Đồng chí Phan Xuân Thủy thăm khu di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam

Chủ nhật, 23/07/2023 15:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2023), ngày 23/7, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã thăm Khu di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tại xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Hình ảnh tại Khu di tích Nhà bia kỷ niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. 

Cùng đi có các đồng chí: Phạm Thanh Cẩm, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ; Nguyễn Huy Ngọc, Phó Vụ trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Công Dẫn, Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Cơ quan thường trực khu vực miền Nam; các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh.  

Tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III, ngày 23/11/1961) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay thế Xứ ủy Nam Bộ, do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư và đồng chí Võ Chí Công, Phan Văn Đáng (Hai Văn) làm Phó Bí thư. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương Cục miền Nam, họp tại Mã Đà, căn cứ chiến khu Đ (Đồng Nai) đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam hoạt động vừa công khai, vừa bí mật trong lòng địch để theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng, dư luận trên chiến trường miền Nam và tham mưu, đề xuất với Trung ương Cục miền Nam về chủ trương, đường lối đấu tranh chính trị, ngoại giao trong cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chỉ có khoảng 150 người quy tụ chủ yếu cán bộ ở lại chiến trường sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Căn cứ yêu cầu phát triển công tác tuyên truyền vận động chính trị trong giai đoạn mới, ngày 30/1/1965 Thường vụ Trung ương Cục ra quyết định củng cố, mở rộng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục với các bộ phận Tuyên (Tuyên truyền huấn học), Văn (văn hóa, văn nghệ), Giáo (giáo dục), Báo (báo, đài phát thanh, thông tấn xã) và Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam.

Kể từ khi thành lập, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Tổ quốc giao phó trong mọi tình huống ác liệt của cuộc chiến tranh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vừa công tác, vừa chiến đấu, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục có 548 liệt sĩ, 353 thương binh, hàng trăm chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ và Anh hùng LLVT nhân dân. Nhiều cán bộ chuyên viên, nhà giáo, cán bộ khoa học kỹ thuật cấp cao và văn nghệ sĩ nổi tiếng được tặng các phần thưởng cao quý. Ba cơ quan thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục là Thông tấn xã Giải phóng, Nhà in Trần Phú, Điện ảnh Giải phóng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Tháng 1/2015, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí lãnh đạo các Vụ, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh thăm Khu di tích. 

Từ năm 2000, ngày 1/8 hằng năm được Bộ Chính trị công nhận là Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Đến năm 2007, Ban Bí thư đã quyết định ngày 1/8 là ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

Trải qua 93 năm, ngành Tuyên giáo đã đổi qua nhiều tên gọi, nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hoá, khoa giáo vẫn luôn thống nhất và xuyên suốt, góp phần xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng, nền tảng chính trị của chế độ, tinh thần của xã hội; động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng mọi kẻ thù hung bạo, giữ vững bờ cõi thiêng liêng, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Công trình di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là nơi lưu giữ và thể hiện truyền thống, đạo lý, nghĩa cử cao đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là “cầu nối” liên kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, thể hiện tấm lòng, trách nhiệm của những người con Việt Nam hôm nay với các liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân…/.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực