Để phim cổ trang Việt thực sự hấp dẫn

Thứ tư, 07/12/2022 14:54
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, dòng phim cổ trang Việt chưa tạo được sức hút đối với công chúng. Để thay đổi điều này, nhiều vấn đề đang được đặt ra như công tác biên kịch, phục trang, chất lượng đội ngũ diễn viên, phim trường chuyên nghiệp…

Mới đây, sau 10 ngày ra rạp với những suất chiếu rời rạc, ít ỏi, bộ phim cổ trang “Huyền sử vua Đinh” đã rút khỏi phòng vé với doanh thu hơn 40 triệu đồng, một mức doanh thu được coi là thấp nhất trong các phim Việt ra rạp gần đây. Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho mức doanh thu thấp “kỷ lục” này như kinh phí đầu tư ít ỏi, thể loại phim cổ trang vốn khó làm và kén người xem, phim không được chiếu tại rạp vào khung giờ “vàng”… Song dù với nguyên nhân nào thì rõ ràng, bộ phim “Huyền sử vua Đinh” nói riêng và phim cổ trang Việt nói chung chưa tạo được sức hấp dẫn đối với khán giả.

Theo các chuyên gia điện ảnh, phim cổ trang có thể tạm chia thành các kiểu là lịch sử (bám sát chính sử), dã sử (mượn nhân vật, thời đại lịch sử để khai triển góc nhìn của tác giả, có thể thêm thắt nhân vật mới) và hư cấu hoàn toàn. Thực tế thời gian qua, với cả ba dạng này, chưa có nhiều phim cổ trang Việt Nam có doanh thu cao, thu hút được khán giả. Cụ thể, nếu tính từ năm 2010 đến nay, số lượng phim cổ trang được coi là thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có thể kể đến một số bộ phim tiêu biểu như “Đêm hội Long Trì” (1989), “Thiên mệnh anh hùng” (2012), “Long thành cầm giả ca” (2010), “Tây Sơn hào kiệt” (2010), “Khát vọng Thăng Long” (2010)…

 Một cảnh trong phim “Tây Sơn hào kiệt”. Ảnh chụp màn hình

Trong đó, bộ phim “Tây Sơn hào kiệt” có thể coi là một lát cắt lịch sử, nội dung phim tái hiện giai đoạn Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc với khẩu dụ “phò Lê diệt Trịnh”, kết duyên cùng công chúa Ngọc Hân và lập nên chiến tích lẫy lừng đánh tan 20 vạn quân Thanh. Bộ phim này thu được thành công trên cơ sở sự chuẩn bị công phu, đầy đủ của đoàn làm phim với sự tham gia của 200 võ sư (vovinam, võ cổ truyền), 50 con voi ở Buôn Đôn, 38 tuấn mã từ trường đua, may 2.000 bộ trang phục cho bốn sắc lính, đúc 10 cây súng thần công và cảnh quay đông nhất có trên 3.000 diễn viên...

Còn bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” nội dung xoay quanh thảm án Lệ Chi Viên được đánh giá là có bối cảnh phù hợp, cốt truyện mạch lạc nhờ dựa theo tiểu thuyết “Bức huyết thư” của nhà văn Bùi Anh Tấn. Bên cạnh sự thành công về chuyên môn, “Thiên mệnh anh hùng” cũng mang tính giải trí cao và đã thành công trong việc thu hút khán giả, đồng thời đánh dấu sự hiện đại, đột phá hơn của phim cổ trang Việt về công nghệ, kỹ xảo. Minh chứng là bộ phim đã được trao giải Cánh Diều Vàng 2012.

Tuy nhiên, đáng buồn là điện ảnh Việt Nam chưa có được nhiều bộ phim cổ trang như Tây Sơn hào kiệt” hay “Thiên mệnh anh hùng”. Nói cách khác, phim cổ trang Việt chưa tạo được sức hút đối với công chúng.

Khách quan nhìn nhận, việc thực hiện một dự án cổ trang hiện đang gặp rất nhiều khó khăn: Thiếu phim trường; thiếu kinh phí; thiếu kịch bản có chất lượng; số lượng phục trang khổng lồ cho cả tuyến chính và tuyến phụ; kỹ xảo hậu kỳ phức tạp; tâm lý kỳ vọng lớn từ phía khán giả; thiếu dàn diễn viên có kinh nghiễm diễn xuất phù hợp với loại hình phim cổ trang… Nhiều đạo diễn cho rằng, với phim cổ trang, công việc khó khăn nhất của người đạo diễn là lựa chọn kịch bản phim và diễn viên. Nếu thất bại một trong hai yếu tố đó thì chắc chắn phim sẽ khó thành công. Phim cổ trang thường gắn với các chi tiết lịch sử, các giai đoạn lịch sử nên các vấn đề như bối cảnh phim trường, phục trang diễn viên… cũng có những yêu cầu riêng. Bên cạnh đó, phim cổ trang Việt từ trước tới nay vẫn hay bị đem ra so sánh với các phim cổ trang của nhiều nước trong khu vực. Nếu một bộ phim cổ trang không được như kỳ vọng của số đông khán giả thì rất dễ gây ra nhiều tranh luận đến từ các nhà sử học cũng như cộng đồng yêu phim, thậm chí tạo hiệu ứng tiêu cực trong dư luận xã hội.

 “Thiên mệnh anh hùng”, một trong số ít bộ phim cổ trang tạo được tiếng vang trong dư luận. Ảnh chụp màn hình. 

Ở góc nhìn khác, lịch sử hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc ta chính là những tư liệu phong phú cho các nhà làm phim cổ trang. Để khai thác có hiệu quả nguồn sử liệu đó hướng vào tạo sức hấp dẫn cho phim cổ trang Việt, các chuyên gia cho rằng, vấn đề đầu tiên đặt ra là phải nâng cao chất lượng đội ngũ các nhà biên kịch và chất lượng kịch bản phim cổ trang. Bởi với phim cổ trang, kịch bản chính là yếu tố quan trọng đầu tiên để tạo lên một bộ phim giàu sức hấp dẫn. Trong xây dựng kịch bản phim cổ trang, cần nghiên cứu kỹ các yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội liên quan đến bộ phim.

Bên cạnh đó, cần coi trọng việc đào tạo chuyên sâu về diễn xuất cho đội ngũ diễn viên phim cổ trang. Mọi thông điệp, giá trị của một tác phẩm điện ảnh đều được chuyển tải thông qua quá trình diễn xuất của đội ngũ diễn viên. Từng cử chỉ, điệu bộ, lời nói… của người diễn viên khi nhập vai vào phim cổ trang phải phù hợp với bối cảnh lịch sử, tâm lý xã hội mà bộ phim phản ánh. Vì vậy, diễn viên phim cổ trang cần chuyên nghiệp hơn trong làm nghề, tìm hiểu và đầu tư công sức, kỹ năng diễn xuất; không ngừng học tập, bổ sung trình độ chuyên môn, vốn sống, kiến thức lịch sử, văn hóa… để có thể chuyển tải tối đa nội dung kịch bản phim cổ trang đến với đông đảo công chúng.

Ở góc độ quản lý, cần sớm đầu tư xây dựng những phim trường đặc thù phục vụ cho việc sản xuất phim cổ trang; quan tâm đầu tư cho các dự án sản xuất phim cổ trang… Đồng thời, cần có những giải pháp đồng bộ để giải “bài toán” về trang phục cho nhân vật phim cổ trang theo hướng xã hội hóa các nguồn lực. Coi trọng việc phát huy vai trò của các nghiên cứu lịch sử, chuyên gia văn hóa trong phục chế những bộ trang phục cổ bảo đảm trang phục của nhân vật phim cổ trang gần đúng nhất với thực tế lịch sử, xã hội.

Đối với khán giả, cần dần loại bỏ những định kiến “cố hữu” về phim cổ trang. Đó là thói quen xem những bộ phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc… là “quy chuẩn” để đối chiếu, so sánh, đánh giá các bộ phim cổ trang Việt. Trong khi phim cổ trang Việt và phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc còn những khoảng cách quá lớn về chất lượng kịch bản, nguồn lực đầu tư, tính chuyên nghiệp của diễn viên, kỹ thuật hậu kỳ… Khán giả nên thể hiện tình yêu đối với phim cổ trang Việt thông qua những ý nghĩa đóng góp mang tính xây dựng về các mặt của bộ phim thay vì chạy theo tâm lý số đông với những ý kiến tiêu cực trên các nền tảng xã hội.

Cùng với sự vận động, phát triển của xã hội, thái độ tâm huyết của nhà sản xuất, ý thức trách nhiệm của các nhà biên kịch và đội ngũ diễn viên, cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, sẽ là cơ sở để chúng ta có thêm những bộ phim cổ trang hay và chất lượng, tiếp tục tăng sức hút đối với khán giả, góp phần vào sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực