|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo Diễn đàn |
Sáng 26/11, tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), với chủ đề: “Công nghiệp văn hóa, Du lịch và Phát triển địa phương”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức diễn đàn toàn quốc “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì diễn đàn. Dự và phát biểu tại Diễn đàn có đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cùng dự Diễn đàn có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành và đại diện Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch 63 tỉnh, thành trong cả nước; đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học tỏng và ngoài nước…
Theo Ban tổ chức, diễn đàn đối thoại phát triển địa phương là diễn đàn thường niên, là kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật những thành tựu và khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương và hợp tác liên kết vùng, vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn tới năm 2045.
Thông qua diễn đàn nhằm tạo kết nối giữa Trung ương và địa phương, chia sẻ hoạch định chính sách của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp hàng đầu, chuyên gia, nhà nghiên cứu cao cấp, các tổ chức phát triển quốc tế; tạo ra các động lực mới cho phát triển địa phương theo Chiến lược quốc gia, giúp kích hoạt tiềm năng, khai thông điểm nghẽn, đẩy mạnh những đột phá cho phát triển địa phương; chia sẻ sáng kiến địa phương phục vụ tăng trưởng nhanh và bền vững.
Riêng diễn đàn năm 2022 lần này, đại diện lãnh đạo từ các tỉnh, thành phố trogn cả nước và các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ thảo luận vấn đề và giải phát phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch gắn với phát triển địa phương.
Phát biểu đề dẫn và chỉ đạo diễn đàn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 đã thể hiện nổi bật quan điểm nhất quán, xuyên suốt: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam là động lực quan trọng góp phần hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
|
Các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Theo đồng chí, trong nền kinh tế thị trường, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực biểu hiện tập trung của mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa; thể hiện là một ngành công nghiệp văn hoá và hệ sinh thái văn hoá, tạo giá trị gia tăng trong hưởng thụ của người dân, sự tích hợp về đời sống vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của các tầng lớp Nhân dân. Phát triển lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng giúp chuyển hoá nguồn tài nguyên mềm văn hoá thành những sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lan tỏa sức mạnh mềm, di sản và đặc trưng văn hoá của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế và quốc gia; làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, thực sự trở thành một trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định: Các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác, nhưng lại là ngành có nhiều dư địa phát triển, có thể phát triển nhanh, nhất là khi nước ta đã bước qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, gia tăng tầng lớp trung lưu, tạo ra nhu cầu thị trường lớn đối với các sản phẩm văn hóa, giải trí và du lịch. Tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá tại các địa phương trong cả nước là hết sức to lớn, nhất là khi phát triển công nghiệp văn hoá gắn với phát triển du lịch và nhiều ngành dịch vụ kết nối; và càng trở nên to lớn hơn khi sự phát triển này đã và đang được dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, theo đồng chí, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết; dư địa về mặt cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, còn nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí chưa có; sự phát triển vẫn chậm, chưa đều, chưa thật sự bền vững và đồng bộ tại các địa phương. “Có một thực tế là, một số tỉnh có những di sản văn hoá - thiên nhiên quý giá, những di tích lịch sử cách mạng, lại vẫn chỉ là những tỉnh nghèo trong cả nước, khoảng cách phát triển với những tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp đang ngày càng doãng ra”- đồng chí Nguyễn Xuân Thắng lưu ý và yêu cầu: Từ thực tiễn phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá và du lịch của các địa phương, có ba vấn đề quan trọng cần được Diễn đàn lần này chia sẻ, thảo luận.
Trước hết là vấn đề xử lý hài hoà mối quan hệ giữa giữ gìn, bảo tồn và phát huy, phát triển. Chúng ta đều nhận thức rõ rằng, để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá một cách bền vững, cần bảo đảm giá trị tinh thần, mục tiêu nhân văn của văn hóa đồng thời phải đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi và thích ứng với quy luật cạnh tranh khắc nghiệt của kinh tế thị trường; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hoá phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế trong quá trình phát triển. Do vậy, các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải xuất phát từ thực tiễn, tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của địa phương. Sẽ có những địa phương xây dựng chiến lược phát triển dựa chủ yếu vào nguồn lực văn hoá; cũng sẽ có những địa phương mà văn hoá chỉ là một trong những trụ cột của cấu trúc phát triển; và càng không thể có một chính sách phát triển công nghiệp văn hoá như nhau ở các địa phương khác nhau. Tất nhiên, chính sách phát triển công nghiệp văn hoá phải được đặt trong mối quan hệ đồng bộ, hài hoà với các chương trình, kế hoạch phát triển các lĩnh vực khác và đặt trong sự phát triển và quy hoạch tổng thể của vùng và quốc gia.
“Một vấn đề đặt ra hiện nay là cần bảo đảm “tính đúng, tính đủ” các giá trị văn hoá, cả những giá trị vô hình và hữu hình, trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phải nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của các thành tựu về phát triển văn hoá có tính hiệu ứng và cộng hưởng trong các thành tựu phát triển của các địa phương. Cần coi đây là một cách tiếp cận mới mà ở tầm vĩ mô phải xác định trong việc xây dựng các chiến lược phát triển địa phương toàn diện trên tất cả các trụ cột: kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường, để các địa phương nhận thức rõ trọng trách, sự ưu tiên, đồng thời không để các địa phương cảm thấy bị thua thiệt, nhất là trong thu ngân sách hàng năm khi thực thi trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các di sản thiên nhiên, giá trị văn hoá bền vững của quốc gia”- đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai là tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định: Mang bản chất là những ngành sáng tạo, cần ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hoá và công nghiệp văn hoá để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; chú trọng đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng số…góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia, các di sản văn hóa và khai phá tiềm năng du lịch văn hoá của các địa phương.
Đồng chí cho biết: Có một quan niệm dường đã không còn phù hợp trong bối cảnh mới, đó là phát triển văn hoá cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng thu tiền về thì rất ít. Bằng việc nhận thức rõ tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp văn hoá trong nền kinh tế thị trường, chúng ta cũng sẽ thấy, đầu tư vào lĩnh vực văn hoá là chính là đầu tư phát triển; đây không phải là lĩnh vực chỉ "tiêu tiền", mà là lĩnh vực có thể chưa mang lại hiệu quả kinh tế trong ngắn hạn song lại mang về nhiều tiền và nguồn thu ngân sách đáng kể cho địa phương trong dài hạn.
Cần dựa cả vào nguồn lực của nhà nước và nguồn lực của xã hội, trong đó, nguồn lực đầu tư từ thị trường là quan trọng nhất, để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Đối với các nguồn lực của nhà nước, cần thực sự đổi mới nội dung, phương thức đầu tư phát triển văn hóa, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, đầu tư cho có, kéo dài và kém hiệu quả cũng như tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý lĩnh vực này. Các địa phương cần phân bổ nguồn lực hợp lý cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa; đặc biệt chú ý đến các quy hoạch, bố trí quỹ đất cho phát triển văn hoá, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn…Phân định rõ những lĩnh vực văn hóa cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và những lĩnh vực có thể xã hội hoá, nhất là các lĩnh vực có thể huy động nguồn lực đầu tư trên thị trường hoặc các lĩnh vực có thể thực hiện theo mô hình hợp tác công – tư.
Vấn đề thứ ba là phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa. “Các ngành công nghiệp, dịch vụ văn hoá rất đa dạng, có thể kể đến như: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa...Cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực chủ chốt, có thế mạnh trên phạm vi quốc gia cũng như ở từng địa phương. Cần có đột phá thật sự, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các ngành ưu tiên”- đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định.
|
Các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Đồng thời, đồng chí lưu ý, lĩnh vực du lịch, nhất là du lịch văn hóa - một trong những loại hình du lịch hấp dẫn và phổ biến nhất, gắn liền với việc xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch và những loại hình du lịch đa dạng như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, hội nghị, hội thảo, trải nghiệm...Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, du lịch được coi là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Phát triển lĩnh vực du lịch góp phần đạt được ba mục tiêu ưu tiên của các địa phương, đó là: tạo ra thu nhập, việc làm và thu ngân sách. Các dự án du lịch có vai trò quan trọng nhằm giảm sự chênh lệch về kỹ năng, tăng cường khả năng tiếp cận các kỹ năng và tạo cơ hội việc làm cho các nhóm yếu thế, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, nhất là trong điều kiện hạ tầng kết nối, bao gồm cả kết nối số, phát triển mạnh mẽ.
“Chúng ta đều biết, văn hóa ngày càng là một yếu tố quan trọng của sản phẩm du lịch, tạo nên sự khác biệt có sức hấp dẫn lớn nhờ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách và trải nghiệm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng và ẩm thực. Du lịch cũng là phương thức giúp khách quốc tế và trong nước khám phá văn hóa đa dạng theo vùng miền và theo bề dày lịch sử của một quốc gia, qua đó có được những trải nghiệm tuyệt vời và sâu đậm. Theo chiều ngược lại, du lịch góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thương hiệu quốc gia và lan toả tầm ảnh hưởng của nền văn hóa dân tộc, đồng thời, thúc đẩy văn hóa phát triển thông qua việc tạo thu nhập có thể hỗ trợ và tái đầu tư cho các công trình, di sản văn hóa, tạo ra các sản phẩm văn hóa mới”- đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ và nhấn mạnh thêm: Chúng ta đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã thảo luận và đi đến thống nhất cần xây dựng, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá. Để khai thác lợi thế và tiềm năng to lớn của mình, trong giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, định hướng đưa du lịch, trong đó có du lịch văn hoá, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Tại Diễn đàn này, với sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ các thông tin, các bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo và các kiến nghị giải pháp chính sách trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch trở thành những động lực ngày càng quan trọng cho sự phát triển của các địa phương, các vùng, miền và cả nước”- đồng chí Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương yêu cầu.
Trên cơ sở những định hướng trên, tại Diễn đàn, các đai biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông tin chuyên đề Công nghiệp văn hoá, du lịch và phát triển địa phương. Trong đó đồng chí khẳng định thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển du lịch gắn với phát triển địa phương. Trong số đó đáng chú ý là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với Nghị quyết này, Luật Du lịch 2017 cũng là văn bản hết sức quan trọng, góp phần để du lịch phát triển gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và khai thác lợi thế từng địa phương cũng như tăng cường liên kết vùng (Điều 4).
Ngoài 02 văn bản trên, Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đang là các văn bản chỉ đạo để phát triển ngành kinh tế công nghiệp du lịch đất nước hiện nay và trong những năm sắp tới.
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu còn nghe 02 ý kiến của chuyên gia đến từ GS.TS Joana Woronkowicz, Đại học Indiana Hoa Kỳ về chủ đề “Phát triển kinh tế và các công trình văn hoá” và GS.TS Julia Gamster, Đại học RMIT với chủ đề “Văn hoá và du lịch: Thách thức về sáng tạo”.
Cạnh đó, Diễn đàn cũng thảo luận bàn tròn với chủ đề “Kinh nghiệm một số địa phương”, đồng thời thảo luận mở về nội dung liên quan đến chủ đề của Diễn đàn lần này và giải pháp để gắn kết, phát triển địa phương./.