Hội nghị kéo dài đến tuần đầu tháng 2-1930. Ngày 8-2-1930, các đại biểu về nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9-1960 quyết nghị "từ nay trở đi lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng".
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.
Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Để chỉ đạo Hội nghị tiến hành đạt mục tiêu thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc xác định rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tự phê bình và phê bình về những thành kiến giữa các tổ chức cộng sản, dẫn đến tình trạng xung đột, công kích lẫn nhau, phải xóa bỏ những khuyết điểm đó và thành thật hợp tác để thống nhất các tổ chức cộng sản. Tiếp đó, Hội nghị bàn về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thảo luận thông qua Chính cương, Điều lệ, kế hoạch thực hiện việc thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước, cử Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Những ý kiến chỉ đạo đó của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được Hội nghị tán thành và thực hiện.
Hai tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã phê bình lẫn nhau, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của họ. Những khuyết điểm chủ yếu của An Nam Cộng sản Đảng là: điều kiện công nhận đảng viên chính thức quá khắt khe, điều kiện gia nhập Công hội, Nông hội, Học sinh hội cũng quá khắt khe.
Đông Dương Cộng sản Đảng thì phạm các sai lầm, khuyết điểm: điều kiện công nhận đảng viên chính thức và điều kiện kết nạp vào Công hội quá khắt khe; về mặt tổ chức, đảng có tính chất bè phái, xa quần chúng, làm tan rã hai tổ chức Thanh niên và Tân Việt.
Kết quả phê bình và tự phê bình đó dẫn tới sự thống nhất thành lập một Đảng Cộng sản.
Hội nghị thảo luận và tán thành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, thông qua kế hoạch thành lập một Đảng Cộng sản lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thống nhất cách cử Ban Chấp hành Tung ương lâm thời: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, có năm ủy viên do Đông Dương Cộng sản Đảng cử, Nam Kỳ có hai ủy viên do Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng cử. Như vậy, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời có tổng số bảy ủy viên.
Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Hội nghị quyết định chủ trương xây dựng các tổ chức Công hội, Nông hội, Hội phản đế. Theo đó, Công hội và Nông hội sẽ thu hút những công nhân và nông dân không thể kết nạp vào Đảng. Các tầng lớp trí thức, tiểu tư sản vào Hội Phản đế. Hội nghị xác định rõ thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là cử cán bộ vào Nam Kỳ để lãnh đạo và đưa tổ chức này vào Hội Phản đế, đối với Tân Việt thì không giải tán và cũng đưa vào Hội Phản đế, kết nạp những người ưu tú trong tổ chức đó vào Đảng. Đảng chủ trương tranh thủ Quốc dân Đảng, thu nạp đảng viên của Đảng này vào Hội Phản đế. Để thực hiện chủ trương đoàn kết các tố chức cách mạng trong Mặt trận phản đế, "Đảng chỉ định một đồng chí chịu trách nhiệm họp đại biểu tất cả các đảng phái như Tân Việt, Thanh niên, Quốc dân Đảng, Đảng Nguyễn An Ninh, v.v. để thành lập Mặt trận phản đế và về sau cá nhân hoặc tổ chức đều có thể gia nhập".
Đảng sẽ thành lập Hội Cứu tế do những đảng viên được Đảng cử ra phụ trách và tuyên truyền phát triển hội viên. Hội Cứu tế làm nhiệm vụ đấu tranh chính trị bảo vệ những chiến sĩ cách mạng, giúp đỡ họ và gia đình họ về vật chất khi họ bị chính quyền thực dân bắt bớ, kết án và tù đày…
Về báo chí của Đảng, Hội nghị thành lập Đảng quyết định bỏ những tờ báo của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng xuất bản trước đây. Xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền.
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là mốc son đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng Việt Nam, là bước ngoặt của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là thành quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Chánh cương văn tắt, Sách lược văn tắt của Đảng
Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng.
Chánh cương vắn tắt của Đảng chủ trương làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Nhiệm vụ của cuộc cách mạng ấy, về phương diện xã hội thì làm sao cho dân chúng được tự do, nam nữ bình quyền và phổ thông giáo dục theo công nông hóa; về phương diện chính trị: đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tổ chức ra chính phủ công nông binh và quân đội công nông; về phương diện kinh tế thì phải thủ tiêu hết các thứ quốc trái, thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc Pháp giao cho Chính phủ công nông binh quản lý, thu hết ruộng đất chia cho dân nghèo, bỏ sưu thuế cho dân cày mở mang công nghiệp và nông nghiệp, thi hành luật ngày làm tám giờ.
Sách lược vắn tắt của Đảng ghi rõ: Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Đảng phải tập hợp được đại bộ phận giai cấp và làm cho giai cấp lãnh đạo được dân chúng. Đảng phải đoàn kết được đại đa số nông dân, phải dựa vững vào nông dân nghèo, phải hết sức lãnh đạo nông dân nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ đại địa chủ và phong kiến, Đảng phải "hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản c.m (Đảng Lập hiến, v.v.) thì phải đánh đổ.
Trong khi liên lạc với các giai cấp phải rất cẩn thận không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp". Hơn nữa khi tuyên truyền khẩu hiệu "nước An Nam độc lập", Đảng phải đồng thời nêu khẩu hiệu đoàn kết chặt chẽ với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.
Chánh cương vắn tắt của Đảng, sách lược vắn tắt của Đảng là cương lĩnh cách mạng đầu tiên vạch ra con đường đi cho cách mạng Việt Nam. Chánh cương, Sách lược vắn tắt có giá trị vô cùng to lớn - là một trong những nền tảng quan trọng xây dựng nên đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng ta.
Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam
Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời nhưng chưa có lực lượng, tổ chức, chánh cương không cụ thể, chưa phải là một đoàn thể Bônsơvích chân chính "nhưng có tinh thần cộng sản" và muốn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Xét nguyện vọng chính đáng của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, ngày 24-2-1930, hai đồng chí thay mặt cho đại biểu của Quốc tế Cộng sản (tức Nguyễn Ái Quốc) là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu, hai đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời là Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) và Phạm Hữu Lầu cùng với đồng chí Ngô Gia Tự, Bí thư lâm thời Chấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ đã họp Hội nghị, chấp nhận sự sáp nhập của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nghị quyết chỉ rõ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cử một người tham gia Lâm thời Chấp ủy của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ; đồng thời, Lâm thời Chấp ủy của Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Chấp ủy Liên đoàn phải thông báo để cho các đồng chí trong Đảng biết Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.