Lễ hội Căm Mường bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng thần linh của người Lự. Theo truyền thuyết, người Lự tin rằng các vị thần sông, thần núi, thần khe, thần suối, thần rồng là những thực thể bảo vệ và phù hộ cho cuộc sống của họ. Đặc biệt, vùng núi huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu nơi người Lự sinh sống, có núi cao địa hình hiểm trở, thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn. Vì vậy, người dân nơi đây luôn ý thức tôn trọng và gìn giữ môi trường sống, đồng thời tin rằng việc thờ cúng thần linh sẽ giúp họ nhận được sự bảo trợ và hài hòa từ thiên nhiên.
|
Thầy cúng thực hiện nghi thức trong lễ hội Căm Mường của người Lự, tỉnh Lai Châu. |
Lễ hội Căm Mường còn mang ý nghĩa thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng. Đây là dịp để dân bản cùng nhau chia sẻ, giao lưu, tạo sự gắn kết giữa các gia đình và khẳng định bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Lự giữa lòng đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Lễ Căm Mường tổ chức có sự tham gia của đông đảo dân làng. Mỗi gia đình sẽ cử một đại diện nam giới tham gia vào các nghi thức cúng lễ. Nghi lễ được chia làm bốn phần chính:
Lễ thỉnh thần, bắt đầu với nghi thức thỉnh các vị thần về dự lễ. Thầy cả, người chủ trì buổi lễ, sẽ đọc lời tuyên bố lý do và mời các vị thần sông, thần núi, thần khe, thần suối, thần rồng chứng giám. Trong lời khấn, thầy cả đề cập đến lịch sử của dân tộc Lự, những khó khăn và thách thức mà họ đã vượt qua, cùng với lời cầu mong cho một năm mới thuận lợi, mùa màng bội thu.
Lễ khẩn cầu, phần lễ này là lúc thầy cả cùng dân bản dâng các lễ vật lên thần linh, bao gồm các sản phẩm từ nông nghiệp như gạo nếp, ngô, thịt gà, rượu cần và các món ăn truyền thống. Lễ vật được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, thể hiện lòng thành kính của dân bản. Thầy cả sẽ khấn vái, xin thần linh phù hộ cho mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh, trâu bò không bị dịch bệnh, cuộc sống bình an.
Lễ Căm Mường, là phần chính của lễ hội, được thực hiện với sự trang nghiêm, tôn kính. Dân bản tập trung quanh khu vực thờ cúng, nơi đặt bàn thờ các vị thần. Thầy cả tiếp tục thực hiện các nghi thức cúng tế, cầu nguyện cho mọi điều tốt lành đến với cộng đồng. Không khí buổi lễ được giữ yên tĩnh, không có tiếng nhạc cụ như khèn, sáo hay trống, bởi theo quan niệm của người Lự, âm thanh có thể làm xao nhãng sự linh thiêng và khiến các vị thần không hài lòng.
Sau khi phần Lễ kết thúc, dân bản cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đẩy gậy, tó cáy - một trò chơi thể hiện sức mạnh và sự khéo léo của các chàng trai. Bên cạnh đó, các cô gái Lự sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, cùng nhau hát những bài ca dân tộc, tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm. Những chàng trai sẽ thổi sáo, tỏ tình với các cô gái, tạo nên những câu chuyện tình yêu trong trẻo, lãng mạn của núi rừng Tây Bắc.
|
Trò chơi dân gian người Lự trong lễ hội Căm Mường. |
Lễ hội Căm Mường không chỉ là dịp để người Lự thể hiện lòng biết ơn, cầu mong sự che chở từ thần linh mà còn là cơ hội để họ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tại các lễ hội, các phong tục tập quán như dệt vải, nhuộm răng đen, xây dựng nhà sàn, chế tác trang phục truyền thống cũng được giới thiệu, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về bản sắc dân tộc.
Nhằm bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo này, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan văn hóa tổ chức nhiều hoạt động tái hiện lễ hội tại các khu du lịch văn hóa dân tộc. Đặc biệt, trong các sự kiện như Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lễ hội Căm Mường đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá văn hóa của dân tộc Lự và vùng Tây Bắc.
Lễ hội Căm Mường là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Lự. Đây không chỉ là dịp để họ bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần, mà còn là cơ hội để gắn kết cộng đồng, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua lễ hội, người Lự gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống bình an, mùa màng bội thu, khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo và tình đoàn kết dân tộc.
Lễ hội Căm Mường là minh chứng cho sự trường tồn và phát triển của một nền văn hóa đậm đà bản sắc, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa sắc màu của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.