Cách mạng tháng Tám - Trang sử vẻ vang, chói lọi của lịch sử dân tộc!

Thứ hai, 31/08/2020 14:03
(ĐCSVN) – Cách mạng tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lòa nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện này không những đã vượt qua khuôn khổ của một cuộc tổng khởi nghĩa, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, thiết lập một nhà nước độc lập mà còn đặt nền tảng cho một chế độ xã hội mới đối với dân tộc ta, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại được mở ra từ thắng lợi của cách mạng tháng Mười - 1917, vừa đáp ứng khát vọng ngàn đời của dân tộc: xây dựng chế độ do nhân dân làm chủ, hiện thực hóa mục tiêu giải phóng giai cấp - xóa áp bức, bóc lột, giải phóng xã hội, xóa bất công, giải phóng con người, để mọi người dân Việt Nam được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Càng hiểu sâu sắc tầm vóc của cách mạng tháng Tám, chúng ta càng biết ơn vô hạn với công lao của Bác Hồ vĩ đại, người đã có công tìm ra con đường duy nhất đúng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người!

 

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945.(Ảnh: Tư liệu – TTXVN)

Chúng ta cùng nhau ôn lại quá trình tìm con đường cứu nước mới của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc:

Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 19/5/1890 trong gia đình nhà nho nghèo yêu nước quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, khi còn nhỏ tuổi mang tên Nguyễn Sinh Cung, đến tuổi đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, đau xót trước tình cảnh lầm than của đồng bào nên Người đã sớm hun đúc ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, cứu dân, cứu nước.

Năm 1911, Nguyễn Tất Thành xuất dương đi tìm con đường cứu nước mới trong tình cảnh nước ta đang chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

Năm 1858, ngay khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, với tinh thần yêu nước nồng nàn, bất chấp chủ trương đầu hàng của triều đình phong kiến, nhân dân cả nước ta đã liên tiếp vùng lên chống thực dân Pháp xâm lược, đúng như lời tuyên bố đanh thép của Nguyễn Trung Trực trước khi bị quân Pháp xử tử: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây!”.

Phong trào Cần Vương thất bại lại liên tiếp bùng lên hàng trăm cuộc khởi nghĩa của nông dân, mà tiêu biểu nhất là các cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… Các phong trào yêu nước của nông dân và sĩ phu yêu nước đều bị thất bại!

Sau thất bại của phong trào Cần Vương, chịu ảnh hưởng của phong trào Duy Tân của Nhật Bản và cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc, đã lôi cuốn nhiều sĩ phu yêu nước hướng ra nước ngoài tìm con đường cứu nước theo hệ tư tưởng tư sản, tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Là ngọn cờ phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược đầu thế kỷ XX, lúc đầu, cụ Phan Bội Châu chủ trương lập chế độ quân chủ lập hiến; 1904, lập Duy Tân hội để khôi phục độc lập dân tộc. Năm 1912, cụ Phan Bội Châu từ bỏ lập trường quân chủ lập hiến chuyển sang lập trường dân chủ tư sản với chủ trương lập ra Việt Nam quang phục hội, nhờ Nhật đuổi Pháp, thành lập cộng hòa dân quốc Việt Nam, con đường cứu nước của cụ Phan Bội Châu thất bại mà nguyên nhân được tác giả Trần Dân Tiên trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, đã nhận xét: Con đường đó chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”[1]. Trong lời tựa của “Phan Bội Châu niên biểu”, cụ Phan đã tự phán: “Than ôi! Lịch sử của tôi mà làm gì chỉ là một bộ lịch sử toàn thất bại!”[2]

Còn nhà yêu nước dân chủ nhiệt thành Phan Châu Trinh đã kịch liệt tố cáo tội ác của bọn quan lại phong kiến, kết tội tên vua bù nhìn Khải Định, lên án tội ác của thực dân Pháp. Cụ Phan Châu Trinh đưa ra đường lối cải lương, phản đối bạo lực “bạo lực tắc tử”, chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, muốn dựa vào Pháp để chống phong kiến. Con đường của cụ Phan Bội Châu như tiến sĩ luật khoa Phan Văn Trường, ông làm trạng sư ở Paris, là người Việt Nam đầu tiên tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, ông cho đăng “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” của Mác-Ăngghen trên báo L’Annam mà ông là chủ bút, ông đã nhận xét con đường của cụ Phan Châu Trinh là “ngày thơ”[3], GS Trần Văn Giàu nhận xét: “Cụ Tây Hồ (Phan Châu Trinh) tiếng tăm lừng lẫy, không ai không tin rằng cụ yêu nước chân thành, cụ lại chọn con đường “ỷ Pháp cầu tiến”, nghĩa là Pháp - Việt đề huề, nghĩa là một ngõ cụt”[4]. Con đường cứu nước của Phan Châu Trinh đã thất bại. Trần Dân Tiên đánh giá thất bại của con đường này là: vì sai lầm chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”[5]. Lịch sử dân tộc ta những thập kỷ đầu thế kỷ XX đã chứng minh sự thất bại cay đắng của con đường cứu nước này!

Sau thất bại của các phong trào Cần Vương, Duy Tân, của các cuộc khởi nghĩa của nông dân đến thất bại của các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản vào những năm đầu thế kỷ XX đã thể hiện cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước đã diễn ra sâu sắc và trầm trọng đúng như Bác Hồ đã tổng kết: “Tình hình đen tối như không có đường ra”. Còn nhà yêu nước Phan Bội Châu đã diễn đạt bằng hình tượng: “Trời khuya đất ngủ, khói độc mây mù”. Vấn đề tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước là nhu cầu vô cùng cấp bách của dân tộc ta!

Năm 1911, Nguyễn Tất Thành xuất dương đi tìm con đường cứu nước mới. Quá trình đi tìm con đường cứu nước mới của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trải qua những dấu mốc quan trọng sau:

- Dù rất khâm phục lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến dấu kiên cường chống thực dân Pháp và triều đình phong kiến thối nát, ươn hèn, làm tay sai cho quân xâm lược nhưng Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra những hạn chế, những nguyên nhân thất bại của các phong trào yêu nước đương thời, Người đã vượt qua những hạn chế tầm nhìn của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, quyết đi tìm con đường cứu nước mới với ý thức xem các nước làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào.

- Sau 10 năm bôn ba, khảo sát ở các nước tư bản phát triển như Pháp, Mỹ, Anh… và một số nước là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, Người đã nhận thức sâu sắc những hạn chế của các cuộc cách mạng tư sản Pháp, Mỹ…: là những “cuộc cách mạng không đến nơi”, không giải phóng được công nông và quần chúng lao động. Người hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Người ví chúng như con đỉa hai vòi: một vòi hút máu (bóc lột, áp bức) nhân dân lao động chính quốc, một vòi áp bức, bóc lột tàn bạo nhân dân các nước thuộc địa.

Năm 1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách 8 điểm đến Hội nghị các nước thắng trận họp ở Véc xây (Pháp) nhưng Tổng thống 4 nước thắng trận ở Hội nghị này, trong đó có tổng thống Mỹ Uyn xơn (Wilson), tác giả của chương trình 14 điểm về quyền dân tộc tự quyết, nhưng 4 vị tổng thống này không ai thèm đếm xỉa đến bản yêu sách đòi những quyền dân sinh dân chủ tối thiểu của Nguyễn Ái Quốc. Sự kiện này giúp Người hiểu rõ: “Chủ nghĩa Uyn xơn chỉ là một trò bịp bợm lớn…” và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”[6].

-  Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (1917) đã mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người: thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, thời đại thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản, “Cách mạng tháng Mười vĩ đại đã làm rung chuyển thế giới, trong đó có Việt Nam…”[7]. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Mười đặt ra sự lựa chọn mới đối với những người cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa tư bản hay độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội?

Tháng 3/1919, Quốc tế cộng sản (Quốc tế thứ 3) ra đời có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng thế giới. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Luận cương đã giải đáp trúng những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở tìm hiểu, giúp Người thấy rõ con đường thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, nhận rõ lập trường của Lênin và Quốc tế thứ 3. Luận cương của Lênin đã có ảnh hưởng quyết định đến lập trường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tán thành Quốc thế thứ ba, đặt cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo cách mạng vô sản!

Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, bản Luận cương của Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng nhận ra chân lý của thời đại: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và hiện thực hóa được mục tiêu, lý tưởng cao đẹp: Giải phóng giai cấp, xóa bỏ chế độ bóc lột, giải phóng xã hội, xóa bất công, giải phóng con người, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người!

-  Từ năm 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình đẩy mạnh các hoạt động: truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở các lớp huấn luyện đội ngũ cán bộ nòng cốt, đưa họ về nước tuyên truyền giác ngộ, tập hợp quần chúng, thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân và các phong trào yêu nước phát triển sâu rộng. Từ năm 1926 đến 1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã phát triển từ 300 lên 1700 hội viên, nếu kể cả hội viên dự bị thì có gần 3000 người. Hội có cơ sở ở nhiều trung tâm kinh tế, chính trị trong cả nước, trở thành lực lượng chính trị yêu nước lớn mạnh nhất - chuẩn bị tiền đề cho việc thành lập Đảng.

Sau khi thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925), Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn thảo các bài giảng cho việc mở các lớp huấn luyện chính trị cán bộ. Đến năm 1927, các tập bài giảng này được in thành sách, lấy tên là “Đường cách mệnh”. Từ khi đọc sơ thảo của Lênin năm 1920 đến khi xây dựng nội dung cuốn sách này chính là quá trình Nguyễn Ái Quốc phác thảo Đường cách mệnh” - đường lối cứu nước. Tác phẩm này có những nội dung cơ bản sau:

-  Chỉ có cách mạng vô sản là cách mạng triệt để, vì lợi ích của đại đa số dân chúng - mục tiêu và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa xã hội. Muốn xóa bỏ chế độ người bóc lột người, muốn có tự do, hạnh phúc, bình đẳng thật sự thì phải qua hai cuộc cách mạng: cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai cuộc cách mạng này có quan hệ mật thiết với nhau.

+ Về lực lượng cách mạng: Công nông là gốc của cách mạng, học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn của công nông. Cách mạng là việc chung của cả dân chúng (toàn dân) chứ không phải là việc của một, hai người.

+ Về phương pháp cách mạng: Giải phóng gông cùm cho đồng bào, cho nhân loại là công việc “to tát” cho nên phải “dùng hết sức”, phải “quyết tâm làm thì chắc được”, “thà chết tự do hơn sống làm nô lệ” nhưng “phải biết cách làm thì mới chóng”. “Cách mệnh trước hết phải làm cho dân giác ngộ”. Tiếp thu tư tưởng khởi nghĩa vũ trang quần chúng giành chính quyền đề ra từ năm 1924, trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc phát triển tư tưởng “dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi”, “đời này làm chưa xong, đời sau nối theo làm thì phải xong”, do đó, về phương pháp cách mạng trong Đường cách mệnh là quan điểm cách mạng bạo lực. Nguyễn Ái Quốc chỉ ra những thiếu sót của những người đi trước như: “Xúi dân bạo động mà không bày cách tổ chức”, hay “làm cho dân quen tính ỷ lại mà quên tính tự cường”. Phương pháp cách mạng đòi hỏi phải có sách lược, mưu chước, kế hoạch, biết lúc nào nên làm, lúc nào chưa.

+ Đoàn kết quốc tế: Đường cách mệnh chỉ rõ: “cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; ai làm cách mạng trên thế giới là đồng chí của Việt Nam. “Chúng ta cách mệnh thì càng phải liên lạc tất cả những đảng cách mệnh trong thế gian để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa”. “An Nam muốn cách mệnh thành công thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”. Trong tác phẩm Đường cách mệnh đã nhắc lại khẩu hiệu của quốc tế thứ ba: “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới đoàn kết lại!”

Trong tư tưởng đoàn kết quốc tế, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh hai điều: Muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp mình đã, lấy sức ta mà giải phóng cho ta; Cách mạng giải phóng dân tộc cần chủ động giành thắng lợi, không ỷ lại, chờ đợi thắng lợi của cách mạng vô sản. Đây là bài học đoàn kết quốc tế trên cơ sở độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của cách mạng Việt Nam.

+ Cách mạng trước hết phải có Đảng cách mệnh, Đảng có vững thì mới thành công. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam!”.

Những nội dung cơ bản của Đường cách mệnh được Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình truyền bá, giảng dạy, huấn luyện cho cán bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Sơ thảo đường lối cứu nước này đã được Hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tuyên truyền sâu rộng, tập họp tổ chức quần chúng thúc đẩy phong trào cách mạng của công nhân, nông dân từ 1925 đến 1930 lên cao. Phong trào cách mạng dâng cao đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của đội tiên phong cách mạng, có đủ bản lĩnh để lãnh đạo cuộc cách mạng của toàn dân tộc. Những cán bộ tiêu biểu của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã sớm nắm bắt được nhu cầu lịch sử này của giai cấp công nhân và của dân tộc. 17/6/1929, Đông Dương cộng sản đảng thành lập ở Hà Nội. Mùa thu 1929, An Nam cộng sản đảng ra đời. ngày 1/1/1930, Đông Dương cộng sản liên đoàn ra đời từ trong phái “tả” của Đảng Tân Việt.

Những người cộng sản của ba tổ chức này đã đánh giá về nhau không đúng nên dẫn đến những hoạt động phân tán và chia rẽ về tổ chức của phong trào. Khắc phục sự phân tán, chia rẽ về mặt tổ chức là nhiệm vụ cấp bách trước mắt của tất cả những người cộng sản và cũng là đòi hỏi khẩn thiết của cách mạng Việt Nam lúc này. Ngày 27/10/1929, quốc tế cộng sản đã gửi chỉ thị cho các nhóm cộng sản Việt Nam, nói rõ: ở Đông Dương cần có một Đảng cộng sản duy nhất. Nhận được chỉ thị của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập các đại biểu của Đông Dương cộng sản đảng và An Nam cộng sản đảng bàn việc hợp nhất. Từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng họp ở bán đảo Cửu Long (Hương Cảng) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, với sự tham gia của 2 đại biểu Đông Dương cộng sản đảng, 2 đại biểu An Nam cộng sản đảng và 2 đại biểu ngoài nước. Hội nghị nhất trí với đề xuất của Nguyễn Ái Quốc, hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã nhất trí thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ văn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, đây là Cương lĩnh và Điều lệ đầu tiên của Đảng ta.

Những nội dung chủ yếu của các văn kiện trên là:

-  Cách mạng Việt Nam là “tư sản dân quyền cách mạng” và “thổ địa cách mạng”… để đi tới xã hội cộng sản.

-  Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập.

-  Thâu hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng…) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho Chính phủ công nông binh.

-  Quốc hữu hóa toàn bộ đồn điền và đất đai của bọn đế quốc và địa chủ phản cách mạng Việt Nam chia cho nông dân nghèo.

-  Tổ chức quân đội công nông.

-  “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt v.v… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng lập hiến…) thì phải đánh đổ…

Trong khi liên lạc với các giai cấp phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp. Trong khi tuyên truyền các khẩu hiệu nước An Nam độc lập phải đồng thời tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp Pháp”[8].

-  Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng.

Sau Hội nghị hợp nhất, ngày 24/2/1930, Đông Dương cộng sản liên đoàn cũng hợp nhất vào Đảng cộng sản Việt Nam.

Việc quy tụ 3 tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất ở Việt Nam và nhất trí thông qua cương lĩnh, điều lệ đầu tiên - thông qua được đường lối cứu nước, cứu dân đúng đắn, hợp quy luật, hợp lòng người, dẫn đến sự thống nhất về tư tưởng và hành động của phong trào cách mạng cả nước, tạo nên truyền thống đoàn kết của Đảng và dân tộc từ đó về sau.

Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và thông qua cương lĩnh - Đường lối cứu nước đúng đắn - đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước, đúng như sự đánh giá của nhà tư tưởng, nhà yêu nước Phan Bội Châu: “May thay! Đương giữa lúc khí độc mây mù, thình lình có trận gió xuân thổi tới. Chính giữa lúc trời khuya đất ngủ, thình lình mà có một tia thái dương mọc ra. Trận gió xuân ấy, tia thái dương ấy là chủ nghĩa xã hội vậy”[9].

Sau khi ra đời, Đảng ta công bố Chính cương và Sách lược vắn tắt, công bố đường lối giành độc lập dân tộc, xóa áp bức, bóc lột mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân đã được nhân dân Việt Nam đồng tình, ủng hộ. Lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đã lựa chọn sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đi theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn.

15 năm sau khi ra đời, với đường lối cứu nước đúng đắn, Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930-1931, cao trào vận động dân chủ, chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình (1936-1939) và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng Tám (1939-1945).

Cách mạng tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lòa nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cách mạng tháng Tám đập tan ách thống trị của thực dân Pháp trong 87 năm, lật đổ chế độ phong kiến mấy nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.


[1] Quá trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr.23

[2] Phan Bội Châu toàn tập. Nxb Thuận Hóa, 1990, tập 6, tr.44

[3] Tạp chí Hồn Việt, số 105, tháng 7/2016, tr.13

[4] Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đăng: Vĩ đại một con người – Nxb Trẻ, 2007, tr.23

[5] Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tr.24

[6] Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr.28

[7] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia 2011, T.12, tr.652.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.2,4,5

[9] Phan Bội Châu toàn tập – Nxb Thuận Hóa, tập 4, tr.132

PGS.TS Đào Duy Quát

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực