Vào những ngày đầu tháng 10, tôi đến thăm ông tại tổ 12, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, ngồi nhâm nhi chén trà tỏa hương thơm phức, ông say sưa kể về cuộc đời mình.
Ông sinh năm 1926 trong một gia đình Công giáo ở Hải Triều, Hải Hậu, Nam Định. Làng quê của ông hồi đó đông dân, đói nghèo và vất vả lắm. Nghề chính của người dân nơi đây chủ yếu đi biển và làm muối. Nằm trong số những đứa trẻ hiếm hoi cùng trang lứa được đi học, cậu bé Đỗ Minh đã sớm ý thức những gì mà dân ta phải đói khổ, lầm than. Muốn tạo dựng cho con có một cuộc sống tốt đẹp, người cha của Đỗ Minh là cụ Đỗ Văn Rị, Trùm giáo xứ Hải Triều thuộc giáo phận Bùi Chu và anh trai Đỗ Văn Hy, Linh mục xứ đạo, vận động Đỗ Minh đi học để sau này về nối nghiệp cha anh. Học văn hóa xong, Minh về phục vụ trong dàn nhạc Thánh ca và chơi kèn Clarinets. Tuy chưa thật hiểu cách mạng là thế nào, nhưng anh đã hăng hái tham gia hội Thanh niên Cứu quốc, vào đội vũ trang và làm liên lạc cho cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, đội du kích vũ trang của anh là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân đấu tranh đòi ruộng đất, phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Sau đó Đỗ Minh vào bộ đội và lần lượt qua các chức vụ: Tiểu đội trưởng, Chính trị viên trung đội, thuộc Trung đoàn 17, Đại đoàn Quân Tiên Phong. Với năng khiếu âm nhạc trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, anh được điều lên làm công tác tuyên truyền ở Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Rồi Đỗ Minh lại được điều trở lại Đại đoàn Quân Tiên Phong, trực tiếp chiến đấu trong nhiều chiến dịch lớn.
Những năm tháng chiến đấu không mệt mỏi ấy đã tích tụ trong người lính xuất thân từ vùng Công giáo toàn tòng một chất sống mới. Năm 1951, đơn vị của Đỗ Minh đóng quân ở Đại Từ (Thái Nguyên). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khí thế cách mạng bừng bừng sắc màu tươi thắm. Phấn chấn, tự tin vì Đảng chuẩn bị ra hoạt động công khai, ngay đêm hôm đó, Đỗ Minh đã hoàn thành ca khúc: “Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam”, nay là “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam”. Ông kể: Tôi viết “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” là tôi sáng tác cho chính mình, là để nói với chính mình, với đồng bào về những tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ cách mạng, của mọi người với Đảng. Nó cũng chính là niềm tin với Đảng, đi theo Đảng. Mọi người dân xứ đạo quê tôi được đổi đời, đó là thành quả của cách mạng đem lại. Nguyện vọng ca ngợi công ơn của Đảng luôn gợi cho tôi hình ảnh về sự hy sinh của biết bao chiến sĩ, đồng bào từng cực khổ trong kiếp nô lệ, lầm than, nay hướng theo ánh sáng ấy như: “Vầng trời đông ánh hồng tươi sáng bừng lên, đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới…”.
Bài hát ra đời ngay lập tức được công chúng đón nhận. Ban đầu, đồng đội trong đơn vị yêu cầu ông dạy, tập hát. Không ngờ sau đó lại có sức lan tỏa ngày càng rộng rãi. Tổng cục Chính trị ra chỉ thị in, sao lại để phổ biến cho tất cả các đơn vị trong toàn quân nhằm cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Sau này, “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” đã chính thức trở thành một trong 10 bài hát truyền thống của Quân đội.
Hơn một nửa thế kỷ kể từ khi ra đời, đủ để minh chứng cho sức trường tồn, sống động của tác phẩm. Và không chỉ riêng con người Đỗ Minh luôn giữ trọn niềm tin son sắt vào Đảng, vào Bác Hồ kính yêu, mà tác phẩm của ông còn có giá trị thắp sáng niềm tin ấy trong lòng mỗi người, trong cả: “Ngàn triệu dân xiết tay nhau, đứng quanh Đảng Cộng sản Việt Nam…”. Vào tuổi này, có quyền được nghỉ ngơi dưỡng lão, nhưng ông vẫn sưu tầm các làn điệu dân ca Việt Bắc, Tây Bắc để truyền lại cho thế hệ sau những di sản văn hóa dân tộc quý báu nhất.