Nghệ nhân ưu tú Hà Văn Thuấn biểu diễn hát Then. Ảnh: Quang Đán/TTXVN
Then là loại hình diễn xướng tổng hợp tiêu biểu và đặc sắc nhất của người Tày gồm: ca, nhạc múa và diễn trò. Theo quan niệm của người Tày, Then được hiểu là Thiên (trời), xuất hiện hầu hết trong các nghi lễ của người Tày. Vì vậy, Then không chỉ dừng lại là một loại hình diễn xướng thông thường mà Then còn có sự gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng.
Là người tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về Then, nghệ nhân Hà Thuấn, thôn Tân Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã sưu tầm biên dịch, sáng tác, biểu diễn hàng trăm bài Then cổ, Then mới. Bên cạnh đó, nghệ nhân Hà Thuấn còn mở hàng trăm lớp truyền dạy Then miễn phí tại nhà, tham gia hàng trăm buổi giảng dạy tại một số trường học trên địa bàn tỉnh. Học trò của ông chính là những người yêu Then, mê Then không phân biệt tuổi tác, dân tộc, có người từ nước ngoài cũng tìm đến ông để học đàn, học hát Then.
Nghệ nhân Hà Thuấn tâm niệm: Chính thế hệ trẻ mới là người truyền lửa cho Then, giúp Then phát triển. Vì vậy trong quá trình dạy hát, dạy đàn, nghệ nhân Hà Thuấn còn khuyến khích học trò sáng tác. Trong thời gian tới, khi Then được công nhận là di sản của nhân loại, chắc chắn sẽ còn nhiều người hứng thú với câu hát “Ới la” và còn có người say mê Then, say mê văn hóa Tày và nghệ nhân Hà Thuấn sẽ còn tiếp tục truyền dạy loại hình nghệ thuật này đến thế hệ trẻ.
Chia tay mảnh đất Tân An, chúng tôi về thành phố Tuyên Quang, gặp tác giả của công trình “Then cổ Tuyên Quang” dày gần 1.000 trang giới thiệu và dịch nghĩa toàn bộ 81 cung Then cổ của Tuyên Quang, đó là nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang.
Hơn ba mươi năm nghiên cứu về Then là hơn ba mươi năm, ông Đức lặn lội đi đến nhà những thầy Then để tìm hiểu và học hỏi. Kết quả của những chuyến đi ấy là những công trình nghiên cứu về Then rất giá trị. Công trình “Then cổ Tuyên Quang” là công trình giới thiệu Then cổ duy nhất của Tuyên Quang và cũng là tuyển tập về Then cổ duy nhất ở nước ta.
Ngoài công trình về Then cổ, ông Đức còn tham gia viết ba chuyên đề nghiên cứu về Then trong Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ông giới thiệu: Đề tài gồm 6 chuyên đề, trong đó ông Đức phụ trách 3 chuyên đề: Khái quát chung về di sản Then của dân tộc Tày; Bảo tồn không gian nghệ thuật đạo cụ di sản Then; Bảo tồn một số cung Then cổ, một số làn điệu Then cổ. Để hoàn thành mỗi chuyên đề, ngoài việc tham khảo các tài liệu văn hóa Tày, ông còn tìm đến nhiều địa phương, mắt thấy tai nghe, thậm chí ăn ở cùng đồng bào, trực tiếp xem những nghi lễ của Then.
Ông Ma Văn Đức chia sẻ: "Với Then, nếu mình không đam mê, không say, thì không theo được. Mình say mê rồi lại tìm cách chia sẻ, giới thiệu để mọi người hiểu và cùng bảo tồn".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, là địa phương được giao nhiệm vụ làm đầu mối cùng một số tỉnh thành phối hợp với Viện Âm nhạc Quốc gia lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Then là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, các cấp ngành của tỉnh đã không ngừng nỗ lực bảo tồn, đưa điệu Then đến với cộng đồng. Đặc biệt, sự cố gắng không ngừng của các nghệ nhân đã góp phần rất lớn vào việc tạo chỗ đứng cho Then giữa đa dạng các loại hình văn hóa dân tộc. Đây chính là tiền đề để nghi lễ Then vượt qua khỏi những nếp nhà sàn, qua những ngọn núi ra với thế giới.
Hiện hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể nhân loại đã được Hội đồng thẩm định Quốc gia thẩm định và đang được biên dịch sang tiếng Anh. Dự kiến tháng 12/2017, hồ sơ này sẽ được chuyển tới UNESCO./.