82 tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội): “Tiếng nói” của lịch sử và thời đại

Thứ ba, 09/03/2010 10:55

  
Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. 
Ngày 8-3, Đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng dẫn đầu đã tới Ma Cao (Trung Quốc) tham dự phiên họp của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa thuộc Liên hợp quốc (UNESCO) về việc bình xét các di sản tư liệu vào Chương trình "Ký ức thế giới". Hồ sơ "Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779)" ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) sẽ được bỏ phiếu bình chọn vào 15h hôm nay (9-3).

"Kho" tư liệu quý giá

Nằm trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, hình ảnh những hàng bia đá trên lưng rùa đã trở thành một "biểu tượng đẹp của tinh thần hiếu học, đề cao sự nghiệp học hành, khoa cử của dân tộc Việt Nam" - nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc khẳng định. Ông cho biết thêm: Tuy Việt Nam tiếp thu truyền thống dựng bia từ Nho học Trung Quốc, nhưng điểm đặc biệt của 82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là trên bia có khắc kèm các bài ký. Thông qua các bài văn bia này, nhà sử học có thể xác định quê quán, danh tính những bậc nhân tài; nhà địa lý, lịch sử có thể tra cứu những địa danh cũ để tìm ra những vùng đất cổ liên quan đến thời hiện tại; nhà nghiên cứu triết học có thêm những chứng cứ để khảo sát vai trò cũng như diễn tiến của Nho học ở Việt Nam... "Đây cũng chính là lý do để Ủy ban UNESCO Việt Nam lựa chọn 82 bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới trong đợt này mà không phải là di sản khác" - ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho hay.

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ thế kỷ XI, là nơi thờ Khổng Tử - người sáng lập ra học thuyết Nho giáo và nền giáo dục Nho học. Đây cũng là nơi đào tạo nhân tài, cung cấp đội ngũ trí thức và quan lại cho bộ máy quản lý nhà nước của các triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam và được coi là Trường Đại học đầu tiên của quốc gia Đại Việt. Việc dựng bia ghi danh các tiến sĩ có từ thời vua Lê Thái Tông nhưng vì triều đình bận nhiều việc nên không làm được, sau đó đến đời vua Lê Thánh Tông, việc dựng bia mới được thực hiện.

Trong lần trả lời phỏng vấn của báo chí gần đây, GS Ngô Đức Thọ, người chủ biên, khảo cứu, dịch, chú giải, hiệu đính công trình "Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 văn bia tiến sĩ" nhấn mạnh: "Vườn bia ấy không chỉ tiêu biểu cho các trí thức triều Lê mà cũng đại diện cho cả các nhà khoa bảng từ Trạng nguyên khoa Minh kinh Lê Văn Thịnh đời Lý đến các trí thức Nho học đời Trần như Trần Chu Phổ, Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn... Họ đã đóng góp phần mình vào lịch sử phát triển của quốc gia Đại Việt nghìn năm văn hiến".

82 tấm bia đá được dựng trong khoảng thời gian từ năm 1484 đến 1780 đã ghi lại lịch sử các khoa thi tiến sĩ được tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Dựa trên tư liệu tổng hợp từ nội dung các tấm bia, hậu thế đã biết được trong hơn 300 năm, nước ta có 1.307 lượt người đỗ tiến sĩ. Không những thế, như TS Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phân tích, nghệ thuật tạo tác bia đá tiến sĩ được ghi nhận là đạt đến trình độ cao, thể hiện tài hoa của các nghệ nhân hàng đầu với nhiều phong cách trải qua nhiều thời kỳ. Quá trình dựng bia một cách cẩn thận, kỹ lưỡng, công phu như sử sách ghi lại càng cho thấy ý nghĩa đặc biệt của các tấm bia tiến sĩ trong nền Nho học nước ta.

Vẹn nguyên tính thời sự

Nhiều nội dung trong các bài ký khắc trên 82 tấm bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở nên bất hủ, lưu truyền hậu thế đến hôm nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Chẳng hạn như "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi trọng việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết" hay "dựng xây nghiệp lớn, diệt trừ tàn bạo, cứu dân lầm than" và "mở mang văn đức, thu nạp anh tài, đổi mới chính trị..." - bia tiến sĩ năm 1442, khắc 1484 của Thân Nhân Trung. Bia khoa thi tiến sĩ năm 1448 cũng đề cập: "Sự lớn lao của nền chính trị của bậc đế vương không gì quan trọng bằng việc trọng dụng nhân tài. Việc cai trị mà không lấy nhân tài làm gốc thì đều bị coi là thiếu đường hướng phát triển". Vấn đề coi trọng hiền tài tiếp tục được nhấn mạnh trong bia khoa thi 1463 do Đào Cử soạn: "Mở cửa cầu hiền, sửa sang nền đức, cổ vũ lòng dân" hoặc "Đem lòng nhân hậu vun bồi cho mệnh mạch Nhà nước".

Nói về ý nghĩa các bài ký trên bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu, GS Ngô Đức Thọ thêm một lần nữa nhận định: "Văn bia Văn Miếu chính là câu chuyện xây dựng đội ngũ trí thức Nho học Việt Nam. Tôi nghĩ rằng ngày nay chúng ta lẽ nào lại quên mất phép biện chứng lịch sử để không hình dung ra nếu Lý Thái Tổ và các con cháu nối ngôi không tiến đến ngôi đền tư tưởng của Khổng giáo thì ắt hẳn chỉ dẫm chân tại chỗ, duy trì thôn xóm không một tiếng đọc Thi Thư". GS cũng nói thêm: "Văn tức là người, nhưng con chữ chỉ là phương tiện, nếu các thế hệ ngày nay và mai sau rẻ rúng với tri thức, thành tựu của người xưa thì khó biết đặt chân lên mảnh đất nào để tiến lên". Thông điệp từ các bài ký nói trên dẫu được ghi từ 300 năm trước nhưng vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự cho hôm nay và mãi mai sau.

Không chỉ có giá trị cao đối với Việt Nam, khi trở thành di sản tư liệu thế giới, với tính độc đáo và quý hiếm, 82 bia đá tiến sĩ Văn Miếu sẽ làm phong phú thêm thể loại của Ký ức thế giới. Di sản này giúp thế giới hiểu thêm về nền giáo dục Nho học tại Việt Nam, phương thức tuyển chọn, sử dụng và đề cao nhân tài cũng như những đóng góp của các nho sĩ Việt Nam đối với thế giới.

Chương trình "Ký ức thế giới" (Memory of the World) của UNESCO ra đời từ năm 1993 và đã có 193 di sản được vinh danh. Mục đích của chương trình là để ghi nhận các di sản thuộc dạng tư liệu (Documentary Heritage) trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm) hay bút tích. Tuy nhiên, để được UNESCO công nhận thì di sản phải là tư liệu duy nhất, xác thực, độc đáo, có sự tác động, lan tỏa rộng và đang đứng trước nguy cơ mai một.

Trước 82 bia tiến sĩ, Việt Nam đã có Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 30-7-2009.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực