Cố gắng sống tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội

Thứ hai, 17/06/2013 22:36

(ĐCSVN) – "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi luôn tự nhắc nhở phải luôn cố gắng, sống tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đến với bệnh nhân, tôi cảm nhận được giá trị của cuộc sống, của một người được sống bình thường".

Những lời tâm sự chan chứa tình yêu thương con người của nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Thúy, Trưởng khoa F, Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định, Tp Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW.

 

 Phương Thúy gần gũi, ân cần chăm sóc bệnh nhân
(Ảnh: Nguyên Anh)

Yêu thương bệnh nhân như người thân của mình

Sinh năm 1982, cô gái trẻ Trần Thị Phương Thúy trở nên nổi tiếng bởi chính những hành động đẹp của cô. Năm 2006, tốt nghiệp Trường trung cấp quân y II, Thuý về làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định (trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh) với công việc không hề đơn giản: chăm sóc bệnh nhân tâm thần.

Chăm sóc bệnh nhân, không chỉ đơn giản là việc cho uống thuốc hằng ngày mà ở họ cần sự quan tâm, chia sẻ. Với một y sĩ mới ra trường, lại làm việc trong môi trường đặc biệt, Thuý đã gặp rất nhiều khó khăn. Có bệnh nhân lên cơn đã không đánh vào mặt Thúy; có những lúc đút cơm cho bệnh nhân ăn, bị bệnh nhân phun thẳng cơm vào mặt... nhưng Thúy và các đồng nghiệp tự nhủ “họ là những người cần được yêu thương, chăm sóc” và lại bền bỉ, kiên nhẫn tiếp tục công việc của mình. Thúy tâm sự: "Những lúc như vậy, tôi thường nhớ đến bài thơ Giã gạo của Bác Hồ: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”. Vì vậy, Thúy không chỉ kiên trì trong chăm sóc mà còn luôn tìm cách học hỏi, nghiên cứu thêm tài liệu, tìm những phương pháp điều trị mới nhằm giảm những cơn đau của bệnh nhân. Tranh thủ những lúc bệnh nhân tỉnh táo, cô tìm cách trò chuyện để lấy thông tin, liên hệ các số điện thoại, địa chỉ bệnh nhân cung cấp để giúp được hơn 10 bệnh nhân được gia đình bảo lãnh, hồi gia.

Là người luôn có trách nhiệm với công việc và tận tụy với bệnh nhân, yêu thương họ như người thân nên Thúy luôn dõi theo họ kể cả khi đã hồi gia. Cô còn nhớ lại một trường hợp bệnh nhân nam sinh năm 1978 có hoàn cảnh đáng thương và làm cô xót lòng khi anh ta tái phát bệnh sau khi về với gia đình. Thúy và đồng nghiệp đã đến giúp đỡ gia đình với tư cách cá nhân, tuy nhiên chỉ một thời gian sau, bệnh nhân bỏ nhà ra đi lang thang. “Sau lần đó, lúc nào tôi cũng day dứt không yên. Rất vui là sau một thời gian, bệnh nhân đã tỉnh táo và tự liên lạc lại với tôi, anh khoe là đang tích cực điều trị ở Biên Hòa và đã bình phục. Anh còn hỏi ý kiến tôi về chuyện lập gia đình... Bây giờ, vợ chồng anh buôn bán ve chai và mới có một cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh. Tôi thấy như mình được sống lại một lần” – Thúy hồ hởi khoe.

Nghe những tâm sự của Thúy, tôi càng thấm thía rằng mỗi người đều được quyền chọn cho mình một cách sống. Mỗi người có thể chọn làm nhiều việc, nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng với Thúy, đó là công việc đầy ý nghĩa nhằm góp phần chăm sóc và giúp đỡ những con người có hoàn cảnh bất hạnh và đó cũng là cơ sở để tạo sức mạnh cho cho cô thêm yêu nghề. Khi được hỏi vì sao chọn công việc này, Thúy cho biết: “Tôi chọn công việc này vì tôi nghĩ đó là việc tốt để tôi thể hiện trách nhiệm với xã hội và chia sẻ tình yêu thương. Tôi cố gắng chăm sóc và mong ước có thể phần nào trả những người bệnh về với đời thường. Cuộc sống còn bao điều tốt đẹp đang chờ họ. Song, muốn làm được điều đó thì phải xem họ như người thân trong gia đình. Tôi muốn chăm sóc và nuôi dưỡng những bệnh nhân tâm thần chỉ đơn giản vì tôi muốn tất cả những người thân đang ở xung quanh tôi được sống vui, hạnh phúc, kéo dài tuổi thọ để họ sớm có dịp gặp lại gia đình...”

Không ngừng sáng tạo trong chuyên môn

Là người chăm sóc, niềm mong mỏi bệnh nhân sớm bình phục là ước vọng lớn nhất của Thúy. Tuy nhiên, bệnh nhân của Thúy là những bệnh nhân đặc biệt bởi lẽ cảm xúc, hành vi tư duy không logic sẽ ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán bệnh. Không ngại thử thách, Thúy đã tận dụng từng quãng thời gian tốt nhất để khai thác tâm lý bệnh nhân, góp phần bổ sung vào phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Thuý luôn cần mẫn mang theo sách bệnh lý nội khoa và ngoại khoa trong quá trình điều trị bệnh.

Ngay khi Thúy mới nhận việc, Trung tâm điều dưỡng xảy ra dịch bệnh tê phù khiến một số bệnh nhân tử vong. Mỗi bệnh nhân ra đi là một lần Thúy nhân lên sự dằn vặt bởi sự bất lực của mình. Không thể để sự việc tiếp diễn tệ hại hơn, Thuý tranh thủ những ngày nghỉ về nhà và tra cứu thông tin về bệnh phù nề. Qua tìm hiểu, Thuý nhận ra rằng gạo lứt rất tốt cho sức khoẻ, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng phòng tránh được bệnh tê phù. Từ đó, cô đề xuất với Ban giám đốc Trung tâm cho bệnh nhân dùng gạo lứt trong bữa ăn thay vì cơm trắng như thường ngày. Đề xuất của cô được chấp nhận triển khai, tuy nhiên hiệu quả lại chưa như mong đợi khi tình trạng bệnh nhân tiến triển quá chậm.

Không nản lòng, Thuý tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về bệnh phù nề. Một lần nữa, cô lại đề xuất uống và tiêm vitamin B1 để điều trị bệnh tê phù cho bệnh nhân. Sự chịu khó của Thúy được đền đáp khi bệnh tê phù giảm rõ rệt, người bệnh giảm được triệu chứng phù và cảm giác tê. Nhưng sau thời gian tê phù, hai chi dưới của bệnh nhân rất yếu, không đi lại được và gần như mất cảm giác hoàn toàn. Giải quyết vấn đề này, Thuý nghĩ ra phương pháp vật lý trị liệu, cô kiên trì tập cho bệnh nhân từng bước đi, dần dần, người bệnh đã đi từng bước nhỏ, từng đoạn dài và có thể dựa hành lang để bước đi. Không có gì diễn tả hết niềm vui của cô y sỹ trẻ khi thấy bệnh nhân của mình hồi phục và bước đi trên chính đôi chân của mình.

Khi được chuyển sang làm Trưởng Khoa D là khoa chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân nữ, Thúy tiếp tục có ý tưởng thay đổi cách quản lý và chăm sóc bệnh nhân như: trồng tăng cường thêm đu đủ, bắp, đậu xanh để bổ sung chất dinh dưỡng cho bệnh nhân.

 

 Phương Thúy tươi tắn giữa đời thường (Ảnh: HH)

Từ tháng 10/2010, Thuý được điều động về làm trưởng khoa F, chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân già, cao huyết áp. Nhiệm vụ và thách thức mới không làm người y sĩ trẻ bỏ cuộc. Đầu tháng 12/2011, dịch cúm diễn ra đồng loạt khiến các bệnh nhân trong Trung tâm lại lao đao ốm yếu, Thúy lại không ngần ngại xin đề xuất phòng bệnh cúm bằng phương pháp Đông y và Tây y kết hợp. Thuý cho biết: "Mình đề xuất biện pháp này có hai lý do. Một là bệnh nhân uống thuốc theo phác đồ Tây y thông thường sẽ làm ảnh hưởng khả năng dung nạp, kém hấp thu. Hai là những thuốc đông y làm mát cơ thể lại gần gũi với thiên nhiên nên dễ tìm kiếm”. Thế là những bệnh nhân của chị, vừa điều trị thuốc Tây y, vừa phòng bệnh bằng cách nhỏ mũi bằng nước tỏi hoặc nước muối sinh lý hằng ngày. Cùng với đó, Thúy đã kiếm những loại lá tốt có công dụng chữa bệnh như lá xả, tre, bạc hà... xông cho bệnh nhân. Kết quả sau đợt điều trị tích cực, 68 bệnh nhân đã giảm rõ các triệu chứng và đợt dịch kết thúc. Niềm vui nữa lại nhân lên trong ánh mắt người y sỹ trẻ.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, những việc làm thầm lặng và thiết thực của Thúy luôn được các bệnh nhân tìm đến và đồng nghiệp thì quý mến và dành tặng cho chị những cái tên thân thương “thiên thần áo trắng”, “người bạn tâm giao”... Khát khao cống hiến, làm những phần việc chia sẻ yêu thương giúp chị được đồng nghiệp yêu mến, đơn vị tin tưởng, bệnh nhân hợp tác - đó cũng là động lực để chị tiếp tục gắn bó với nghề lắm gian nan nhưng tràn đầy nghĩa tình này.

Tuy công việc thầm lặng, nhưng thành tích và sự nổi tiếng của Thúy được các cấp ghi nhận. Nhiều năm liên tục Thúy là Chiến sỹ thi đua cơ sở, được nhận Bằng khen của Bộ LĐ-TBXH; huy hiệu Thành phố năm 2011; là 1 trong 6 điển hình Công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh năm 2012; được các cấp từ cơ sở đến Trung ương tặng Giấy khen, Bằng khen vì có thành tích tốt trong việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực