Đền Mẫu Đông Cuông cách thành phố Yên Bái 50 km về phía Tây Bắc, toạ lạc bên dòng sông Hồng, thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông (Văn Yên - Yên Bái).
Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt, có vị trí quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng ngàn.
Ngôi đền tọa lạc ở thế “Tán phong tụ thuỷ”, bao quanh phía bên phải đền có đoạn sông tạo hình bán nguyệt, nơi đây, dòng sông Hồng hiền hoà chảy qua, phía xa xa là những triền núi trùng điệp tạo nên vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình. Phía trước cửa ngôi đền có cây đa hơn 800 năm tuổi tỏa bóng xuống ngôi đền cổ kính như gợi lên sắc màu thời gian của miền đất thiêng Đông Cuông.
|
Đền Mẫu Đông Cuông, nơi hội tụ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt (Ảnh: Thế Lượng) |
Theo sử sách và những câu chuyện kể được lưu truyền trong dân gian, Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn vốn là Công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh Và Mỵ Nương. Công chúa La Bình là một cô gái xinh đẹp, nết na, chăm chỉ lao động và sống hòa đồng với cỏ cây, con người. La Bình luôn theo cha đi cai quản các miền rừng núi, sông suối miền thượng ngàn, chiêm ngưỡng núi rừng xanh tươi bạt ngàn với bao hoa thơm trái ngọt. Dừng chân ở nơi nào, Công chúa La Bình cũng dạy người dân trồng lúa, trồng cây trái và lập sơn trang, nhà cửa. Sau này, khi Sơn Tinh và Mỵ Nương về trời, hóa vào cõi bất tử thì công chúa La Bình được phong là Công chúa Thượng ngàn, đảm nhiệm việc cai quản miền rừng núi.
Đền Mẫu Đông Cuông còn là nơi hương hỏa và ghi ơn công đức của các vị thủ lĩnh người dân tộc thiểu số địa phương có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng... Kiến trúc của đền Mẫu Đông Cuông mang đậm nét cổ kính gắn với không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Quần thể đền Mẫu Đông Cuông gồm các ngôi đền được bài trí hài hoà như đền Mẫu, miếu Cô, miếu Cậu, tòa sơn trang, miếu thần linh và miếu Đức Ông...
Đền được xây dựng theo kết cấu hình chữ đinh gồm hai phần là toà đại bái và cung cấm. Toà đại bái là không gian để du khách thập phương đến chiêm bái, cúng lễ và cũng là nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn. Ngôi đền hiện còn lưu giữ và thờ tự bức tượng Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn, tượng cao quan Đại Vương người Tày Khao (người địa phương gọi là Quan Hoàng Báo) và nhiều pho tượng cổ cùng các cổ vật quý. Năm 2009, đền được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
|
Không gian thờ Mẫu tại đền Mẫu Đông Cuông (Ảnh: Thế Lượng) |
Lễ hội đền Mẫu Đông Cuông được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm với nhiều nghi thức cổ truyền. Đặc biệt, lễ hội có sự tham gia của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Văn Yên nên mang đến một sắc màu độc đáo, đa dạng. Mở đầu là lễ mổ trâu tế Mẫu, đây là nghi lễ chính thức được duy trì từ bao đời nay ở Đông Cuông. Sau đó là lễ rước tượng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn sang sông. Mỗi năm chỉ tổ chức rước Mẫu sang sông một lần để thắp hương cúng tế tướng quân Hà Đặc tại miếu Ghềnh Ngai phía tả ngạn sông Hồng. Sau khi thắp hương xong, tượng Mẫu được rước về đền để làm lễ dâng hương Mẫu. Phần hội của lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức với nhiều hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian như ném còn, hát then, hát cọi, đấu vật, kéo co, hát chèo, múa xoè... thu hút hàng ngàn người dân và du khách thập phương tham gia.
Đặc biệt, đền Mẫu Đông Cuông là không gian hội tụ và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng Ngàn nói riêng của người Việt từ bao đời nay. Dừng chân ở đền Đông Cuông, du khách sẽ cảm nhận được sắc màu và những thanh âm độc đáo của nghi lễ chầu văn, hầu đồng do các nghệ nhân, các thanh đồng thể hiện. Từ ngôi đền cổ kính Đông Cuông, tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn có sự lan toả không chỉ ở các ngôi đền vùng Tây Bắc mà còn ở nhiều ngôi đền vùng đồng bằng, trung du miền Bắc, miền Trung. Tại các ngôi đền, Mẫu Thượng ngàn được phối thờ trang trọng, linh thiêng, thể hiện sự tri ân, biết ơn của người dân đất Việt đối với người Mẹ được huyền thoại hoá. Từ đó, tín ngưỡng thờ Mẫu đã đi vào đời sống của người Việt một cách tự nhiên, mang những giá trị nhân văn cao đẹp.
|
Hằng năm, đền Mẫu Đông Cuông thu hút hàng ngàn du khách đến chiêm bái (Ảnh: Thế Lượng) |
Mới đây, ngày 16/01/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi danh Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Lễ công bố Quyết định chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đền Đông Cuông” và khai mạc Lễ hội Đền Đông Cuông năm 2023 diễn ra ngày 1- 2/2/2023 (tức 11-12 tháng Giêng Quý Mão). Đây là dịp để du khách thập phương đến chiêm bái và trải nghiệm không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn của người Việt.
Trong bài phát biểu khai mạc Lễ công bố Quyết định ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn khẳng định: "Đền Đông Cuông từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng; một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng vùng Tây Bắc. Đền là nơi thờ chính Mẫu Thượng Ngàn - Mẫu Đệ Nhị trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; thờ Thần Vệ Quốc và các vị anh hùng dân tộc hi sinh trong các cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm"./.