Đạo lý “Tôn sư trọng đạo” trường tồn trong mạch nguồn văn hóa dân tộc

Thứ bảy, 16/11/2024 11:51
(ĐCSVN) - Tôn vinh nghề dạy học, kính trọng người Thầy giáo, răn dạy con cháu neo vào con chữ mà học hành thành đạt là đạo lý tốt đẹp, mang đậm giá trị nhân văn, trường tồn trong mạch nguồn văn hóa của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay.

Từ trong mạch nguồn văn hóa dân tộc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.345). Lời khẳng định ấy của Người vừa có ý nghĩa coi trọng vai trò của người Thầy, vừa có ý nghĩa tôn vinh vị trí của người Thầy trong giáo dục và đào tạo. Ngược dòng thời gian, trở về mạch nguồn văn hóa dân tộc, coi trọng sự học và người Thầy giáo là phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam.

Ở mỗi thời kỳ phát triển, dù cuộc sống có khó khăn, thiếu thốn nhưng mỗi gia đình, mỗi dòng họ luôn coi việc học hành là yếu tố quyết định đến giáo dục nhân cách, đạo đức và là con đường để mỗi đứa trẻ lựa chọn, bước đi để vươn lên mà thành đạt. Lịch sử dân tộc đã ghi dấu những tấm gương hiếu học và thi đỗ thành danh như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Lê Quý Đôn, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thị Duệ, Tuệ Tĩnh…Những tấm gương sáng ngời về sự học và dấn thân vì nước vì dân đã ghi tạc vào đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

 Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), nơi hội tụ tinh hoa văn hóa truyền thống hiếu học và đạo lý "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam. 

Trong suốt những chặng đường hình thành, phát triển giáo dục và đào tạo của dân tộc, vai trò của người Thầy giáo luôn được coi trọng, là yếu tố không thể thiếu trong giáo dục nhân cách, đạo đức và tri thức cho học sinh. Thầy giáo là biểu tượng thiêng liêng cho sự học. Không có thầy giáo thì không có lớp học và học sinh, không có trường học. Vì vậy, Thầy giáo đóng vai trò là người dạy dỗ, dẫn dắt học trò đi tìm tri thức dù ở bất kỳ cấp học nào. Thiếu thầy, học trò sẽ không tìm ra con đường đi trên những chặng đường học tập. Chính vì vậy, đã từ lâu, coi trọng và kính trọng người Thầy giáo đã trở thành nếp sống, nếp nghĩ và trở thành đạo lý mang đậm giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc. Mỗi gia đình, mỗi xóm làng, mỗi vùng đất đã hình thành, hun đúc và gìn giữ truyền thống hiếu học và đạo lý “Tôn sư trọng đạo” để theo thời gian, đạo lý tốt đẹp ấy đã in sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam.

Những chuyến trải nghiệm của học sinh các nhà trường tại các di tích thờ sự học luôn mang lại hiệu quả giáo dục về đạo lý "Tôn sư trọng đạo". 

Linh hồn của đạo lý “Tôn sư trọng đạo” chính là mối quan hệ Thầy và trò. Thầy trong vai trò là người giáo dục, người đang làm nghề cao quý, nghề “dạy người” luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, là tấm gương sáng cho học trò noi theo và kính trọng. Trò là người học, luôn giữ khuôn phép, lễ nghĩa trước thầy. Đạo làm thầy, đạo làm trò luôn được gìn giữ và tỏa sáng trong mối quan hệ Thầy trò để làm nên những khía cạnh trong đạo lý “Tôn sư trọng đạo”. Đạo lý tốt đẹp ấy bắt nguồn từ mạch nguồn văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đó là những phẩm chất tốt đẹp có sức sống vượt thời gian của con người Việt Nam như cần cù, chịu thương chịu khó, hiếu học, luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, biết ơn với tiên tổ và những người có công với quê hương, đất nước.

Lan tỏa thành đạo lý tốt đẹp và trường tồn

Từ trong mạch nguồn văn hóa của dân tộc, những phẩm chất tốt đẹp vốn có của người Việt đã lan tỏa và hình thành trong sự học, đó là trọng người Thầy, lễ phép với Thầy, luôn coi Thầy là biểu tượng thiêng liên cho sự học, đạo đức, nhân cách để bản thân tự rèn luyện, tự giáo dục mà trưởng thành. Đạo lý ấy có giá trị bền vững, trường tồn, ngày càng đậm sâu và lan tỏa trong tâm hồn, nhân cách, ứng xử và lối sống của con người Việt Nam trong cuộc sống. Trong đời sống của dân tộc, đạo lý “Tôn sư trọng đạo” là sợi dây kết nối bền chặt mối quan hệ Thầy trò, tôn vinh nghề dạy học và vai trò không thể thay thế được của người Thầy trong bất kỳ giai đoạn nào của giáo dục.

Đền thờ Thầy giáo Chu Văn An (Hải Dương) là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống "Tôn sư trọng đạo" cho các thế hệ học sinh Việt Nam.  

Những câu ca xưa đã đúc kết sự kết nối ấy như: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy); “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”; “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy/Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”; “Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi/Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”. Không chỉ được lưu giữ về tinh thần, đạo lý “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc còn được minh chứng qua những giá trị văn hóa vật thể. Đó là sự trường tồn của những ngôi đền, những văn miếu thờ sự học, thờ những bậc Thầy đức cao vọng trọng của dân tộc. Tiêu biểu là đền Thiên Cổ thờ Thầy cô giáo thời Hùng Vương ở Phú Thọ; Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội); Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương); Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên); đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng); đền thờ Chu Văn An (Hải Dương); đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (Hải Dương)…Những công trình đó là những tinh hoa văn hóa, là minh chứng sinh động cho truyền thống hiếu học và sự kính trọng người Thầy từ ngàn xưa của dân tộc.

Thước đo giá trị con người

Đạo lý “Tôn sư trọng đạo” là thước đo giá trị về nhân cách, đạo đức của một con người, một gia đình và rộng hơn là cả một địa phương. Ông cha ta vẫn thường dạy con cháu: “Trọng Thầy mới được làm Thầy”, quả đúng như vậy. Một con người được giáo dục đầy đủ, khôn lớn trưởng thành, biết kính trọng, tri ân cha mẹ, thầy cô đã nuôi dưỡng, dạy dỗ nên người thì con người ấy được xã hội tôn trọng và đánh giá là biết sống có đạo lý, biết hướng về nguồn cội dưỡng dục của mình.

 Thầy cô giáo luôn là người gợi dẫn, truyền cảm hứng cho học trò đi tìm chân lý và khám phá tri thức. 

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển không ngừng của xã hội đã dẫn đến sự thay đổi của nhiều yếu tố trong đời sống. Đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0 đã kéo theo sự biến đổi về chất của những hệ giá trị trong xã hội, trong đó, vị trí nghề dạy học, người Thầy giáo và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cũng có sự thay đổi khác trước. Dưới góc nhìn mới với những quan niệm và cách ứng xử khác nhau của xã hội đối với nghề dạy học, người Thầy giáo, tính chất về “Tôn sư trọng đạo” ít nhiều đã có sự thay đổi. Mặc dù vậy, vai trò của giáo dục cũng như vị trí đặc biệt của người thầy không gì có thể thay thế được. Hơn bao giờ hết, người Thầy giáo trong xã hội ngày nay càng phải là tấm gương về đạo đức, nhân cách và trí tuệ để thực hiện sứ mệnh cao cả là người hướng dẫn học trò đi tìm chân lý, là người truyền cảm hứng học tập và khát vọng chinh phục những đỉnh cao của tri thức. Sự tương tác tích cực của Thầy có tác động lớn đến nhân cách, động cơ và ý chí của học trò.

Tri ân thầy cô giáo là nét đẹp văn hóa của các thế hệ học sinh Việt Nam.  

“Tôn sư trọng đạo” là một đạo lý cao đẹp, tồn tại xuyên suốt tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Xét về bản chất, tinh thần “Tôn sư trọng đạo” ngày xưa và ngày nay vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, hình thức thể hiện đạo lý này có sự khác việt theo các thời kỳ. Điển hình là ngày nay, trò vẫn yêu kính thầy cô, nhưng có cách thể hiện riêng như thông qua tin nhắn, thư thoại, thư điện tử…Điều này không hoàn toàn giống cách mà thế hệ 8X, 7X trở về trước hay làm. Nhưng tình cảm thiêng liêng dành cho thầy cô giáo thì thế hệ nào cũng vậy. Hơn nữa, dư luận xã hội bây giờ hay dựa vào những sự việc xảy ra như chuyện trò đánh, chửi thầy, phụ huynh hành hung giáo viên…để nói rằng đạo lý “Tôn sư trọng đạo” bị mai một. Thiết nghĩ, đó chỉ là những sự vụ đơn lẻ, không đủ để đại diện cho cả một nền tảng đạo đức bền vững về tình cảm Thầy trò.

Có thể khẳng định, khi nhìn vào một quốc gia, một dân tộc trong sự phát triển đi lên không ngừng với những thành tựu rực rỡ là nhìn vào sự nghiệp giáo dục, vào sự học và đạo đức, nhân cách của con người đầu tiên. Bởi lẽ, không có một đất nước nào phát triển mà không coi trọng sự học. Giáo dục đồng hành với lịch sử phát triển của dân tộc. Mỗi thế hệ con người Việt Nam được sinh ra, được nuôi dưỡng và giáo dục, theo thời gian, mỗi người được bồi đắp những giá trị nhân văn cốt lõi của để trưởng thành và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong hệ giá trị của con người Việt Nam, “Tôn sư trọng đạo” là đạo đức, là văn hóa luôn lan tỏa, bền vững và trường tồn với thời gian./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực