Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia

Thứ sáu, 30/06/2023 21:22
(ĐCSVN) - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng chia sẻ, nhiệm vụ của lưu trữ là phải đưa những giá trị của tài liệu lịch sử vào đời sống để có giá trị ở thời điểm hiện tại. Trong đó, phát huy các giá trị của tài liệu quốc gia, đó là các giá trị về chính trị, lịch sử, văn hóa... nhằm phục vụ xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại Tọa đàm.

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia”. Tọa đàm tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin về các nguồn tài liệu lưu trữ; kinh nghiệm công bố phát huy giá trị tài liệu; đề xuất những giải pháp, hình thức mới trong hoạt động công bố, đặc biệt là xu hướng tiếp cận đối với công chúng trẻ.

Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng chia sẻ, nhiệm vụ của lưu trữ là phải đưa những giá trị của tài liệu lịch sử vào đời sống để có giá trị ở thời điểm hiện tại. Trong đó, phát huy các giá trị của tài liệu quốc gia, đó là các giá trị về chính trị, lịch sử, văn hóa... nhằm phục vụ xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Cục trưởng Đặng Thanh Tùng cho biết, chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24/12/2021. Mục tiêu của Chương trình là xác định các nội dung tài liệu đưa ra công bố; biên dịch, xử lý tài liệu tư liệu để phục vụ công bố; nâng cao nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của xã hội, phục vụ các cơ quan, tổ chức và công chúng.

Thời điểm thuận lợi hiện nay là Chính phủ vừa giao cho Bộ Nội vụ xây dựng tờ trình, triển khai các công việc cần thiết để lấy ý kiến của Quốc hội về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự kiến thông qua vào năm 2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Các đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm. 

Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng, việc công bố tài liệu lưu trữ cũng là một trong những mục tiêu nhằm phát huy giá trị tài liệu, ở thời điểm này không chỉ hợp với lòng dân, với tình cảm của toàn xã hội mà của cả những người làm lưu trữ. Hiện nay, việc đưa thông tin, giá trị tài liệu ra ngoài xã hội không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của những người làm lưu trữ mà là đòi hỏi của công luận, đòi hỏi của các phương tiện truyền thông.

“Nhận thức được đầy đủ các nhu cầu, yêu cầu đó, chúng tôi rất vui, tự hào và quyết tâm đưa tài liệu lưu trữ ra phục vụ công chúng”, đồng chí Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm công bố, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, sự bùng nổ, phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, xu thế mở rộng dân chủ xã hội.

Tham luận tại Tọa đàm, Trưởng phòng Quản lý Văn thư - Lưu trữ Mai Thu Hiền, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết, yêu cầu cấp bách đối với ngành Lưu trữ là phải chủ động, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng công bố nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội trong giai đoạn mới. Điều này là hoàn toàn khả thi, bởi tiềm lực thông tin quá khứ khá đồ sộ và tăng lên từng ngày.

Cụ thể, lưu trữ lịch sử nhà nước ở Trung ương hiện có 33.000m giá, 1.000 phòng sưu tập; còn tại lưu trữ lịch sử của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có 68.000m giá, 3.317 phòng, đã phản ánh toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta từ thế kỷ XIX đến nay. Đáng chú ý đến là 2 di sản tư liệu thế giới, 2 bảo vật quốc gia. Thời gian thực hiện chương trình được kéo dài từ năm 2022 đến 2030, đã có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm công bố, phát huy giá trị tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia; kinh nghiệm lựa chọn chủ đề và hình thức công bố giới thiệu tài liệu lưu trữ gắn với các sự kiện chính trị, xã hội của đất nước; kinh nghiệm sản xuất phim và truyền thông số đối với tài liệu lưu trữ.

Các đại biểu cũng đề xuất cần có bộ tài liệu hướng dẫn bài bản về cách thức sưu tầm, tổ chức triển lãm, các hình thức tổ chức để có tính lan tỏa cao, thu hút nhiều độc giả./.

Tin, ảnh: Thủy Khuê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực