Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương

Thứ hai, 07/10/2019 10:59
(ĐCSVN) - Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Chính phủ ta.

Với cố gắng của Liên Xô trong việc chủ động vận động Mỹ, Anh, Pháp họp hội nghị năm nước có Trung Quốc tham gia để bàn cách giảm tình hình căng thẳng ở Đông Dương, ngày 18-2-1954, bốn nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp họp ở Béclin ra thông báo sẽ triệu tập Hội nghị Giơnevơ.

Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương (Ảnh tư liệu)

Ngày 4-5-1954, nhận lời mời của hai Chính phủ Liên Xô và Trung Quốc, đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đến Giơnevơ tham dự Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Ngày 8-5-1954, một ngày sau khi bị đại bại ở Điện Biên Phủ, Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng với sự tham dự của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mỹ, Anh và ba đoàn đại diện của chính quyền bù nhìn Việt Nam, Lào, Campuchia.

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ ta trình bày lập trường tám điểm:

1- Pháp phải công nhận chủ quyền, độc lập của Việt Nam trên khắp lãnh thổ Việt Nam và chủ quyền, độc lập của hai nước Lào, Campuchia.

2- Ký một hiệp định về việc rút quân đội ngoại quốc ra khỏi ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

3- Tổ chức tổng tuyển cử tự do ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

4- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Pathét Lào và Campuchia xem xét vấn đề gia nhập Liên hiệp Pháp.

5- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Pathét Lào và Campuchia công nhận quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp, quan hệ kinh tế giữa ba nước với Pháp sẽ được quy định trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau.

6- Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với bên kia trong chiến tranh.

7- Trao đổi tù binh.

8- Ngừng bắn toàn Đông Dương.

Trải qua 7 phiên họp toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn rất căng thẳng và phức tạp, nhưng với tinh thần chủ động và cố gắng của Chính phủ ta, ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết. Âm mưu phá hoại Hội nghị Giơnevơ của đế quốc Mỹ và bọn hiếu chiến Pháp hòng kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược Đông Dương đã thất bại.

Hội nghị đã công bố bản Tuyên ngôn chính trị và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, thừa nhận và tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương và ở mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước. Bản Tuyên bố chung ghi rõ ở Việt Nam “đường ranh giới về quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi như là một biên giới chính trị hoặc lãnh thổ”. Bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam bao gồm 6 chương, 47 điều, ngoài ra còn có phụ bản kèm theo nói rõ thêm về "giới tuyến quân sự tạm thời, khu phi quân sự và các khu đóng quân tạm thời".

Hiệp định Giơnevơ phản ánh xu thế chung của các nước lớn trong tình hình quốc tế lúc đó. Nó đã góp phần cùng với chiến thắng của các cuộc tiến công Đông Xuân 1953-1954 trên toàn chiến trường cả nước và ba nước Đông Dương, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, Lào và Việt Nam.

Với thắng lợi của ta ở Hội nghị Giơnevơ, hoà bình được lập lại ở Đông Dương, nhân dân miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, đó là một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.143-163.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực