Khu di tích chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng đất Kinh Bắc xưa. Tương truyền, chùa Bổ Đà có từ thời Lý, khoảng thế kỷ thứ XI. Bên cạnh chốn tổ Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng, sơn môn Bổ Đà là chốn tổ - trung tâm Phật giáo lớn thứ hai ở Bắc Giang, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá và duy trì phát triển đạo Phật mà thiền phái Lâm Tế là chủ đạo.
Chùa Bổ Đà có kiến trúc kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, một điểm đến không thể thiếu đối với những ai muốn tìm về những giá trị tâm linh và văn hóa truyền thống của đất nước. Chùa hiện đang lưu giữ hệ thống các cổ vật như tượng Phật, kinh sách, và các di vật từ các triều đại Lý, Trần, Lê đang được bảo quản tại đây.
Nổi bật trong những giá trị di sản vật thể đặc sắc của chùa là bức tường đất vững chãi, đã tồn tại suốt hơn 400 năm. Bức tường đất là một phần công trình bảo vệ ngôi chùa, minh chứng sống động cho sự hòa hợp tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên. Tường được xây dựng hoàn toàn từ đất sét, thể hiện sự khéo léo của người thợ trong việc sử dụng vật liệu tự nhiên để tạo ra một công trình an toàn và bền vững. Mặc dù vật liệu đơn giản, nhưng sự tỉ mỉ trong từng lớp đất nén và sự tinh tế trong kết cấu đã giúp bức tường vững chãi tồn tại vượt thời gian, đối mặt với những biến động của thời tiết và lịch sử.
|
Nét độc đáo trên bức tường đất chùa Bổ Đà. |
Đứng trước bức tường đất đã tồn tại trên 400 năm, mỗi người đều cảm nhận được sự hòa hợp tuyệt vời giữa thiên nhiên và con người, nơi đất mẹ nuôi dưỡng sự sống, nơi tâm linh và văn hóa dân tộc được kết nối một cách thiêng liêng. Bức tường đất không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc. Từng lớp đất nén chặt, từng vết nứt trên tường, tất cả đều kể lại câu chuyện về một thời kỳ đã qua, khi con người sống hòa hợp với thiên nhiên và tôn vinh, bảo vệ những giá trị bền vững của đất đai.
Kỹ thuật xây tường đất tại chùa Bổ Đà gợi nhớ cách làm nhà truyền thống ở nông thôn vùng Bắc Bộ, những người xây dựng sử dụng đất nện để tạo độ kết dính và bền chắc. Đất được nện chặt từng lớp mà không cần vôi vữa, giúp tường chịu lực tốt, cách nhiệt hiệu quả. Cách xây dựng này nổi bật với nhiều ưu điểm vượt trội, vừa thực tiễn vừa giàu giá trị văn hóa.
Tường đất dày mang lại khả năng cách nhiệt ưu việt, giữ không gian mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Vật liệu chính là đất sét trộn rơm rạ – nguồn vật liệu sẵn có, chi phí thấp và thân thiện với môi trường, phản ánh sự sáng tạo và tiết kiệm của người xưa. Ngoài ra, kỹ thuật nện đất chặt từng lớp tạo nên kết cấu vững chắc, bền bỉ với thời gian, vừa chống chịu tốt trước các tác động tự nhiên vừa ít cần bảo trì. Phương pháp xây dựng tường đất chùa Bổ Đà trở thành một nét độc đáo trong kiến trúc xây dựng dân gian của người dân vùng Bắc Bộ xưa.
Đặc biệt, phương pháp xây dựng mộc mạc này không chỉ mang lại hiệu quả sử dụng cao còn tôn vinh nét mộc mạc, hài hòa với cảnh quan làng quê Bắc Bộ. Đây không chỉ là một giải pháp xây dựng, còn là biểu tượng của sự khéo léo, trí tuệ dân gian và mối gắn kết sâu sắc giữa con người với thiên nhiên, lưu truyền nhiều thế hệ. Qua bao biến thiên, tường đất chùa Bổ Đà vẫn sừng sững, như một biểu tượng lâu đời của văn hóa và tôn giáo dân tộc. Sự vững chãi ấy không chỉ chống chọi với thời gian mà còn gợi lên sức mạnh của niềm tin và giá trị truyền thống, mãi lan tỏa trong dòng chảy lịch sử.
Cùng bức tường đất, chùa Bổ Đà còn lưu giữ gần 2.000 mộc bản cổ, là một kho tàng pháp bảo vô giá của Phật giáo Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa tôn giáo của dân tộc. Theo tài liệu, những mộc bản Kinh Phật ở đây được khắc, chạm trên gỗ thị, từ năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng. Trải qua gần ba thế kỷ, kho mộc bản Kinh Phật này vẫn còn khá nguyên vẹn cả về số lượng và hình thức. Các ván kinh có kích thước 45 x 22 x 2,5cm (dài, rộng, dày) hoặc 60 x 25 x 2,5cm. Có những ván kinh khổ lớn 150 x 30 x 2,5cm hoặc 110 x 40 x 2,5cm. Chữ trên ván kinh được khắc bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Phạn với nhiều loại văn bản như: kinh, sớ, điệp, ván lục thù, bùa chú… Tiêu biểu có các bộ kinh Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy…
Trên những mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn lịch sử qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối và kỹ thuật điêu khắc tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế - một dòng thiền lớn của Phật giáo Việt Nam.
|
Khu vườn tháp chùa Bổ Đà nằm trên diện tích 8.000 m2, được đánh giá là vườn tháp cổ đẹp và lớn nhất trong các cổ tự của Việt Nam. |
Không chỉ nổi tiếng với bức tường đất, những mộc bản cổ hàng trăm năm, chùa Bổ Đà còn lưu giữ khu Vườn tháp cổ với hơn 100 ngôi, trong đó có 97 ngôi tháp cổ, được xây dựng trong khoảng 300 năm. Đây là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt của hơn 1.200 vị hòa thượng, phật tử dòng thiền Lâm Tế, từng tu hành tại chùa qua các thời kỳ lịch sử. Đa số tháp trong vườn là tháp 3 - 4 tầng, cao 3 - 5 m, những ngôi tháp sư tổ còn cao rộng hơn. Khu vườn tháp cổ mang vẻ u tịch, tĩnh lặng, linh thiêng. Không chỉ là nơi tưởng niệm các vị thiền sư, còn là một minh chứng cho sự lịch sử phát triển rực rỡ của Phật giáo tại vùng đất Bắc Giang.
Bảo vệ và gìn giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở chùa Bổ Đà không chỉ là nhiệm vụ của những người yêu thích lịch sử hay kiến trúc, còn là trách nhiệm của mỗi người. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, còn là biểu tượng của sự sáng tạo, bền bỉ và tinh thần hòa hợp với thiên nhiên mà tổ tiên đã để lại. Chùa Bổ Đà, qua bao thế kỷ, vẫn là niềm tự hào của người dân Việt Nam, một minh chứng sống động cho một nền văn hóa Việt lâu đời, bất diệt, mãi là biểu tượng của sức mạnh tinh thần và giá trị văn hóa dân tộc./.