Hưng Yên – kế thừa, phát huy sức mạnh truyền thống

Thứ ba, 18/07/2023 12:21
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hưng Yên vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng với địa danh phố Hiến. Từ nền tảng giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, người dân Hưng Yên đang từng ngày phát triển, xây dựng quê hương xứng danh với câu thơ “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

 Từ những dấu son lịch sử

Theo dòng lịch sử, vào thế kỷ 16, 17, Phố Hiến nằm trên vùng đất thành phố Hưng Yên ngày nay. Nơi đây từng là một thương cảng nổi tiếng có các hoạt động giao thương sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất Đàng Ngoài. Dấu tích thời hoàng kim còn in dấu đậm nét trên các công trình kiến trúc cổ, trong tập quán, nếp sống của cộng đồng dân cư nơi đây. Thành phố đang bảo tồn 182 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Trong đó có 01 Khu di tích Quốc gia đặc biệt, 20 di tích xếp hạng quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh; gần 100 bia ký và hàng ngàn cổ vật có giá trị lịch sử, văn hoá.

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có trên 1.200 di tích các loại trong đó có 165 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp quốc gia, 214 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể như: hoành phi, câu đối, khánh thờ, sắc phong, hương án, long trụ, quy - hạc… Bên cạnh giá trị về lịch sử, văn hóa còn lưu giữ các giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật của Việt Nam trong nhiều giai đoạn lịch sử.

Với bề dày vùng văn hóa sông Hồng, địa phương còn lưu giữ trên 400 lễ hội, trong có nhiều lễ hội in đậm sắc thái nền văn minh lúa nước như: Lễ hội cầu mưa, lễ rước nước, kéo co…; Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung - một lễ hội tình yêu độc đáo bậc nhất cả nước. Tỉnh còn gìn giữ được hát ca trù, loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; hát trống quân tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

 9 nhịp cầu đá làng Nôm, một điểm nhấn độc đáo trong quần thể di sản văn hóa ở tỉnh Hưng Yên

Đặc biệt là quần thể các di tích lịch sử đang lưu giữ tại tỉnh Hưng Yên phản ánh tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc như: “Đầm Nhất Dạ”, vào thế kỷ thứ 6 Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) đã dùng làm căn cứ đấu tranh đánh đuổi giặc Lương; cửa Hàm Tử (xã Hàm Tử) - dấu ấn cuộc đấu tranh chống quân Nguyên Mông giành thắng lợi vẻ vang năm 1285, triều Trần; Bãi Sậy (xã Tân Dân) về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo từ năm 1885 - 1892, một trong những cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỉ 19 chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp.

Lịch sử hình thành và phát triển lâu đời để lại cho Hưng Yên một tài sản lịch sử, văn hoá vô giá và cả dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa gắn với câu chuyện tình “Chử Đồng Tử - Tiên Dung”. Đây là những tài nguyên nhân văn đang được Tỉnh khai thác để phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá của ngành công nghiệp không khói.

Đến tận dụng, phát triển quê hương

Trải qua thời gian, những người con Hưng Yên trên quê hương giàu truyền thống ấy đã chung tay, góp sức phát triển mảnh đất của ông cha mình. Các giá trị lễ hội truyền thống được phục dựng, lưu giữ như một số pho tượng có từ thế kỷ XIX, các tấm bia với các niên đại: Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) và Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Trước sân chùa còn hai tấm bia đá cổ đặc biệt quý hiếm, lưu trữ nhiều tư liệu lịch sử phản ánh quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến xưa. Đây cũng là nơi còn lưu dấu cây nhãn Tổ (có từ thế kỷ 16) xum xuê cành lá và cho quả mỗi năm.

Ở vùng đất này, giống nhãn lồng tiến vua được biết đến từ thế kỷ thứ XVI vẫn được người dân lưu truyền như một báu vật của quê hương. Trong cuốn Phủ biên tạp lục năm 1776, nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết về trái nhãn lồng Hưng Yên “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.

Từ xa xưa đến nay, dòng sông Hồng, sông Luộc hàng năm bồi đắp cho Hưng Yên lượng phù sa màu mỡ, kết tinh nên hương vị ngọt thơm cho trái nhãn lồng níu chân du khách mỗi mùa nhãn chín. Người dân xứ nhãn lồng luôn tự hào về loại sản vật quý này, không chỉ thơm ngon nức tiếng mà nhãn lồng Hưng Yên còn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, để đến với các thị trường trong, ngoài nước. 

 Nhãn lồng - một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hưng Yên

Không chỉ có nhãn lồng nức tiếng, những năm gần đây, cam Hưng Yên đang được người tiêu dùng trong nước biết đến. Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có tổng diện tích trồng cam gần 2.000 ha. Trong đó có hơn 1.000 ha đang được trồng theo quy trình VietGap và tập trung trồng nhiều ở các xã: Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), Tam Đa (Phù Cừ), Đồng Thanh (Kim Động), Đông Tảo (Khoái Châu) và một số xã của huyện Văn Giang. Tháng 5/2020, sản phẩm cam Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.

Hưng Yên nổi danh với nhiều làng nghề thủ công, theo thống kê Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh có 58 làng nghề và làng có nghề; 37 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận (8/37 làng nghề là làng nghề truyền thống). Các làng nghề hoạt động theo từng nhóm nghề khác nhau như: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (18 làng); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (4 làng), sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ (23 làng)... Một số làng nghề truyền thống tiêu biểu như: làng nghề truyền thống đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm; Làng nghề hoa, cây cảnh Xuân Quan, huyện Văn Giang; làng nghề mộc Thụy Lân xã Thanh Long...

Trong số những làng nghề cổ truyền của Hưng Yên nổi bật là nghề làm hương xạ thôn Cao. Ghé thăm thôn Cao vào những ngày nắng, mỗi người như được hòa mình vào một không gian thanh bình của một làng quê Bắc Bộ. Trên mỗi con đường, ngõ nhỏ trong làng, mùi thơm phảng phất của những nén hương chính là dấu ấn đặc trưng của thôn Cao trong mắt bạn bè, du khách phương xa. Từ 8h sáng, thời điểm một ngày mới bắt đầu là người người, nhà nhà mang những nén hương trải đều khắp mặt sân trong làng để hương hấp thụ ánh nắng, tinh hoa của đất trời.

Qua lời kể của các cụ lão niên trong làng, nghề làm hương ở làng bắt đầu hình thành vào khoảng thế kỷ 18, bà Đào Thị Khương, người con gái tài sắc của làng xa xứ lấy chồng đã học được nghề làm hương xạ. Sau này, bà truyền nghề lại cho dân làng, từ đó các thế hệ người dân làng Cao tiếp nối nghề cổ truyền, đến nay cũng gần 300 năm.

Ghi nhớ công ơn của bà, nhân dân thôn Cao lấy ngày 22/8 âm lịch làm ngày giỗ cụ Tổ nghề, hằng năm vào ngày giỗ Tổ nghề dân làng tề tựu tại nhà thờ để thắp nén hương tưởng nhớ bậc tiền nhân có công lao mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Nghề cổ truyền không chỉ giúp dân thôn cao làm giàu ngay trên quê hương mình một cách bền vững mà còn góp phần cho bức tranh văn hoá truyền thống của tỉnh Hưng Yên thêm đa dạng và lung linh sắc màu. 

Sản xuất hương vòng tại thôn Cao, thành phố Hưng Yên

Theo tìm hiểu, thôn Cao hiện có trên 100 hộ làm nghề, với trên 500 lao động thường xuyên. Số lao động làm việc tại làng nghề vào dịp Tết cổ truyền khoảng 1000 – 1200 lao động. Thu nhập của người lao động đạt khoảng 4 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đầu người của thôn hiện nay đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm.

Để việc sản xuất, tiêu thụ hương được hiệu quả, làng đã thành lập Hiệp hội làng nghề thôn Cao với 89 hộ làm nghề sản xuất hương trong thôn tham gia. Thông qua nhiều hoạt động như giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh thương mại. Sản phẩm hương xạ làng Cao đã có mặt tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm hương của thôn. Từ đó thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề.

Về Hưng Yên hôm nay, du khách sẽ bất ngờ trước sự thay da đổi thịt và tốc độ phát triển mạnh mẽ của một vùng đất yên bình, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa./.

Bài, ảnh: Dương Trì

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực