Hớn Quản tự hào quá khứ, vững bước tương lai

Thứ tư, 02/11/2022 21:07
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Niềm tự hào về những chiến công oanh liệt trong kháng chiến luôn là động lực mạnh mẽ để cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyết tâm xây dựng Hớn Quản trở thành một huyện giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico được kỳ vọng tạo điểm nhấn thu hút đầu tư của huyện Hớn Quản trong thời gian tới. (Ảnh: ĐVCC) 

Đoàn kết để phát triển.

Cách đây 13 năm Huyện Hớn Quản được tái lập vào ngày 11/8/2009 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ trên cơ sở thành lập Thị xã Bình Long và đổi tên phần diện tích còn lại từ huyện Bình Long.

Những ngày đầu mới được tái lập, Hớn Quản phải đối diện với không ít khó khăn, thử thách do cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn; một bộ phận cán bộ, công chức chưa đồng đều, còn ít kinh nghiệm, năng lực thực tiễn; đời sống của một bộ phận người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Trước những thách thức đó, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đã ra sức phấn đấu, hăng say lao động, thực hiện có hiệu quả từng Nghị quyết đúng đắn mà Đảng bộ huyện nhà đã đề ra trong hơn 2 nhiệm kỳ qua. Nhờ đó mà từ vùng đất bom cày, đạn xới năm xưa, nay đã được “thay da, đổi thịt” bằng những công trình dân sinh, khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp sản xuất và cả những rừng cao su, vườn cây ăn trái bạt ngàn, hứa hẹn về sự đủ đầy cho cuộc sống của người dân trong tương lai không xa.

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, những người con trên quê hương Hớn Quản đã trân quý từng phút, giây, từng hơi thở cuộc sống để nỗ lực, phấn đấu, từng ngày, để có được những hoa thơm, trái ngọt. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển biến rõ rệt trong các ngành, lĩnh vực; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ngày càng tăng; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 55 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản ước đạt 2.120 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ngày càng tăng cao, ước đạt 705 tỷ đồng; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ ước thực hiện đạt 1.005 tỷ đồng. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm triển khai thực hiện, tạo điều kiện thông thoáng, thu hút đầu tư. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,08%; có 7/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm còn 0,88%. Hoạt động văn hóa – xã hội đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Cho biết về quá trình xây dựng, phát triển của huyện, đồng chí Quách Thị Ánh, Bí thư Huyện ủy Hớn Quản, tỉnh Bình Phước chia sẻ: Những ngày đầu tái lập, cơ sở hạ tầng của huyện không đồng bộ, thiếu thốn; đời sống, thu nhập của người dân còn rất thấp, thu ngân sách không đáng kể; trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu. Thế nhưng, trải qua hơn 13 năm tái lập, đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch rất mạnh mẽ. Tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống dưới 50%, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm trên 50%. Thu ngân sách của huyện 9 tháng năm 2022 đạt 504,345 tỷ đồng tỷ đồng. Đặc biệt, thu nhập bình quân đến nay đạt 66 triệu đồng/người/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2022 là 9/13 xã, thị trấn. 2 xã đạt Nông thôn mới Nâng cao; số tiêu chí bình quân xã đạt 18,06/19 tiêu chí.

Khu trung tâm hành chính huyện Hớn Quản. (Ảnh: ĐVCC) 

Để tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế - xã hội phát triển, mang tới sự thuận lợi trong sinh hoạt, học tập, lao động, sản xuất của người dân, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện đã triển khai quy hoạch các dự án khu dân cư, công trình công cộng phù hợp tình hình thực tế và kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện hiện có 03 khu công nghiệp với quy mô gần 1.000 ha; trong đó: Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico (655ha) và Khu Công nghiệp Việt Kiều (104ha) đã đi vào hoạt động; Khu công nghiệp Tân Khai II (160ha) đang trong qua trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, có 03 cụm công nghiệp được quy hoạch với quy mô 220ha. Tiếp tục để hình thành các cụm chế biến nông sản, sản xuất thực phẩm, sản phẩm công nghiệp và hàng tiêu dùng. Trong đó, huyện đã áp dụng nhiều chính sách thu hút ưu đãi, đảm bảo doanh nghiệp đến đầu tư, hoạt động trên địa bàn đều ổn định và phát triển. Đến nay, địa bàn huyện có hơn 400 doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề: chế biến gỗ, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản.

Huyện Hớn Quản có 24 hợp tác xã, 34 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Huyện đang hỗ trợ tích cực về mọi mặt để xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm như: gạo An Khương; dưa lưới, cây có múi hữu cơ Tân Khai; bưởi da xanh hữu cơ Tân Hiệp... nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước còn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, trong đó ưu tiên tập trung phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình phục vụ sản xuất và xã hội như: giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế… tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của người dân.

Tự tin “cất cánh”

 Đồng chí Quách Thị Ánh, Bí thư Huyện ủy Hớn Quản tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh Hùng Phạm Thị Ba, xã Thanh An. (Ảnh: ĐVCC)

Cho biết về những thành tựu trong thời gian qua và định hướng phát triển trong tương lai, đồng chí Bí thư Huyện ủy xúc động nói: Hớn Quản là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện Hớn Quản đã đồng sức đồng lòng theo Đảng, theo cách mạng, hợp sức đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho quê hương, cho dân tộc. Niềm tự hào về những chiến công oanh liệt trong kháng chiến luôn là động lực mạnh mẽ để cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyết tâm xây dựng Hớn Quản trở thành một huyện giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những thành quả đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hớn Quản đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong hơn hai nhiệm kỳ qua là kết quả của tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng, sự thống nhất cao giữa ý Đảng, lòng Dân và kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng tạo nên.

Hòa chung sự chuyển động của tỉnh Bình Phước, lãnh đạo huyện Hớn Quản luôn coi thành công của doanh nghiệp, sự phát triển, ấm no, hạnh phúc của Nhân Dân là thước đo hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp.

Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XII đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng huyện Hớn Quản đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045 cơ bản trở thành huyện có ngành nông nghiệp, công nghiệp phát triển theo chiều sâu trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.

Hớn Quản cam kết luôn đồng hành, luôn lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến hợp tác, phát triển với cam kết thực hiện phương châm: 2 nhanh 3 tốt của tỉnh (giải phóng mặt bằng nhanh, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh và chính sách tốt, hạ tầng tốt, tình cảm tốt).

Những công trình phúc lợi xã hội, khu công nghiệp, khu dân cư đang đua nhau mọc lên trên vùng đất cách mạng Hớn Quản hôm nay, cùng với đó là sự phát triển của các loại cây trồng chủ lực, hứa hẹn đưa kinh tế công - nông nghiệp của địa phương phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được quan tâm, chú trọng đầu tư hướng đến phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp... Điều đó càng nhân lên niềm hạnh phúc và tự hào để Hớn Quản tự tin "cất cánh"./.

Trang Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực