Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin

Thứ sáu, 23/08/2019 17:14
(ĐCSVN) - Để bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo khi tham gia Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu "90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam", Ban Tổ chức Cuộc thi xin trân trọng giới thiệu trích đoạn trong cuốn "Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam", tập I, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Từ ngày 16 và ngày 17-7-1920, liên tiếp trong hai số liền Báo Nhân đạo (L’Humanité) đăng toàn văn Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin dưới tiêu đề lớn là Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa.

Sau khi đọc bản Luận cương, Nguyễn Ái Quốc đã sung sướng thốt lên: "Trong Luận cương ấy có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba".


Báo Nhân đạo đã đăng toàn văn Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Ảnh tư liệu

Trong Luận cương, Lênin phê phán nhiều luận điểm sai lầm của những người cầm đầu Quốc tế thứ hai về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa; lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, nhấn mạnh nhiệm vụ của các Đảng Cộng sản là phải giúp đỡ thực sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa, phụ thuộc, nhấn mạnh sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến. Bằng cách luận giải ngắn gọn, Lênin đã làm sáng tỏ những quan điểm cơ bản của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào giải phóng dân tộc, làm sáng rõ hướng đi và biện pháp quan trọng nhất là đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc ở thuộc địa giành thắng lợi hoàn toàn.

Chính Nguyễn Ái Quốc cũng nhận thấy bước ngoặt lớn của cuộc đời hoạt động cách mạng của mình sau 10 năm tìm tòi, thử nghiệm để nhận biết được chân lý lớn nhất của thời đại. Người nói:

"Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ... Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái "cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản".

Bằng việc tiếp cận với Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc còn là người đầu tiên mở đường cho chủ nghĩa Mác Lênin thâm nhập phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, làm cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam gắn bó với sự nghiệp của giai cấp vô sản thế giới.


Tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực