|
Rừng cọ trập trùng ở vùng quê Phú Thọ. |
Cây cọ từ ngàn xưa đến nay là biểu tượng thiêng liêng cho vùng đất và con người Phú Thọ, nơi lưu giữ những nét văn hoá cổ truyền thời đại Hùng Vương. Cây cọ gắn bó sâu nặng với mảnh đất, con người nơi đây qua những đồi cọ trập trùng xanh ngút ngàn, qua những ngôi nhà lợp lá cọ bình yên bên triền núi, qua những chiếc nón làng nón Sai Nga đội đầu, qua chiếc quạt cọ của ông, chiếc chổi cọ của bà và nắm cơm gói lá cọ đậm sâu trong kí ức tuổi thơ một thời.
Ngày nay, một số địa phương trong tỉnh Phú Thọ còn lưu giữ đồi cọ như Thanh Sơn, Hạ Hoà, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Ba…Những đồi cọ lá xanh xoè tán rộng, búp cọ non tựa thanh kiếm tua tủa hướng thẳng lên nền trời xanh. Bóng cọ xoè lấp loáng soi bóng dòng sông Thao hiền hoà đã trở thành điểm tựa trong nỗi nhớ làng, nỗi nhớ quê hương đất Tổ của những người con xa xứ.
Trong cuộc sống của người dân thôn quê Phú Thọ, dù thời gian có trôi đi, dù cuộc sống có hiện đại, đổi thay như thế nào thì vào độ tháng 10, tháng 11 âm lịch hằng năm, người dân không quên dư vị của cọ ỏm như nhắc nhớ về một món ăn từ bao đời của quê hương mình.
|
Quả cọ tươi được bày bán tại chợ phiên. |
Mùa cọ về, những buồng cọ chi chít quả, căng mọng, vỏ nhẵn bóng, tím bầm trên ngọn cọ cao vút, buông mình xuống khoảng không sâu thẳm. Mùa cọ chín, có những loài chim vốn thích ăn cọ kéo nhau về từng bầy ríu rít hoà vào những thanh âm xạc xào của lá cọ.
Như đoán biết được cọ sẽ ỏm được vào thời điểm nào, người dân trong các làng quê vùng đất Tổ rủ nhau lên đồi, lên núi hái cọ. Phải lặn lội lên tận đồi cao, tìm những cây cọ cao vút, nhiều lá và quả cọ đã chín bầm mới hái được.
Người trồng cọ vùng trung du đã có kinh nghiệm từ lâu đời, họ tìm chọn những cây cọ để lưu lá từ năm này sang năm khác, lá sâm, dày, thân cây già thì quả mới ngon. Trước khi hái cả buồng, người ta thử hái xuống một vài quả nếm thử xem cùi có dày, có vàng và có vị béo không thì mới quyết định hái, còn nếu không sẽ tìm cây khác ngon hơn.
Người dân trong các thôn làng còn có bí quyết riêng khi hái cọ. Họ tìm bằng được những buồng cọ có sâu ăn quả, theo họ, như thế cọ mới béo. Công việc hái cọ gian nan lắm, vì thân cây tua tủa những gai nên người dân phải dùng những chiếc thang, chiếc đừng làm bằng thân cây tre để leo lên gần đến ngọn cọ rồi mới dùng móc rung cho quả cọ rơi xuống. Quả cọ thân cứng nên khi rơi xuống đất chỉ bị xước vỏ ngoài.
Cọ hái về, trước khi ỏm, người dân Phú Thọ có cách làm bong vỏ lụa đen bên ngoài. Cọ cho vào rổ tre, bẻ thêm một vài nắm que tre, que nứa chừng một ngón tay cho lẫn vào rổ cọ sau đó xóc liên hồi, lẹm sắc của tre nứa sẽ lia vào quả cọ làm cho vỏ bong ra rất nhanh và đều.
Khâu ỏm cọ khá kỳ công vì nếu không biết công thức ỏm cọ sẽ trơ cứng, chát đắng, không ăn nước. Muốn có mẻ cọ ỏm ngon, nước đun sôi đến độ lăn tăn, khi những bọt nước từ đáy nồi sôi lên là được, sau đó đổ cọ vào, đậy kín vung chừng 20-25 phút là cọ chín mềm.
|
Cọ ỏm là đặc sản ở vùng đất Tổ. |
Mở nồi cọ ỏm, nếu là cọ ngon, nước ỏm loang loáng mỡ vàng từ quả cọ, nhìn hấp dẫn hơn cả nồi nước dùng của phở. Quả cọ vàng ruộm từ trong lõi ra ngoài, cùi cọ dày. Khi ăn, cọ ỏm mềm, béo ngậy, nếu chấm với muối vừng, muối lạc thì càng tăng độ bùi của cọ. Cọ ỏm ăn đến no vẫn không chán. Ngày xưa, bọn trẻ còn lấy hạt cọ, đập bỏ vỏ cứng, bên trong trắng tựa như cùi dừa ăn vừa béo vừa giòn.
Vào mùa cọ, những bà mẹ quê vùng trung du còn chế biến món dưa cọ để dùng trong bữa ăn hằng ngày. Quả cọ hái về, xóc bỏ vỏ ngoài, ngâm qua nước lã chừng một tiếng sau đó cho vào xóc đều với muối hạt và cho vào chum. Chừng 2-3 ngày, cọ ngấm muối, chua dần là có thể ăn được. Dưa cọ ăn cứng hơn cọ ỏm nhưng vẫn có vị béo, bùi, thêm vị chua nhẹ, rất hợp khi ăn với cơm và cá kho.
Mỗi khi mùa cọ về trên khắp làng quê vùng đất Tổ dậy lên dư vị cọ ỏm từ thuở nào. Chiều về, phiên chợ bên gốc đa làng, mấy bà cụ lại khệ nệ bưng thúng cọ ỏm ngồi bán. Người đi chợ, nhất là chị em phụ nữ xúm xít quanh thúng cọ ỏm đang nghi ngút khói thơm nức. Họ nếm thử trái cọ đầu mùa, họ mua cọ ỏm sẵn về cho cả nhà thưởng thức. Cọ bán theo cân, theo bát tuỳ theo người bán.
Cứ ngỡ thuở xưa, quả cọ ỏm chỉ dành cho người dân nghèo nơi thôn quê, dành cho bữa cơm quê đạm bạc thế mà ngày nay, quả cọ ỏm đối với mọi người dân, đã trở thành một đặc sản không hề dễ kiếm được. Nếu ai chưa biết ăn cọ, thử dù chỉ một lần là nghiện và tìm mua khi đến mùa.
Người dân ở thành phố, thị trấn khi đã biết ăn quả cọ thì mong đến mùa cọ, tìm mua bằng được túi cọ ỏm về ăn cho đỡ thoả cơn thèm, cho đỡ nhớ. Người dân quê dù đi đâu, vào mùa cọ, vẫn nhắn gửi người nhà gửi lên cho ít cọ ỏm để ăn cho đỡ nhớ đồng quê.
Chẳng thế mà, vào mùa cọ, người ta vào tận trong các làng để tìm mua quả ngay tại vườn cọ, đồi cọ với số lượng nhiều để mang ra phố thị bán. Quả cọ dân dã, chân quê thế mà có giá lắm. Một kg quả cọ tươi có giá từ 35-40 ngàn đồng, cọ ỏm sẵn có giá từ 60-70 ngàn đồng/kg. Đấy là phải tìm, phải hẹn mới mua được chứ không sẵn như các thức quà khác.
Tán cọ xoè trong nỗi nhớ làng. Quả cọ đã đi vào nỗi nhớ, trở thành kí ức tuổi thơ xa xăm, đằm ngọt của những ai sinh ra và lớn lên ở vùng quê trung du thanh bình, yên ả. Cái dư vị bùi bùi của quả cọ ỏm gợi nhắc con người nhớ về đồng quê, nhớ về nguồn cội và tìm lại chính mình giữa thao thức miền nhớ thương...