Lán Nà Lừa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang,
nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trong những ngày Hội nghị toàn quốc
của Đảng và Quốc dân Đại hội (1945) (Nguồn ảnh: hochiminh.vn)
Người Chỉ thị: "nên họp ngay và cũng không nên kéo dài hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội".
Ngày 14-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Dự Hội nghị có đại biểu các đảng bộ địa phương trong nước, một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài, đại biểu của Khu Giải phóng và các chiến khu. Bắt nhịp đúng sự nóng hổi của tình hình, sau khi thảo luận, Hội nghị khẳng định: "Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi", "quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ", "Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa, giành quyền độc lập”.
Trên cơ sở phân tích chính xác tình hình, Hội nghị nhất trí: Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành quyền độc lập hoàn toàn.
Hội nghị đề ra ba nguyên tắc để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong Tổng khởi nghĩa thắng lợi.
"a) Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính.
b) Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự chính trị, hành động và chỉ huy.
c) Kịp thời - kịp thời hành động không bỏ lỡ cơ hội.
Hội nghị đề ra phương châm hành động là: “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê", "quân sự và chính trị phải phối hợp", "làm tan rã tinh thần quân địch và dụ chúng hàng trước khi đánh", “chớp lấy những căn cứ chính (cả các đô thị) trước khi quân Đồng minh vào", “thành lập những Uỷ ban Nhân dân ở những nơi ta làm chủ”.
Hội nghị đề ra ba khẩu hiệu đấu tranh lớn là:
“Phản đối xâm lược!
Hoàn toàn độc lập
Chính quyền nhân dân!".
Ngoài việc quyết định nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách, trước mắt là lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyến, Hội nghị còn đề ra các công tác đối nội, đối ngoại cần được thi hành sau khi giành được chính quyền thắng lợi.
Về đối nội: Hội nghị thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. coi đó là những chính sách cơ bản, trước mắt trong toàn bộ những hoạt động của toàn Đảng, toàn dân ta. Hội nghị cũng nhấn mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng, trước hết là tuyên truyền, giáo dục các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh; chú trọng đến nhiệm vụ kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Về mặt đối ngoại: Hội nghị nêu rõ chủ trương triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp, Anh, Mỹ, Tưởng; hết sức tránh trường hợp một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù trong cùng một lúc; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Liên Xô và Đồng minh để chống lại mưu mô hồi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương của đế quốc Pháp và âm mưu xâm chiếm nước ta của quân phiệt Tưởng. Trong khi đề cao việc tranh thủ Đồng minh, Hội nghị nhấn mạnh khâu mấu chốt giành thắng lợi trên mặt trận đối ngoại là dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi giữa ta và Đồng minh".
Để bảo đảm lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi, Hội nghị nhấn mạnh công tác đào tạo, sử dụng phân phối cán bộ, kết nạp đảng viên; bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan7, Chu Văn Tấn, Vũ Anh (Uỷ viên chính thức), Võ Nguyên Giáp (Uỷ viên dự khuyết). Ngày 15-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc, các đại biểu khẩn trương trở về các địa phương, mang theo chủ trương của Đảng, kịp thời phát động và lãnh đạo nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
--------------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr. 981-983, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.