Mỗi độ thu về, chúng ta lại được sống trong cảm xúc về những mùa thị yêu thương. Ảnh: TN
Thị là loại hoa trái quen thuộc với người Việt, xuất hiện nhiều ở những vùng quê thôn dã. Mùa thị thường bắt đầu khoảng cuối mùa hè, thời điểm tiết trời bỗng trở nên dịu mát để chuyển sang thu.
Mỗi năm mùa thị đến, là trong mỗi chúng ta như tìm được những cung bậc cảm xúc khác lạ trong những thứ tưởng chừng rất đỗi thân quen.
Ở mọi lứa tuổi, ai ai cũng chứa chất trong mình những kí ức riêng, nhất là kí ức về những ngày thơ bé đầy cảm xúc. Và năm nay, mùa thị lại chín, chẳng cần nếm cần ăn, nhưng quả thị vẫn mê hoặc lòng người đến lạ thường bằng những cảm xúc ấy.
Mùa thị luôn gợi cho ta về một ngày xưa, thời lũ trẻ con quen ra đầu ngõ hóng mẹ đi chợ về để ăn quà. Những tháng ngày khốn khó, nhưng mẹ luôn dành chút tiền mua quà cho con. Quà là chiếc kẹo vừng, chiếc bánh đa, và về mùa thu không thể thiếu những quả thị vàng rọi, thơm nức mà mẹ trảy trong vườn. Hay mỗi lần về thăm ngoại, bà thường trảy sẵn rất nhiều thị ủ vào trong thúng, chờ gửi cho mấy đứa cháu háu ăn khi về chơi như món quà quê dân dã, thay cho những món quà phải tốn tiền.
Ở nước ta, thị có hai dạng quả, gồm dạng hình tròn và hình dẹt. Khi chín thị sẽ có màu vàng óng rực rỡ, mọng nước và tỏa hương thơm ngát. Hương thơm của thị là thứ hương thơm tự nhiên rất đặc trưng, nên đi vào bất cứ nhà ai có thị chín trong nhà là biết ngay.
Vừa mới hôm nào, cây thị trong vườn với những quả thị tròn tròn màu xanh biếc, phải nhìn kỹ mới thấy. Thế mà khi tiết trời sang thu, ta lại thấy điểm vàng trên những vòm lá xanh, những quả thị lấp ló ẩn hiện, khoe sắc vàng ươm như nắng thu. Đó là nét đặc trưng cho mỗi miền quê.
Nếu lớn lên ở những vùng thôn quê, không ai mà không biết đến quả thị, không nhớ đến câu vè quen thuộc “Thị ơi, thị rụng bị bà/Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”…gắn với truyện cổ tích Tấm Cám.
Mùa thị về làm chúng ta nhớ lắm, tuổi thơ của những đứa trẻ lam lũ thôn quê, cứ mùa thu là rồng rắn nhau “họp” dưới gốc thị chờ thị rụng. Thỉnh thoảng lại có tiếng “lộp bộp”, trên nền đất là những trái thị chín đã bị vỡ nát do bị rơi từ trên cành cao, lũ con trai tinh nghịch thì cười rộn khoái trí, bọn con gái hiền lành thì xuýt xoa nuối tiếc...
Nhìn những quả thị chín mọng, tròn căng, phúng phính như má em bé được bố mẹ xếp đẹp mắt trong những cái giỏ, cái đĩa, khi áp má vào lớp vỏ quả mịn màng, mát rượi, hít hà mãi thứ hương thơm ngòn ngọt, khi ăn vào sẽ cảm nhận được vị thơm thanh khiết gợi ra biết bao cảm xúc.
Ngẫm lại, ở nước mình mùa hè tuy nóng nực, nhưng bù lại thiên nhiên lại ban tặng cho rất nhiều loài hoa trái thơm ngon. Nào là mít, là ổi, là chuối, là na, đu đủ…nhưng thích nhất là trong tay lũ trẻ chúng tôi thời ấy là những quả thị, bởi nó luôn giúp bọn trẻ liên tưởng đến cô Tấm thảo hiền được nghe cô kể trong chuyện cổ tích.
Khi khôn lớn, mỗi lần về thăm quê vào dịp cuối hè, mùi thị chín như vẫn cứ thoang thoảng bên tôi, gợi lại cho tôi một tuổi thơ êm đềm. Cây thị trong vườn vẫn còn đó như một nhân chứng của thời niên thiếu đẹp tươi.
Mùa thị giúp chúng ta hồi ức về những người bà, như bà tiên hiền hậu nhất mực bao dung yêu thương con cháu, cùng cô Tấm thảo hiền hiện ra trong chuyện cổ tích…tựa như một lời thơ học thuở vỡ lòng:
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện,
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên,
Thấy chú bé đi hài bảy dặm,
Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền
(Nói với em – Vũ Quần Phương)
Một mùa thu nữa lại sắp về, mùa của tuổi thơ, mùa của tiếng cười, mỗi chúng ta lại được sống trong cảm xúc, hoài niệm ngập tràn, trong đó có cảm xúc về những mùa thị yêu thương!