“Bộ đội Cụ Hồ” – Giá trị văn hóa độc đáo thời đại Hồ Chí Minh

Thứ sáu, 16/12/2016 18:34
(ĐCSVN) - Ra đời từ đòi hỏi tất yếu của lịch sử dân tộc, kế thừa và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở nên rất đỗi thân thương, gần gũi đối với mỗi người dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y đã tham gia Lễ duyệt binh ngày 1/5/1973.
 Ảnh tuyengiao.vn

“Bộ đội Cụ Hồ” – Sự kết nối văn hóa truyền thống và hiện đại

Gắn liền với hình ảnh cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” đồng thời còn là sự kết tinh những giá trị văn hóa độc đáo thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm của cả dân tộc dành cho những người lính Cụ Hồ, những thành viên trong đội quân cách mạng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.

Có thể nói, danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” trước hết là sự tiếp nối truyền thống văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Ngay sau khi thành lập, từ 34 chiến sĩ đầu tiên với súng kíp, gậy tầm vông, Quân đội ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, đã cùng dân tộc giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau đó cùng dân tộc đưa hai cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn, làm cho nước nhà hoàn toàn thống nhất và tạo điều kiện để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tế lịch sử ấy đã minh chứng một điều, đó là các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta luôn luôn thấm nhuần những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là truyền thống đánh giặc giữ nước.

Qua nhiều thế hệ, văn hóa yêu nước - nét độc đáo trong giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đồng thời cũng là giá trị căn cốt, là sức mạnh nội tại để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thử thách của lịch sử. Đó còn là một trong những giá trị cốt lõi góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam vượt qua mọi gian nguy, mọi khó khăn ngặt nghèo nhất để kết nối quá khứ, hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Kế thừa, phát huy những giá trị độc đáo đó, hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự đùm bọc, chở che của nhân dân, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng toàn Đảng, toàn dân viết nên những trang chói lọi trong lịch sử dân tộc, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trải quai từng thời kỳ lịch sử khác nhau, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là nhân tố quan trọng chủ yếu tạo nên sức mạnh to lớn của Quân đội ta trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mà còn là cơ sở hình thành, hoàn thiện những giá trị văn hóa trong danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”. Từ truyền thống yêu nước, tình đồng bào tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”; từ tư tưởng nhân văn, nhân ái, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “trung quân, ái quốc”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chí nhân mà thắng cường bạo”,… đã được nâng lên một tầm cao mới, tương ứng với đó là hệ giá trị “Bộ đội Cụ Hồ”.

Là “gạch nối” giữa truyền thống và hiện tại, biểu hiện rõ nét nhất cho những giá trị văn hóa độc đáo của danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” là kết tinh tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình. Bởi lẽ, giá trị văn hóa kết tinh trong danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” là sự hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm qua. Biểu tượng bộ đội cụ Hồ - danh hiệu cao quý được nhân dân ghi nhận và tôn vinh công lao, phẩm chất và nhân cách của người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đây là niềm tự hào, là động lực tinh thần to lớn đối với Quân đội ta, động viên cán bộ, chiến sĩ không quản ngại gian khổ, hy sinh, vươn lên phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 

“Bộ đội Cụ Hồ” – Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân

Từ khi ra đời đến nay, trải qua hơn 70 năm chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung lại, các thế hệ cán bộ Quân đội ta đều là những người lính “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh”. Tất cả đã hội tụ, kết tinh thành biểu tượng cao đẹp - “Bộ đội Cụ Hồ”. Biểu tượng đó đã đi vào lịch sử một cách tự nhiên và trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới.

“Bộ đội Cụ Hồ” -  một hình ảnh cao đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam về một hình mẫu con người Việt Nam trong thời đại mới gắn với giá trị văn hóa độc đáo trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Đó cũng là một giá trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được trong việc xây dựng quân đội cách mạng, chính quy và xây dựng nhân tố con người trong lực lượng vũ trang. Theo đó, danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” từ lâu đã trở thành biểu tượng sáng ngời cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, trở thành những thuộc tính đặc trưng của quân đội nhân dân trong mọi hoàn cảnh, trước mọi nhiệm vụ. Do vậy, danh hiệu cao quý đó không chỉ là tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội mà còn là một vinh dự lớn đối với các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, bởi nó đã trở thành một biểu tượng trong lòng nhân dân.

Nhắc đến danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” cũng là đề cập tới Quân đội nhân dân Việt Nam, một đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dám đánh, biết đánh, biết thắng mọi kẻ thù xâm lược.  Có thể khẳng định rằng, danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” là sự kết tinh những nét đặc sắc nhất, trở thành giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, bản chất, truyền thống quân đội cách mạng; vừa thể hiện tư tưởng, phong cách, đạo đức lãnh tụ Hồ Chí Minh; vừa thể hiện tình cảm sâu sắc và sự tin tưởng của nhân dân ta đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Mặt khác, giá trị văn hoá độc đáo trong danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” dù ở hoàn cảnh nào cũng được thể hiện sâu sắc ở tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, luôn xung kích đi đầu, đứng vững ở nơi “đầu sóng ngọn gió”: vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi khó khăn, gian khổ và chiến tranh ác liệt nhất; sẵn sàng chiến đấu, hi sinh tuổi xuân và tính mạng của mình để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ biển đảo quê hương, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước và bảo vệ nhân dân; tuyệt đối trung thành với Đảng, trọn hiếu với nhân dân; luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó.

Khi Tổ quốc bị xâm lăng, những người lính Cụ Hồ luôn có mặt ở tuyến đầu trên trận tuyến chống quân thù. Trong điều kiện hòa bình, họ lại tình nguyện đến những địa bàn khó khăn, đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khổ nhất. Vì sự toàn vẹn lãnh thổ, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, máu của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn đổ xuống. Đó là những cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi giúp dân trong cơn lũ dữ hay những đồng chí phi công quên mình điều khiển máy bay gặp nạn bay xa khu dân cư, tránh tổn thất cho đồng bào… Sự hy sinh thầm lặng mà cao cả vì nhân dân của cán bộ, chiến sĩ quân đội cả trong thời chiến và thời bình đã, đang và còn sẽ tạo nên những giá trị văn hóa đậm nét xuyên suốt mọi thời đại.

“Bộ đội Cụ Hồ” – Thiêng liêng tình cảm đồng chí, đồng đội

Xuất phát từ điều kiện khách quan, lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước vô cùng khó khăn, gian khổ đã hun đúc ở dân tộc ta truyền thống cố kết cộng đồng sâu sắc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng”; “Thương người như thể thương thân”; “Tắt lửa tối đèn có nhau”; “Lá lành đùm lá rách”… Cùng với đó là những nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự; biểu hiện sinh động các giá trị văn hóa quân sự Việt Nam trong quan hệ tướng - sĩ như: “Phụ tử chi binh”; “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”… Các nét văn hóa tốt đẹp hình thành từ mối quan hệ nhân văn, nhân ái giữa người với người đã trở thành những giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Kế thừa hệ giá trị đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, được sự lãnh đạo của Đảng và sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã chung sức đồng lòng dựng xây nên những giá trị văn hóa quân sự tốt đẹp trong đời sống tinh thần của quân đội ta. Tiêu biểu trong là tình cảm đồng chí, đồng đội thiêng liêng, gắn bó. Tình cảm yêu thương đồng chí, đồng đội là thành tố cơ bản trong các phẩm chất tạo thành giá trị văn hóa của danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.

Về bản chất, tình cảm đồng chí, đồng đội phản ánh mối quan hệ của những người cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Yêu thương đồng chí, đồng đội phản ánh các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa những người đồng cấp, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa chiến sĩ với chiến sĩ, thể hiện sâu sắc tình đồng chí, đồng đội giữa các quân nhân trong quân đội cách mạng, quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tình cảm thiêng liêng đó được thể hiện ở tinh thần thương yêu giai cấp, cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân; cùng chung hệ tư tưởng cách mạng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” luôn gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, “đồng cam, cộng khổ”, “chia ngọt, sẻ bùi”, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, trưởng thành. Phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta được thể hiện ở tinh thần cùng nhau khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong điều kiện hòa bình xây dựng cũng như trong điều kiện chiến tranh, lúc thường cũng như lúc ra trận.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa cán bộ với đội viên. Bác căn dặn: “Bộ đội chưa ăn no, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới là dân chủ, là đoàn kết, là tất thắng” (1). Theo Người: “Cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên. Cán bộ phải chăm lo cho đội viên đủ ăn, đủ mặc. Cán bộ phải coi đội viên như chân tay, thì đội viên mới coi cán bộ như đầu, như óc” (2). Đặc biệt, Bác luôn khẳng định vai trò của cán bộ chính trị, của chính trị viên – đại diện Đảng trong quân đội. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải săn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của họ: Ăn, mặc, ở, nghỉ, luyện tập, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải săn sóc đến nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa, và đường lối chính trị trong bộ đội” (3). Khắc sâu lời dạy của Người, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, tình thương yêu đồng chí, đồng đội đã là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta thực sự gắn bó với nhau như anh em ruột thịt. Đó là tấm lòng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho nhau, nhường viên thuốc lúc đau ốm, sẵn sàng nhận về mình những hy sinh mất mát thay cho đồng đội... Trải qua hai cuộc kháng chiến, từ khi Quân đội còn thiếu thốn, ăn còn đói, mặc còn thiếu cho đến thời bình, tình cảm đồng chí, đồng đội thiêng liêng luôn là nét đẹp riêng có ở những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.

Chúng ta có quyền tự hào bởi trong lịch sử quân sự nhân loại, hiếm có quân đội của quốc gia nào như Quân đội nhân dân Việt Nam lại được nhân dân mến yêu tặng cho danh hiệu bình dị mà cao quý: “Bộ đội Cụ Hồ”. Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” đã hội tụ những phẩm chất đạo đức, văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam thời đại mới. Đây cũng là một nét văn hóa quân sự đặc trưng, tiêu biểu, góp phần làm giàu thêm những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam trong hơn 70 năm qua. Danh hiệu đó không những là tài sản văn hoá tinh thần vô giá do nhân dân yêu mến, trao tặng, gửi gắm niềm tin yêu đối với lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta mà còn là chuẩn mực đạo đức nhân cách người quân nhân cách mạng, là hình mẫu để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ và thanh niên cả nước hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Trong bối cảnh cách mạng mới, giữ vững và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, của cả hệ thống chính trị ở nước ta; trước hết là danh dự, trách nhiệm và tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần thường xuyên giáo dục cho các chiến sĩ trẻ truyền thống của cha anh; tái hiện hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” trong hai cuộc kháng chiến một cách sinh động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lớp chiến sĩ trẻ; đồng thời từng bước hình thành ở mỗi quân nhân cách suy nghĩ và hành động mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

Cùng với việc kế thừa các giá trị truyền thống, Quân đội cũng cần phải học tập những giá trị mới của con người trong thời đại mới như: Tác phong công nghiệp, hiểu biết về nền kinh tế tri thức… Đó là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận, vận dụng vào sinh hoạt, rèn luyện để không ngừng bồi dưỡng, hoàn thiện những giá trị văn hóa, những phẩm chất cao đẹp được hội tụ trong danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”./.

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội. 1995, tr. 72

(2), (3). Hồ Chí Minh “Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân”, Nxb QĐND, HN. 1970, tr. 255, 205

Tạ Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực