Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 BCHTW Đảng khóa III ngày 29/9/1975 về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới

Thứ hai, 18/11/2019 16:55
Sau khi thống nhất nước nhà, ngày 29/9/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã họp và ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc đoạn trích Nghị quyết.

“…Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là: Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội là hai mặt khăng khít của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. "Một mặt, cần phải đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm cải tạo những quan hệ sản xuất không xã hội chủ nghĩa thành quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, trong đó mấu chốt là cải biến chế độ sở hữu cá thể và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thành các hình thức khác nhau của chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa để giải phóng sức sản xuất, mở đường cho sức sản xuất phát triển. Mặt khác, cần đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm phát triển sức sản xuất đã được giải phóng, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, xoá bỏ tình trạng lạc hậu, cải biến nền sản xuất nhỏ thành nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, không ngừng phát triển và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới"1.

Vận dụng đường lối chung của Đại hội lần thứ III của Đảng vào tình hình thực tế hiện nay. Trung ương đề ra nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước là: Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng (cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt), đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà, xây dựng nền kinh tế sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội; kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, kịp thời đập tan mọi mưu mô ngóc đầu dậy của chúng; sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, hành động xâm lược và phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai; đoàn kết toàn dân phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, quốc phòng vững mạnh, văn hoá khoa học tiên tiến, có cuộc sống văn minh và hạnh phúc.

Đó cũng là nội dung cơ bản của cuộc đấu tranh giai cấp gay go và phức tạp nhằm giải quyết vấn đề "ai thắng ai" giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cuộc đấu tranh đó được tiến hành bằng nhiều hình thức: cải tạo và xây dựng, chính trị và kinh tế, thuyết phục và cưỡng bức, hoà bình và bạo lực. Nó đòi hỏi toàn thể cán bộ, đảng viên ta phải có quyết tâm mới, có năng lực mới, có kiến thức cần thiết và phương pháp công tác đúng đắn trên mọi lĩnh vực, có tinh thần cách mạng tiến công, kiên trì phấn đấu cho sự toàn thắng của chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải vươn lên mạnh mẽ, ra sức lao động sản xuất và tiến quân vào khoa học, kỹ thuật với khí thế cách mạng và tinh thần hăng hái như khi đánh giặc, cứu nước.

Phải nắm vững nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, đưa nền kinh tế nước ta tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta là: Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp đúng đắn công nghiệp và nông nghiệp; xây dựng kinh tế trung ương, đồng thời phát triển kinh tế địa phương; kết hợp kinh tế với quốc phòng; tranh thủ mở rộng quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước khác trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền và có lợi cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; phấn đấu để trong vòng 15 - 20 năm hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

 

1. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

 

Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 36, tr. 375.

 
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực