Đậm đà bản sắc văn hóa người Cơ Tu ở hai nước Việt - Lào

Thứ năm, 26/09/2024 11:36
(ĐCSVN) - Người Cơ Tu tại Việt Nam sinh sống tập trung ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế; còn ở nước bạn Lào, họ cư trú chủ yếu tại vùng biên giới giáp với Việt Nam. Hai cộng đồng người Cơ Tu từ lâu đã có mối quan hệ gắn bó với nhiều nét tương đồng, tạo nên bức tranh văn hóa sống động, cùng tô thắm tình hữu nghị hai dân tộc Việt - Lào.

Người Cơ Tu ở Việt Nam có 74.173 người, cư trú lâu đời tại các huyện vùng cao biên giới của tỉnh Quảng Nam như: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang. Một bộ phận nhỏ người Cơ Tu sinh sống ở các huyện Nam Đông, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện Hòa Vang của TP. Đà Nẵng. Trên lãnh thổ nước Cộng hòa DCND Lào, người Cơ Tu có dân số khoảng 30.000 người, sinh sống tập trung ở huyện Ka Lum và Thông Vai, tỉnh Sê Kông, huyện Lau Ngam thuộc tỉnh Salavan.

Có vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử lâu đời, đồng bào Cơ Tu sinh sống ở vùng biên của hai nước Việt - Lào từ lâu đã có mối quan hệ mật thiết với nhau. Họ luôn hỗ trợ nhau trong đời sống, có nền văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc. Dù dân số không lớn như ở Việt Nam nhưng đồng bào Cơ Tu ở Lào vẫn giữ gìn, phát triển những di sản văn hóa lâu đời của dân tộc mình.

Trong quá trình hội nhập giao thoa văn hóa, một số di sản văn hóa của người Cơ Tu ở Việt Nam mai một hoặc mất đi, nhưng đồng bào Cơ Tu bên kia biên giới vẫn lưu giữ và tiếp tục phát triển. Nổi bật là cách thức cư trú, nhà cửa trong mỗi ngôi làng được bố trí theo vòng tròn, hay hình ô van đồng tâm hay các tập tục, lễ hội truyền thống, phương thức canh tác. Những yếu tố đó đã giúp cho những vốn quý trong kho tàng văn hóa tộc người Cơ Tu được tiếp tục bảo tồn, phục hồi và phát triển.

Đặc trưng văn hóa của người Cơ Tu ở vùng biên giới Việt - Lào thể hiện qua nhiều loại hình, kiến trúc, tín ngưỡng và phong tục, tập quán xã hội. Trong nghệ thuật kiến trúc, người Cơ Tu nổi tiếng với ngôi nhà Gươl – trung tâm sinh hoạt của cả cộng đồng. Nhà Gươl không chỉ là nơi diễn ra các nghi lễ mà còn là biểu tượng của quyền lực và sự đoàn kết người dân trong làng. Kiến trúc nhà Gươi phổ biến ở cả hai nước Việt Nam và Lào, thể hiện truyền thống và sự giao thoa trong đời sống, văn hóa giữa hai quốc gia. 

 Kiến trúc nhà Gươl của người Cơ Tu tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tại Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội)

Người Cơ Tu ở Việt Nam thường mặc trang phục thổ cẩm truyền thống, với các họa tiết phong phú và tươi sáng. Cách dệt vải và lựa chọn hoa văn của họ cũng có nhiều điểm tương đồng với các dân tộc Cơ Tu sinh sống ở Lào, cho thấy sự kết nối văn hóa xuyên biên giới.

Trong đời sống tín ngưỡng, người Cơ Tu ở cả Việt Nam và Lào đều tin vào thế giới siêu nhiên, có phong tục thờ cúng thần núi, thần rừng, phản ánh sự tôn trọng và gắn kết với thiên nhiên. Các lễ hội truyền thống như lễ hội mừng lúa mới và các lễ hội mùa vụ khác, mang tính chất cộng đồng cao, đây là dịp để người Cơ Tu thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên và tôn vinh tinh thần đoàn kết.

Nghệ thuật âm nhạc và múa dân gian Cơ Tu có nhiều điểm tương đồng, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa chung của cộng đồng dân tộc thiểu số này, dù sinh sống ở hai quốc gia khác nhau. Một số nét tương đồng nổi bật như, họ đều sử dụng cồng chiêng và trống làm nhạc cụ chủ đạo trong các nghi lễ, lễ hội. Âm thanh của cồng chiêng được coi là cầu nối giữa con người và thần linh, biểu tượng cho sự kết nối tâm linh với thế giới siêu nhiên.

Ở cả hai quốc gia, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là biểu tượng văn hóa, phản ánh sự thiêng liêng và thể hiện đậm nét tính cộng đồng. Người Cơ Tu sử dụng đàn đá và sáo trúc trong các dịp hội họp hoặc những khoảnh khắc thanh bình, vừa phục vụ đời sống tinh thần, vừa thể hiện tài nghệ thủ công trong chế tác nhạc cụ từ thiên nhiên.

Âm nhạc Cơ Tu có đặc điểm là các giai điệu chậm rãi, sâu lắng, mô phỏng những thanh âm từ thiên nhiên như tiếng suối chảy, tiếng gió thổi. Những giai điệu này thường đi cùng với các vũ điệu mang tính tượng trưng, tái hiện cảnh sinh hoạt hàng ngày hoặc các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thần linh. Tiết tấu trong âm nhạc cũng mang tính lặp lại, nhấn mạnh sự đồng bộ và gắn kết cộng đồng, tương tự như cách người Cơ Tu ở Lào và Việt Nam thể hiện sự đoàn kết trong các lễ hội và hoạt động tập thể.

Một trong những điệu múa phổ biến nhất của người Cơ Tu là điệu múa tân tung - dành cho nam giới người Cơ Tu, điệu múa da dá dành cho phụ nữ, vũ điệu dân gian này nổi tiếng cả ở Việt Nam và Lào. Trong điệu múa, các vũ công, di chuyển trong các vòng tròn đồng tâm, tay cầm chặt tay tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa con người và cộng đồng. Người Cơ Tu có các điệu múa dân gian khác tái hiện cảnh săn bắn, các vũ công đóng vai những thợ săn dũng mãnh. Các điệu múa dân gian thể hiện khát vọng bảo vệ cuộc sống, sức mạnh cộng đồng và sự hòa hợp với thiên nhiên. 

 Vũ điệu da dá của người Cơ Tu

Âm nhạc và múa dân gian Cơ Tu phản ánh mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên, với các chủ đề như cầu mùa, săn bắn, mừng lúa mới, tôn thờ thần linh. Điều này cho thấy sự gần gũi, tương đồng về văn hóa của cộng đồng Cơ Tu bất kể biên giới quốc gia. Những điểm tương đồng này không chỉ thể hiện sự tiếp nối văn hóa từ quá khứ, mà còn là minh chứng cho sự gắn kết văn hóa dân tộc Cơ Tu ở hai quốc gia Việt Nam và Lào. Họ duy trì và phát triển các giá trị truyền thống qua nghệ thuật âm nhạc và múa, đóng góp vào việc bảo tồn bản sắc dân tộc trong bối cảnh văn hóa đa dạng của khu vực.

Thổ cẩm - bức tranh văn hóa khắc họa bản sắc người Cơ Tu ở hai nước. Nghệ thuật chế tác thổ cẩm của người Cơ Tu ở Việt Nam và Lào là bức tranh văn hóa phản ánh đậm nét bản sắc và đời sống tinh thần của họ. Loại hình nghệ thuật dân gian này không chỉ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mà còn là biểu tượng văn hóa, chứa đựng những giá trị truyền thống được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Đồng bào Cơ Tu ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hiện còn trồng bông dệt vải theo kiểu truyền thống. Họ có giống bông dệt vải cùng với giống bông của dân tộc Cơ Tu ở Lào, cùng sử dụng để duy trì nghề dệt vải truyền thống. Người Cơ Tu ở hai quốc gia đều dệt thổ cẩm bằng tay, với kỹ thuật dệt đơn giản nhưng đầy tính thẩm mỹ. Người phụ nữ Cơ Tu thường ngồi dệt bên khung cửi, sử dụng các sợi chỉ tự nhiên từ bông hoặc vỏ cây, sau đó nhuộm bằng màu sắc từ các loại lá, quả, rễ cây. Mỗi tấm thổ cẩm thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn trong từng sợi chỉ, từng mũi dệt.

Màu sắc và hoa văn trên thổ cẩm thường sử dụng các gam màu tự nhiên như đen, đỏ, trắng và vàng, tượng trưng cho các yếu tố thiên nhiên xung quanh như đất, lửa, nước và cây cối. Những hoa văn trên thổ cẩm không chỉ là hình ảnh trang trí mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, biểu trưng cho sự gắn bó với thiên nhiên và tổ tiên. Các họa tiết phổ biến bao gồm chim chóc, cây cối, ngôi nhà Gươl, hay hình tượng các vị thần linh bảo vệ cộng đồng.

Theo tài liệu về người Cơ Tu ở Lào, hiện nay cách dệt thổ cẩm của họ vẫn theo cách thức cổ xưa, từ việc sử dụng khung dệt đến quá trình chế biến sợi, nhuộm sợi, tạo hoa văn... Khung dệt có dây đeo lưng, thanh giằng ở chân, khi dệt dùng sức căng của cơ thể, đây là loại khung dệt cổ xưa. Hoa văn và màu sắc của thổ cẩm Cơ Tu ở Lào còn giữ nét hoang sơ. Màu vải được nhuộm từ cây chàm nên có màu xanh lơ và màu đen thẫm. Hoa văn đa dạng, trong đó chủ yếu vẫn là hoa văn bằng hạt cườm nhựa hay thủy tinh. Loại cườm bằng nhựa tổng hợp này có đủ màu sắc, tiện lợi, dễ sử dụng và cũng được ưa chuộng hơn. Nguyên liệu này đồng bào mua và trao đổi từ người đồng tộc ở Việt Nam.

Hoa văn và các đường viền phức tạp trên thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu bên Lào cũng xuất hiện khá phổ biến trong các sản phẩm dệt của đồng bào Cơ Tu ở Việt Nam. Đó là mô típ người phụ nữ múa điệu da dá, hình xương cá, hình con bướm..., hay giống nhau về đồ trang sức, loại hình trang phục truyền thống... Điều này thể hiện nét tương đồng về bản sắc tộc người. Thổ cẩm được dùng trong các nghi lễ cúng tế thần linh, cầu mùa màng bội thu, trong các lễ hội mùa vụ, mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên và các thế lực siêu nhiên. 

 Nghề “canh cửi” của người Cơ Tu

Sự giao thoa văn hóa người Cơ Tu ở cả hai nước Việt Nam và Lào có nhiều nét tương đồng do sự gần gũi về địa lý và lịch sử. Cả hai cộng đồng đều giữ gìn và phát triển nghệ thuật dệt thổ cẩm với những điểm chung trong kỹ thuật dệt, hoa văn và màu sắc, cho thấy sự giao thoa văn hóa giữa hai quốc gia, tạo nên sự kết nối văn hóa độc đáo và bền chặt.

Ngày nay, thổ cẩm không chỉ được sử dụng trong đời sống hàng ngày mà còn trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, góp phần quảng bá văn hóa Cơ Tu ra thế giới. Ở cả Việt Nam và Lào, các dự án bảo tồn và phát triển thổ cẩm Cơ Tu đã được thực hiện, nhằm giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống trước sự thay đổi của thời đại.

Mỗi đường nét, họa tiết trên tấm vải thổ cẩm đều khắc họa câu chuyện về cội nguồn, lịch sử và đời sống tinh thần của người Cơ Tu. Đặc biệt, trong bối cảnh giao thoa văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Lào, thổ cẩm đã trở thành một trong những cầu nối văn hóa, góp phần gắn kết những giá trị văn hoá chung giữa hai đất nước và củng cố bản sắc của người Cơ Tu. Vì thế, thổ cẩm cũng là một trong những biểu tượng văn hóa, một bức tranh phản ánh linh hồn và tinh thần của cộng đồng người Cơ Tu, trải dài qua cả hai quốc gia Việt Nam và Lào./.

Bài, ảnh: N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực