Đó là nhấn mạnh của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí”.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Báo Nhân dân, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hội thảo “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí” diễn ra ngày 6/12, tại Hà Nội. Các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì Hội nghị.
|
|
Các đồng chí chủ trì Hội nghị |
Hội thảo là dịp để các cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí đánh giá khách quan, khoa học tình hình công tác xây dựng Đảng và kết quả triển khai thực hiện Quy định 165-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí, Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 31/7/2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, khóa X về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”. Trên cơ sở đó đề xuất các nội dung, giải pháp về công tác xây dựng Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí trong tình hình mới; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đề dẫn Hội thảo, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đại biểu, các nhà quản lý, nhà khoa học, phóng viên, biên tập viên hoạt động thực tiễn tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn nói chung; những nguyên tắc, nội dung phương pháp đặc thù về công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí hiện nay; dự báo trong thời gian tới. Thực trạng công tác xây dựng Đảng trên 4 phương diện: Tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức; đi sâu phân tích nguyên nhân của kết quả, hạn chế, khuyết điểm và đề xuất giải pháp tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí thiết thực, hiệu quả.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị, cần nêu bật những vấn đề đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan báo chí; nhất là những phương pháp mới, phù hợp với yêu cầu hiện tại, vừa đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt nhất vai trò lãnh đạo của Đảng ở các cơ quan báo chí. Trên cơ sở những kết quả, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, đúc rút thành kinh nghiệm, giải pháp, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương lãnh đạo, quy định pháp luật về báo chí; giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan báo chí; thực hiện xây dựng, quy hoạch các cơ quan báo chí thời gian tới…
Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận đã khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí đã luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng và phát triển đất nước, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Thực tiễn cho thấy, cơ quan báo chí nào có tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì sẽ hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể nhân dân vững mạnh.
Nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí là xây dựng đảng bộ, chi bộ cơ sở là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, biên tập viên và những người lao động khác trong cơ quan thực hiện đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tôn chỉ, mục đích của báo chí; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng, rèn luyện đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức trong sáng.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, vẫn còn hiện tượng một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng về công tác tư tưởng, thậm chí còn có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ mục đích; một số bài báo có thông tin không trung thực, thiếu chính xác. Một số cơ quan báo chí phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt... Việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, đã tác động tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội.
Theo đồng chí Ngô Minh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, một số báo thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính trị của tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Một số báo chạy theo lợi nhuận, “thương mại hóa” đơn thuần; một số báo chạy theo thị hiếu tầm thường, thông tin nặng về những mặt tiêu cực, mặt trái của xã hội. Có báo còn thông tin sai sự thật, suy diễn, thổi phồng khuyết điểm, thậm chí cho đăng những thông tin bí mật của Đảng, Nhà nước... Do đó, theo đồng chí Ngô Minh Tuấn, cán bộ chủ chốt của cơ quan báo chí nhất thiết phải có trình độ, kiến thức về lĩnh vực báo chí và tổng biên tập nhất thiết phải là đảng viên. Cần đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, phát hiện, sử dụng những nhà báo có đức, có tài, phát huy tối đa khả năng của người làm báo.
Nêu vấn đề, học đi đôi với hành, Đại tá Phùng Kim Lân - Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng, đổi mới giáo dục chính trị ở các cơ quan báo chí nhất thiết phải đổi mới phương pháp thuyết trình, lấy người học làm trung tâm, tạo điều kiện để người học tham gia nhiều nhất vào quá trình tự lĩnh hội tri thức. Có người cho rằng, ở các cơ quan báo chí, trình độ thạo tin của người học sẽ làm lu mờ vai trò chủ thể giáo dục và điều đó càng dễ xảy ra trong trường hợp học tập nghị quyết của Đảng. Trong khi, người truyền đạt nghị quyết cho cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí thường là lãnh đạo tòa soạn (tổng biên tập, phó tổng biên tập), cán bộ chủ chốt trong cấp ủy, vốn không phải là chuyên gia sư phạm nên phương pháp giáo dục sáng tạo rất khó thực hiện. Chính quan điểm này đã làm hạn chế mọi sự tìm tòi, sáng tạo của giảng viên, báo cáo viên; dẫn đến việc xác lập một tâm lý chung: sự an toàn cho người truyền đạt. Và vì thế dẫn đến việc chậm đổi mới phương pháp giáo dục chính trị.
Theo GS Hoàng Chí Bảo, học tập phong cách làm báo của Bác Hồ: Lấy cái tối thiểu tải cái tối đa. Chữ ít nhất, nghĩa nhiều nhất. Đó là bản lĩnh văn hóa của người làm báo. Bác luôn đặt câu hỏi: "Viết để làm gì, viết cái gì, viết cho ai, viết thế nào ?". Từ đó, xác định rõ được mục tiêu của bài viết, nội dung bài viết, đối tượng hướng tới và phương thức thể hiện. Theo Bác, ý tứ phải rõ ràng, lời lẽ nên phổ thông, câu văn nên ngắn gọn...
|
|
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí là yếu tố quan trọng đảm bảo để cơ quan báo chí hoạt động ổn định và phát triển. Thời gian qua, nhìn chung các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí đã coi trọng công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Nhờ đó báo chí có sự phát triển về số lượng, chất lượng và đội ngũ những người làm báo. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan báo chí đã có cố gắng thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, khẳng định rõ vai trò là hạt nhân chính trị, là trung tâm đoàn kết trong cơ quan báo chí. Sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy trong các cơ quan báo chí về cơ bản được thực hiện nghiêm túc. Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, quần chúng được chăm lo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và phát triển đảng viên được chú trọng. Công tác kiểm tra, giám sát đảng viên có tiến bộ.
Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí còn nhiều khuyết điểm, hạn chế chậm được khắc phục. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy cơ quan báo chí chưa coi trọng đúng mức công tác xây dựng Đảng. Sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy chậm đổi mới về nội dung, phương pháp tiến hành, còn hình thức, lồng ghép với sinh hoạt chuyên môn; chưa quan tâm đúng mức công tác tư tưởng, chưa dành thời gian thỏa đáng đề giải quyết vấn đề tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên; việc phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị… của Đảng còn chậm, chưa gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan báo chí để xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy. Có hiện tượng phóng viên, biên tập viên, người làm báo thiếu tu dưỡng rèn luyện, bị cám dỗ, sa ngã, đánh mất dũng khí, quên đi sứ mệnh, không dám đấu tranh với các xấu, cái ác, thậm chí còn cố ý bẻ cong ngòi bút tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên, nếu không sớm được thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục một cách triệt để, sẽ làm giảm sút vai trò lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan báo chí, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan báo chí.
Để tăng cường xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu cần phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí đối với hoạt động báo chí. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí và sự phát triển của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. “Xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí nhằm bảo đảm nguyên tắc giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, có ý nghĩa quyết định đến “tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng” trong hoạt động báo chí” – đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Do đó, cấp ủy, tổ chức Đảng trong các cơ quan báo chí phải thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo; tổ chức cho cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, đường lối, điều lệ, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm mỗi cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên trong cơ quan báo chí là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, giỏi về chuyên môn, luôn khắc ghi sứ mệnh của người làm báo, góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng yêu cầu, phải coi trọng công tác tư tưởng, lý luận trong cơ quan báo chí. Làm tốt công tác tư tưởng, lý luận trong cơ quan báo chí sẽ góp phần nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, nâng cao tính tư tưởng của các tác phẩm báo chí. Làm tốt công tác tư tưởng, lý luận cũng chính là thể hiện rõ vai trò tiên phong, chủ lực trong thông tin tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.
Các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan báo chí; tăng cường rà soát, kiện toàn tổ chức hoạt động của cơ quan báo chí cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát mọi mặt hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan báo chí; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm..../.