Di sản Cố đô Huế, trao truyền và hội tụ

Thứ bảy, 17/06/2023 23:00
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Với việc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới và 10 năm sau đó, là Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam đã mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới...

Tối 17/6, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế, 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới và chương trình nghệ thuật với chủ đề "Di sản cố đô Huế, trao truyền và hội tụ".

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương; Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Miki Nozawa…

Đồng chí  Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch lớn của đất nước - là điểm hội tụ tinh hoa văn hoá của dân tộc Việt Nam, chứa đựng trong lòng một kho tàng di sản văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng. 

Cách đây 30 năm, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới; 10 năm sau, Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam tiếp tục được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

 Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ.

Lịch sử vùng đất Cố đô Huế đã tạo ra những di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu, song do sự tàn phá ác liệt của chiến tranh, của thiên tai và thời gian đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. 

Năm 1981, sau khi nghiên cứu và khảo sát Quần thể di sản Huế, ông M'Bow - Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ đã ra Lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế. Từ quan điểm chỉ đạo của Trung ương về văn hóa và sau lời kêu gọi của Tổng Giám đốc UNESCO, là khoảng thời gian chứng kiến sự chuyển biến tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn Di sản Huế; đã có hàng trăm công trình di tích được phục hồi, trùng tu tôn tạo, trong đó có nhiều công trình có giá trị tiêu biểu. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả.

 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi lễ.
 Bộ mặt Di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt, giúp Thừa Thiên Huế trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có 2 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh.  

Để định hướng, nâng cao tầm vóc, vị thế cho Di sản Huế phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 48-KL/TW năm 2009, Kết luận số 175- KL/TW năm 2014 và Nghị quyết 54-NQ/TW năm 2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó đã nhấn mạnh đến việc đầu tư cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản và xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch của đất nước và khu vực; khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Di sản Huế đối với sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và tỉnh; đặc biệt là vai trò nền tảng để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Cùng với đó, Trung ương cũng đã hết sức quan tâm, kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Huế một cách toàn diện cả vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường và mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, chương trình kỷ niệm năm nay là dịp để nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện về công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng đất Cố đô Huế. 

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022 cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. 
 Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Thừa Thiên Huế đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại, phản ánh sâu sắc một giai đoạn lịch sử văn hóa quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Di sản Huế hòa quyện trong sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Huế đã thể hiện rõ tầm vóc, giá trị, trở thành động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kế thừa và tiếp nối những thành quả to lớn và rất đáng tự hào đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong phát triển Thừa Thiên Huế. Quán triệt Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, phát triển văn hóa và con người Huế nói riêng, đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Cố đô Huế. 

Dịp này, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022 cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế./.

Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực