Bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện Pác Nặm

Thứ hai, 04/10/2021 15:55
(ĐCSVN) - Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, các cấp, các ngành và Nhân dân huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Bản Sáng, xã Cổ Linh được xây dựng phục vụ các hoạt động,
sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân trong thôn
 

Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết số 37-NQ/TW), lĩnh vực văn hóa trên địa bàn huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn được quan tâm nâng cao chất lượng và có sự chuyển biến rõ nét. Đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao.

Huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Thường xuyên tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vốn có trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Gắn các hoạt động văn hóa, văn nghệ với việc bảo tồn di sản văn hóa bằng các hình thức như tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ chuyên đề về hát then, sli lượn, thi trang phục các dân tộc, thi trưng bày giới thiệu các loại ẩm thực đặc sắc và thi quay sợi dệt vải, đan lát nghề thủ công truyền thống vào các dịp tết cổ truyền dân tộc, lễ hội hằng năm. Qua đó chọn ra được những loại ẩm thực, tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu như xôi nhiều màu, bánh giày ngũ sắc, bánh cooc mò, bánh cà muồng (bánh gio) và mèn mén của dân tộc Mông… để tham gia trưng bày, giới thiệu tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam hàng năm do tỉnh tổ chức và đều đạt giải cao. Đến năm 2020, huyện Pác Nặm có 3 loại hình văn hóa được bảo tồn và công nhận đó là chữ Nôm Tày, Lượn Cọi và nghề trồng Bông dệt vải của đồng bào dân tộc Tày.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được huyện duy trì tổ chức. Hằng năm, những lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện như hội lồng tồng của các xã, đặc biệt là Lễ hội Mù Là tại xã Cổ Linh được tổ chức đảm bảo an toàn, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc ở địa phương, với phần lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, phần hội tổ chức chương trình văn nghệ, nhiều trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao truyền thống…, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở địa phương.

Cùng với các hoạt động văn nghệ, phong trào thể dục thể thao trên địa bàn huyện được đẩy mạnh. Huyện Pác Nặm đã củng cố và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên thể dục thể thao quần chúng; xây dựng mạng lưới hướng dẫn viên, vận động viên làm nòng cốt cho phong trào; từng bước thành lập câu lạc bộ thể dục thể thao cấp xã gắn với trường học, các điểm vui chơi và các thiết chế văn hóa tại cơ sở.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được huyện Pác Nặm triển khai đồng bộ và có bước phát triển sâu rộng từ huyện đến cơ sở, được đông đảo Nhân dân hưởng ứng. Đến nay, đám ma, đám cưới tại các địa phương trên địa bàn huyện đã giảm những chi phí không cần thiết; những hủ tục lạc hậu, rườm rà từng bước được loại bỏ phù hợp với truyền thống văn hóa của từng dân tộc và hoàn cảnh gia đình. Đến năm 2020, toàn huyện có trên 82% hộ đạt gia đình văn hóa; 88,5% thôn, bản văn hóa; 98,81% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Việc xây dựng kết cấu hạ tầng cho phát triển văn hóa thể thao được huyện quan tâm. Từ các nguồn vốn của các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự chung tay góp sức của Nhân dân, nhiều nhà văn hóa xã, thôn, các công trình văn hóa công cộng, hệ thống loa truyền thanh - truyền hình được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giao lưu văn hóa của Nhân dân… Đến nay, toàn huyện có 3 nhà văn hóa cấp xã; 88/113 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đến năm 2020 đạt 61,94%; 10/10 xã có hệ thống loa truyền thanh, có cán bộ phụ trách công tác văn hóa và thông tin.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, các cấp, các ngành và Nhân dân huyện Pác Nặm đã có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đời sống văn hóa của Nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc được phát huy…. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; các thiết chế văn hóa ở cơ sở từng bước được quan tâm xây dựng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương, huyện Pác Nặm tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch và tăng cường đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng hệ thống thông tin và truyền thông. Tăng cường đầu tư xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở và nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm truyền thanh, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời thông tin phục vụ người dân trên địa bàn. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển môn thể thao có thế mạnh của huyện. Nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ việc giáo dục truyền thống…/.

Hương Dịu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực