Bình)… là những nơi có nhiều kho tàng, trạm trung chuyển, nhân dân đã tích cực thực hiện phong trào "phòng gian bảo mật" tham gia tuần tra canh gác.
Được sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và sự ủng hộ tích cực của nhân dân, lực lượng công an đã diệt và bắt hầu hết các toán gián điệp, biệt kích do địch tung xuống điều tra, phá hoại cầu cống, trục đường, phương tiện giao thông vận chuyển. Để bảo vệ tốt lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch, lực lượng công an phối hợp với Cục bảo vệ quân đội tiến hành thuần khiết nội bộ; đảm bảo nguyên tắc "vũ khí nằm trong tay người tin cậy". Trong các cuộc hành quân trú quân của bộ đội, lực lượng công an tham gia bảo vệ đã làm trong sạch địa bàn, chủ động điều chuyển những đối tượng hiềm nghi, những phần tử tề ngụy… khỏi những địa điểm mà bộ đội sắp hành quân qua hoặc sẽ nghỉ chân.
Công an còn vận động nhân dân địa phương thực hiện khẩu hiệu "ba không” giữ bí mật, che phòng cho bộ đội, tổ chức tuần tra canh gác phát hiện do thám gián điệp.
Ngày 7-5-1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Trong thắng lợi vĩ đại đó, Công an nhân dân Việt Nam đã góp phần xứng đáng trong công tác bảo vệ chiến dịch.
------------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.935-938, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.