Tổng khởi nghĩa thành công trên cả nước

Thứ hai, 16/09/2019 10:57
(ĐCSVN) - Tính đến hết ngày 27, trên cả nước đã có 63 tỉnh, thành phố đặc khu nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Tình hình trên đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho những tỉnh còn lại tiếp tục nổi dậy giành chính quyền.
Nhân dân Hải Phòng mít tinh trong ngày giành chính quyền tháng 8/1945.
(Ảnh tư liệu Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Tại Hà Tiên, sáng ngày 28-8, dưới sự lãnh đạo của Quận uỷ Châu Thành, lực lượng quần chúng với gậy gộc, giáo mác, tầm vông vót nhọn từ các nơi: Hòn Chông, Ba Hoà, Dương Hoàn, Thuận Yên, Lộc Trĩ... kéo về thị xã Hà Tiên, phối hợp với lực lượng tại chỗ giành chính quyền. Lực lượng khởi nghĩa chiếm xong các vị trí của chính quyền địch, lực lượng khởi nghĩa diễu hành thị uy dọc các đường phố rồi kéo về sân quần vợt thị xã tổ chức cuộc mít tinh. Trước 3500 quần chúng, đại diện của Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai của Nhật, lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ, các địa phương khác cũng nổi dậy lật đổ chính quyền địch. Riêng Phú Quốc, vì ở xa đất liền nên khởi nghĩa muộn hơn.

Tại Đồng Nai Thượng, do chưa xây dựng được lực lượng cách mạng nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở đây được thực hiện nhờ sự giúp đỡ tích cực của Lâm Viên. Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi (ngày 23-8), Uỷ ban Nhân dân cách mạng Lâm Viên phát hiện chính quyền Đồng Nai Thượng do Cao Minh Hiệu làm Chủ tịch thực chất chưa phải là chính quyền cách mạng nên cử 100 cán bộ và quần chúng ở thành phố Đà Lạt, đi trên ba xe cắm cờ Việt Minh xuống Di Linh, hỗ trợ cho nhân dân ở đây giành chính quyền. Dọc đường, đoàn được các đoàn biểu tình ở Đơn Dương, La Ba nhập vào.

Đến Di Linh, đoàn tranh thủ ý kiến của anh em trí thức, công chức người Kinh và người Thượng trong tỉnh, vận động và được anh em hoan nghênh, ủng hộ. Trong khi đó các đoàn biểu tình mới đến họp với đông đảo nhân dân Kinh, Thượng ở Di Linh, bao vây dinh tỉnh trưởng, đòi Cao Minh Hiệu trả lại chính quyền cho nhân dân. Khiếp sợ trước sức mạnh của quần chúng, Cao Minh Hiệu phải từ chức, đồng ý trao lại chính quyền.

Chiều ngày 28-8, hàng nghìn người thuộc các dân tộc Kinh, Thượng họp mít tinh ở sân vận động Di Linh, nghe thông báo về tình hình khởi nghĩa trong cả nước chính phủ cộng hoà dân chủ đã ra đời. Tại đây, Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Đồng Nai Thượng ra mắt nhân dân. Cùng ngày, Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời cử người đi tiếp quản đồn bảo an, các cơ quan của chính quyền địch.

Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng, kịp thời và không đổ máu ở hai tỉnh Hà Tiên và Đồng Nai Thượng vào ngày 28- 8 đã đánh dấu sự thắng lợi của Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.1030-1032, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực