Bảo tồn, gìn giữ sách cổ của người Dao

Chủ nhật, 30/04/2023 21:08
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Dân tộc Dao đứng thứ 9 về số lượng người trong 54 dân tộc anh em ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 1 triệu người Dao sinh sống rải rác khắp đất nước. Bên cạnh di sản văn hóa như những bộ trang phục bắt mắt với đường thêu cầu kỳ, cùng trang sức bằng bạc được chế tác tỉ mỉ, văn hóa Dao còn ghi dấu ấn với những pho sách cổ được các thế hệ gìn giữ, lưu truyền bao lâu nay.
 Một trang sách cổ được lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Dao.

Chìa khóa mở cánh cổng văn hóa của người Dao

Pho sách cổ của người Dao ra đời từ khá sớm, rất nhiều pho sách cổ có niên đại đến cả trăm năm. Ngôn ngữ được họ dùng được gọi là chữ Nôm Dao. Chữ được người Dao sáng tạo dựa trên nền tảng gốc là chữ Hán, nhằm ghi chép những phong tục tập quán, thờ cúng của ông cha. Người Dao gọi sách cổ này là “sâu” hay là “tsâu”, còn có nghĩa là “thư”, “sách”. Sách cổ được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong mỗi gia tộc, ngày nay thường là người trưởng bản, trưởng tộc có nhiệm vụ giữ gìn những pho sách này.

Những pho sách cổ của người Dao là niềm tự hào của họ, bởi nó cho thấy sự hình thành phát triển, sáng tạo không ngừng nghỉ của một cộng đồng. Đồng thời phản ánh nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Dao. Nhờ có những pho sách cổ, các nhà nghiên cứu văn hóa đã lý giải tục thờ Bàn Vương, vị thủy tổ mà người Dao vẫn gọi là thánh “Piền Hùng sính tía” (Bàn Vương thánh đế), vị thánh lớn nhất của người Dao hay đó là thờ ông “Piền Cấu” (Bàn Cổ), người Dao gọi là “Piền Cấu sính nhiền” nghĩa là (Bàn Cổ thánh nhân).

Hay những quan niệm của người Dao về vũ trụ, lý giải về các hiện tượng tự nhiên. Ví như, trong tín ngưỡng của người Dao, họ cho rằng có ma lành và có ma dữ trong cuộc sống của họ. Gặp ma lành thì người ta gặp được sự yên ổn, bảo trợ, giúp đỡ, còn gặp ma dữ tức là không may mắn, tai họa. Người ốm là do không đủ số hồn ở trong người mình, do đó phải tìm đến thầy bói đi tìm hồn và nhờ thầy cúng tìm cách đưa những hồn trong người trở lại vị trí cũ.

Ngoài ra, mỗi pho sách cổ của người Dao còn ghi chép gia phả của từng dòng tộc, kể lại quá trình thiên di, tinh thần đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, răn dạy cách đối nhân xử thế, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, các phong tục tập quán và mọi mặt đời sống tinh thần.

Trong rất nhiều pho sách cổ được tìm thấy cho biết cách học tập, tu dưỡng đạo đức của người Dao truyền lại cho con cháu của mình. Như xưa kia, để bảo tồn chữ viết của dân tộc mình, các gia đình, dòng họ người Dao thường tổ chức truyền dạy chữ Nôm Dao cho con cháu vào dịp đầu xuân năm mới. Đây cũng là dịp để tuyên dương việc học chữ, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề và học làm người. 

Lưu giữ và bảo tồn gia tài văn hóa khổng lồ của người Dao

 Gia đình ông Lý Văn Bình (ngồi giữa) tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bên những cuốn sách cổ được viết bằng ngôn ngữ Nôm Dao. (Ảnh: baodantoc.vn)

Trước kia, người Dao có kho lưu trữ sách cổ riêng trong mọi gia đình, dòng họ. Đến tận ngày nay, dù qua bao biến thiên của lịch sử, đồng bào Dao vẫn gìn giữ được vẻ đẹp độc đáo riêng trong các bộ trang phục, ngôn ngữ, tín ngưỡng…

Chỉ tính riêng huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, nơi có hơn 100.000 người Dao sinh sống đã có đến cả trăm quyển sách cổ đã và đang được lưu giữ trong từng gia đình. Các quyển sách này thường đa dạng về thể loại như tín ngưỡng cúng để giải hạn, cầu may, như: Sài dung sâu (sách sư thơ), Chấu đàng sâu (sách đại lễ cúng Bàn Vương), Tồm cháo sâu (đại lộ thư), Phìu cháo sâu (tiểu lộ thư), Quá tăng sâu (cấp sắc thư), Sà ché sâu (cởi trói xua đuổi tà ma thư), Khoi kềm hỏ nháng sâu (cúng mừng năm mới thư)... Hay một số loại sách y thuật, chữa bệnh theo phương pháp cổ của người dao được ông cha lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Ngoài ra, còn rất nhiều loại sách về thơ ca, lịch sử người Dao, gia phả mỗi gia tộc được ghi chép cẩn thận. Những quyển sách này, nếu có niên đại lâu thì không có tên tác giả, nếu có tên tác giả thì thường là bản được chép lại để lưu truyền trong các thế hệ con cháu người Dao. Những quyển sách cổ này thường được viết trên giấy hoặc trên vải, theo thời gian, nếu không bảo tồn kỹ lưỡng sẽ rất dễ bị mục nát.

Tuy nhiên, giữa chữ Nôm Dao trong văn chương, sách vở, lại khác so với ngôn ngữ đời thường họ dùng. Ngôn ngữ trong đó thường được sử dụng chữ Hán phồn thể, với cách phiên âm khác với chữ Hán của người Kinh. Bản thân người Dao do ít học chữ, nên chữ viết hiện tại đang dần bị mai một. Thậm chí, có tình trạng những quyển sách cổ chỉ để lưu giữ làm vật tượng trưng, kỷ niệm, chứ không còn được lấy ra sử dụng nữa.

Đặc biệt, vào thời kỳ hiện đại, khi người Dao đang chịu nhiều ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài, việc lưu truyền, gìn giữ pho sách cổ nói riêng và chữ Nôm Dao nói chung đang là vấn đề được cộng đồng người Dao, cùng các nhà văn hóa chú tâm. Bởi trong mỗi cuốn sách đều có ghi chép về cội nguồn dân tộc, phong tục tập quán và đặc biệt hơn là sự hình thành mỗi gia tộc đều ghi chép đầy đủ lý lịch cũng như vai trò và công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và mộ phần của gia đình hay một dòng họ. Do đó, nếu không học chữ Nôm Dao thì sẽ không đọc được sách, không hiểu được nguồn gốc của mình, cùng những điều răn dạy của cha ông ngàn đời...

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực