Giáo dục thế hệ trẻ từ giá trị và ý nghĩa của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Thứ năm, 12/12/2024 20:03
(ĐCSVN) - Các biểu tượng văn hóa - lịch sử, như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, không chỉ là những minh chứng hùng hồn cho lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn là nguồn cảm hứng bất tận, thôi thúc thế hệ trẻ quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.
 Với những hình ảnh và hiện vật được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng đã tái hiện lại cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. (Ảnh: Bảo Tàng CTCT)

Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn chính trị như hiện nay, việc khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cùng ý chí quyết tâm giữ vững hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là yêu cầu bức thiết đặt lên hàng đầu trong nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình, độc lập của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trong đó, việc giữ gìn và phát huy giá trị, ý nghĩa của các biểu tượng văn hóa - lịch sử trên phạm vi cả nước nói chung và ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Biểu tượng “Bào tàng Chứng tích chiến tranh” là một trong số các biểu tượng văn hóa - lịch sử đó.

Với những hình ảnh và hiện vật được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng đã tái hiện lại cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng những ký ức đau thương và mất mát mà kẻ thù đã gây ra cho dân tộc Việt Nam ta mà nạn nhân là người già, phụ nữ và trẻ em vô tội. Tất cả cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh, sự tàn phá kinh hoàng của những thứ “vũ khí” hủy diệt hàng loạt và nhiều đời mà con người tạo ra, trong đó phải kể đến chất độc màu da cam dioxin, đồng thời cũng ghi lại tinh thần và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất và khát khao mãnh liệt về độc lập tự do của nhân dân Việt Nam.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn là “địa chỉ đỏ” về giáo dục giá trị của hòa bình, phản đối chiến tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc. Bảo tàng được xem như trường học ngoại khóa lý tưởng dành cho thế hệ trẻ, đoàn viên thanh niên trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ và giữ gìn hòa bình, độc lập, khắc phục hậu quả chiến tranh, khát vọng vươn lên xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới, là cầu nối lịch sử giữa các thế hệ cha anh đi trước cùng sự tiếp bước của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Nội dung trưng bày của bảo tàng không chỉ nói lên sự phi nhân đạo của chiến tranh, tội ác của các thế lực xâm lược đã gây ra tại Việt Nam mà còn thể hiện những chứng tích chiến tranh chống xâm lược - chứng tích hòa bình. Qua đó, khơi gợi những giá trị hòa bình, kêu gọi gìn giữ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh tái diễn. Với mục đích và ý nghĩa đó, trong quá trình hoạt động và phát triển, bảo tàng đã mang trên vai một sứ mệnh mới - sứ mệnh đấu tranh vì hòa bình.

Bảo tàng hiện được trưng bày theo từng chuyên đề, mỗi chuyên đề như kể một câu chuyện thực về những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược ở Miền nam Việt Nam... Nhiều năm qua bảo tàng còn phối hợp tổ chức các buổi giao lưu giữa nhân chứng chiến tranh như cựu chiến binh, cựu tù chính trị, nạn nhân chất độc da cam... với khách tham quan. Hoạt động này đã góp phần thay đổi cách tuyên truyền, giáo dục truyền thống theo kiểu một chiều sang hình thức trải nghiệm - đối thoại - hành động và đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ và lan tỏa giá trị, ý nghĩa lịch sử - văn hóa cho đông đảo du khách trong, ngoài nước và người dân.

Cùng với các đợt triển lãm, Bảo tàng còn phối hợp tổ chức các buổi giao lưu giữa nhân chứng chiến tranh như cựu chiến binh, cựu tù chính trị, nạn nhân chất độc da cam... với khách tham quan. (Ảnh: bảo tàng CTCT)

Rất nhiều sinh viên, học sinh các trường đại học, trung học các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc… đã đến tham quan bảo tàng và gặp gỡ những cựu chiến binh, cựu tù chính trị, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam Việt Nam để lắng nghe những câu chuyện thật về cuộc đời của họ. Từ đó, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ quyết tâm hành động để bảo vệ hòa bình, để giúp đỡ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.

Những hoạt động trưng bày, giao lưu đã và đang góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, giúp họ tự giác phấn đấu vì một Việt Nam cường thịnh.

"Không để bảo tàng chỉ như là một nơi khơi gợi lại quá khứ đau thương hay thúc đẩy lòng thù nghịch, mà có thể cùng "ngồi lại" hi vọng, hàn gắn để những thảm kịch chiến tranh không còn xảy ra trong một thế giới đối thoại hơn đối đầu như hiện nay và mai sau. Mỗi câu chuyện trưng bày từ hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại bảo tàng là một trong những cách tiếp cận, truyền đạt thông tin và gửi đi thông điệp về hòa bình một cách mạnh mẽ nhất đến công chúng. Đó là những ký ức, những mảnh ghép của lịch sử, của cộng đồng và của cả một dân tộc trong quá trình đấu tranh giành và giữ vững hòa bình". Vì vậy tại bảo tàng cũng đã diễn ra nhiều cuộc hội ngộ đầy nước mắt giữa những cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh các nước tham chiến khác - những người vốn là kẻ thù của nhau, nay có thể bắt tay nhau, ôm nhau khóc, rồi hát tặng nhau nghe và trở thành bạn bè.

Để thay cho lời kết xin viết lên đây những dòng lưu bút lắng đọng biết bao tâm tư tình cảm được du khách bốn phương trong đó có cả những nguyên thủ quốc gia, cựu tướng sĩ - những người đã từng tham gia trận chiến từ 2 đầu chiến tuyến ghi lại trong những cuốn sổ vàng tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh, điều đó càng minh chứng rõ hơn về giá trị và ý nghĩa lịch sử - văn hóa to lớn mà Bảo tàng đã làm được trong thời gian qua. Tất cả đều thể hiện sự xúc động khôn nguôi trước những đau thương, mất mát quá lớn không gì bù đắp được trong chiến tranh của nhân dân Việt Nam, đồng thời kêu gọi ủng hộ hòa bình, chấm dứt xung đột và chiến tranh, mong muốn một thế giới yên bình, hòa hợp và không có chiến tranh ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này: 

"Chúng tôi đánh giá cao công trình xây dựng bảo tàng tội ác chiến tranh này. Là một người Mỹ, tôi thực sự kinh hãi về những hình ảnh trưng bày tại đây. Cảm ơn sự tha thứ của các bạn. Chúc các bạn mọi sự tốt lành trong công cuộc xây dựng lại đất nước và hi vọng rằng, chúng tôi được tham gia cùng các bạn trong việc khắc phục những hậu quả chiến tranh mà đất nước chúng tôi đã gây ra" - Du khách người Mỹ, Pat Patterson cho biết cảm nghĩ của mình khi tham quan bảo tàng.

"Đây là lần thứ ba tôi đến bảo tàng này và lần nào tham quan tôi cũng rơi nước mắt. Thật sự rất buồn khi hình dung về những gì đã xảy ra ở Việt Nam. Tôi hi vọng và cầu nguyện sẽ không còn chiến tranh và xung đột nữa ở bất cứ nơi nào trên thế giới chúng ta. Hãy cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp toàn cầu"- Du khách người Philippines A.T. Cariquitan cho biết.

"Tôi biết đến chiến tranh qua lời kể của ngoại và những bài giảng của thầy cô. Nhưng hôm nay có lẽ là lần đầu tiên tôi cảm nhận được nhiều hơn thế những gì đã xảy ra. Chiến tranh đã qua đi, giờ đây nước nhà đã độc lập, non sông đã thanh bình. Nhưng… ở đâu đó, ở bên ngoài vẫn còn nhiều lắm, nhiều lắm những nỗi đau. Và tôi, một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên khi nước nhà đã bình yên có lẽ sẽ chẳng bao giờ hình dung được hết những gì đã xảy ra, những nỗi đau ấy…Nhưng hôm nay, bằng tất cả lòng biết ơn, sự kính trọng của thế hệ sau, xin gửi lời cảm ơn, lời tri ân sâu sắc đến thế hệ cha anh - những người đã hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh cuộc đời để đổi lấy ĐỘC LẬP, TỰ DO cho dân tộc" - Du khách Hoài Nhung, Vũ Thư Hoàng.

"Điều quan trọng mà tôi nhận thấy được là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và tất cả những nội dung trưng bày ở đây không chỉ nói về quá khứ, mà còn về hiện tại và tương lai. Chính ý thức trách nhiệm, sự hiểu biết và lòng nhân đạo của chúng ta có thể làm thay đổi và đẩy lùi được những tội ác khủng khiếp chống lại con người trên toàn thế giới." - Du khách người Pháp Alessandre.

"Đó là một sự việc đáng buồn, một tội ác quốc tế tột cùng diễn ra ở Việt Nam. Cả thế giới cần phải ủng hộ Việt Nam. Chúng tôi – người dân Ethiopia – đặc biệt là cư dân thành phố Mekelle sẽ luôn ở bên cạnh các bạn. Tôi cũng khâm phục cách thức các bạn lưu giữ lịch sử. Nơi đây là một nơi để học tập, để nhớ về những ngày tháng đau buồn trong quá khứ dù rằng hiện nay đất nước các bạn đã hòa bình, ổn định…" Daniel Assefa – Thị trưởng thành phố Mekelle, Ethiopia, 2016.

“Tôi đã từng tham gia cuộc chiến đấu để giải phóng dân tộc, nhưng chưa thấy hết những tội ác của đế quốc Mỹ. Bảo tàng đã có công sưu tầm, giới thiệu những hình ảnh, hiện vật để giúp cho thế hệ trẻ, giúp cho mọi người trong nước và nước ngoài hiểu được thực chất sự tàn bạo của chiến tranh, sự hung ác của những tên đầu sỏ Mỹ-Ngụy, những hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân ta. Chiến tranh đã qua đi, nhưng âm mưu của các thế lực vẫn còn đó. Hãy cảnh giác và kiên quyết bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được. Đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.”- Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy TP HCM - 23/7/2001./..

 

 

 

 

ThS. Đặng Thị Bích Phượng - Học viện Chính trị khu vực II

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực