Anh hùng Uông Xuân Lý trò chuyện với các bạn trẻ Hà Tĩnh về
truyền thống lịch sử yêu nước của thế hệ đi trước. Ảnh: Minh Thùy
Sau khi tốt nghiệp khóa học đầu tiên của Trường Kỹ thuật cơ giới Hòa Bình do Liên Xô tài trợ, chàng trai trẻ Uông Xuân Lý lên máy ủi lăn lộn với các công trình trọng điểm lúc bấy giờ, như: Đường số 6 Điện Biên đi Tây Trang; sân bay quân sự Đa Phúc; đập Đại Lải, đường tránh từ Công trình Thủy điện Thác Bà đi Đoan Hùng (Phú Thọ); Km 0 đường Hồ Chí Minh ở Tân Kỳ, Nghệ An...
Đầu năm 1967, ông được Bộ Giao thông tăng cường về lực lượng thi công cơ giới của tỉnh Hà Tĩnh. Ông được giao nhiệm vụ Tổ trưởng lái máy ủi tại trọng điểm ngã ba Đồng Lộc, ban đêm thì san lấp hố bom, đảm bảo ATGT trên các tuyến đường hoặc thi công mở các tuyến đường tránh, ban ngày thì đào tạo cho 12 học viên học việc mới.
Nửa đầu tháng 6/1968, đế quốc Mỹ bất ngờ thay đổi quy luật đánh phá Đồng Lộc: Từ đánh phá sáng sớm đến khoảng 15h thì dừng, sang đánh liên tục cả ngày lẫn đêm. Ngày thì dội bom nát đường, tối thì thả bom từ trường, bom nổ chậm “đón lõng” xe và quân ta. Chiều tối 13/6/1968, Mỹ thả một loạt bom nổ chậm, bom từ trường xuống phía Bắc cầu Tối. Lực lượng công binh đã huy động toàn bộ lực lượng, tập trung rà phá nhưng vẫn còn 2 quả gần nhau nằm chính giữa quốc lộ 15. Đúng lúc này, đơn vị nhận được tin: Có một đoàn xe của Bộ Quốc phòng tăng cường cho chiến trường miền Nam. Hiện, đoàn xe đã vào tới Đức Thọ, Hà Tĩnh, có 3 xe bị trúng bom.
Lệnh của Ban Đảm bảo Giao thông tỉnh đặt ra cho các đơn vị trên tuyến là bằng mọi giá, mọi cách, dù hi sinh đến đâu cũng phải thông đường trong đêm cho đoàn xe đi qua. Tuy nhiên, quả bom chui xuống đất, không xác định được bom từ trường hay bom nổ chậm. Thời gian rất gấp gáp, các chiến sĩ công binh vẫn chưa có phương án khả thi. Tất cả đều hiểu rằng, nếu đoàn xe không qua được Đồng Lộc trong đêm nay, ngày mai sẽ là tiêu điểm bắn phá của địch, hi sinh và tổn thất không kể hết.
Sau khi khảo sát thực tế và hội ý các đơn vị, tổ lái xe ủi đề xuất phương án “cảm tử”: Dùng xe ủi, ủi 2 quả bom ra khỏi mặt đường. “Lúc ấy đã hơn 20h, dưới ánh sao lờ mờ và ánh pháo sáng, anh em trong tổ đều xung phong nhận nhiệm vụ về mình. Nhưng là tổ trưởng, được đào tạo bài bản và đang là thanh niên, có chết cũng ít vướng bận gia đình nên tôi quyết định nhận nhiệm vụ về mình. Trước khi tôi lên xe, hơn 20 anh em quần áo chỉnh tề, đứng nghiêm làm lễ “truy điệu” tôi và nức nở khóc” - ông Lý xúc động nhớ lại.
Với kinh nghiệm và những kiến thức được trang bị, sau hơn 1 giờ, máy xúc do ông Uông Xuân Lý điều khiển đã đưa hai quả bom ra vị trí an toàn trong tiếng reo mừng và những vòng tay ôm chặt của đồng đội, trả lại con đường cho đoàn xe vận tải 100 chiếc chở hàng hoá, vũ khí vào Nam.
Những ngày tháng ác liệt giữa "tọa độ lửa" ngã ba Đồng Lộc, chàng thanh niên Uông Xuân Lý còn rất nhiều lần dành lấy hiểm nguy về mình, nhường sự an toàn cho đồng đội. Tổ trưởng Uông Xuân Lý đã xung phong thực hiện nhiều nhiệm vụ hiểm nguy và trở thành biểu tượng sáng ngời cho thế hệ trẻ, góp phần làm nên Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử.
Với những thành tích, cống hiến của ông trong những năm tháng chiến đấu ở ngã ba Đồng Lộc, năm 2010, ông Uông Xuân Lý được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau 50 năm, ký ức Đồng Lộc trong ông không chỉ là những chiến công, mà ở đó còn cả những đau đớn khi nhiều lần phải dùng máy gạt để tìm kiếm thi thể đồng đội và những lần đối mặt với cái chết...
Chia tay người anh hùng, chúng tôi đến Khu lưu niệm Ngã ba Đồng Lộc. Những ngày này, dưới chân tượng đài 10 cô gái Ngã ba Đồng lộc nghi ngút khói hương, tím biếc một màu hoa mua. Từng đoàn người lặng lẽ, kính cẩn dâng lên nhưng giỏ hoa trắng muốt, những nén tâm hương tưởng nhớ những người con đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc./.