Quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng với những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp

Thứ ba, 20/12/2016 08:31
(ĐCSVN) – Cách đây tròn 70 năm, ngay khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (19/12/1946), tại vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ, đã dấy lên nhiều phong trào cách mạng sôi nổi.

Phá sản kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch  

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Ngay khi lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được phát đi, cùng với thủ đô Hà Nội và cả nước, quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ.

Các chiến sĩ Vệ quốc quân Quảng Nam-Đà Nẵng phục kích đánh địch ở Hầm số 1,
đèo Hải Vân trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (Ảnh tư liệu)

Theo Địa chí Quảng Nam- Đà Nẵng (NXB Khoa học xã hội; Hà Nội 2010, tr. 942-494), ngày 19/12/1946, Bộ Chỉ huy Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng nhận được điện từ Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông báo: Ở thủ đô Hà Nội “giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy. Như vậy, chỉ trong 24 giờ là cùng, chắc chắn quân Pháp sẽ nổ súng”.

Lúc này, thế trận của quân ta bố trí quanh Đà Nẵng đã hoàn tất ở trong nội thành cũng như ở vòng ngoài và đang sẵn sàng chờ lệnh. Đêm 19/12/1946. Ủy ban Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng nhận được lệnh qua điện thoại lãnh đạo Quân khu V chuẩn bị nổ súng tiến công giặc. Một Hội nghị liên tịch đặc biệt lập tức được triệu tập tại Trung đoàn 96 ở ngã tư Yên Khê, bao gồm các đại biểu: Ban Chỉ huy Mặt trận, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ủy ban Kháng chiến. Hội nghị đã thống nhất nhận định tình hình địch, ta và xác định “Nhiệm vụ chủ yếu của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng lúc này là chiến đấu giữ chân địch, không cho chúng vượt đèo Hải Vân để liên lạc với bộ phận Pháp ở Huế, đồng thời ngăn chặn không cho chúng nhanh chóng vượt qua sông Cẩm Lệ để tiến về phía Nam”. 

Cuộc chiến đấu trong ngày đầu kháng chiến là một bức tranh hào hùng. Nhiều trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch ở khu vực Ủy ban Hành chính thành phố, Ngã Năm, Cổ viện Chàm, nhà ga Đà Nẵng, Cầu Vồng... Ngày thứ hai, địch dùng đại bác từ ngoài tàu chiến bắn vào uy hiếp và chặn đường tiếp tế của quân ta. Nhiều trận kịch chiến diễn ra ở chợ Mới, Cổ viện Chàm, nhà ga, chợ Cồn. Ngày thứ ba, địch tập trung lực lượng giải vây cho bọn lính cổ thủ tại đây.

Sau ba ngày kịch chiến căng thẳng, quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã chiến đấu oanh liệt. Qua ba ngày, nhờ số lượng đông, vũ khí mạnh, quân Pháp chiếm được nội thành, nhưng đó là một thành phố “vườn không, nhà trống”, không điện, không nước, không người. Các đường phố bị phá, ngăn chặn bằng đủ loại chướng ngại vật. Trong khi đó, để bảo toàn lực lượng, các đơn vị của quân ta rút ra khỏi trung tâm, bố trí ở vòng ngoài, chiếm giữ các điểm cao, các phòng tuyến nam sông Cẩm Lệ, Non Nước, Nghi An, Hòa Mỹ, ngã tư Thanh Khê, đèo Hải Vân... không cho địch mở đường ra Huế và đánh lan ra vùng nông thôn.

 Ông Tống Thú trò chuyện với phóng viên (Ảnh:Đình Tăng)

Sau hơn một tháng chiến đấu, quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã tiêu hao một lực lượng giặc đáng kể, giam chân chúng trong thành phố, làm phá sản kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của giặc; tạo điều kiện cho đồng bào có thời gian tản cư, ổn định đời sống, chuyển dần vào sinh hoạt thời chiến, bảo tồn được lực lượng vũ trang và các cơ quan lãnh đạo của ta.

Ngày 20/7/1954, quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng làm nên chiến thắng Bồ Bồ - trận “Điện Biên Phủ tại Quảng Nam”, góp phần chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

"Nhà nhà đánh giặc, người người đánh giặc"

Đó là tâm sự của ông Trần Đình Cầu (87 tuổi đời, 67 năm tuổi Đảng - nguyên Bí thư Huyện uỷ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) khi kể về những ngày tháng hào hùng mà ông và nhiều người ở Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ.

Ông Cầu cho biết, hồi ấy không có đài, ti vi hay báo chí như bây giờ. Để truyền lời của Bác, các cán bộ từ Quân khu, tỉnh, huyện rồi đến xã đã trực tiếp về các thôn, làng báo cáo lại. Rất đông người dân hăng hái đi dự để nghe, sau đó về truyền đạt lại cho những ai không có điều kiện đi dự được.

 Ông Trần Đình Cầu nhớ lại những ngày tháng hào hùng mà ông
và nhiều người ở Quảng Nam- Đà Nẵng đã trải qua 70 năm trước (Ảnh: Đình Tăng)

“Thấm lời Bác, mỗi người dân hồi đó đã nô nức tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đánh giặc do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể phát động. Bản thân tôi khi đó là cán bộ xã đội, kiêm Thường vụ Thanh niên xã An Hòa (huyện Duy Xuyên), một mặt đi tuyên truyền, vận động người dân, nhất là nông dân, thanh niên, phụ nữ, kể cả người già tham gia các phong trào hành động cách mạng; mặt khác trực tiếp tham gia xây dựng tổ chức như: Đội tự vệ xã, thôn hay thành lập các Hội cứu quốc, yêu nước, Hội Mẹ liệt sỹ… Qua vận động, nhân dân và thanh niên tại địa phương đã nhất tề đứng dậy tham gia các phong trào, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ làng xã. Khi ấy, mọi người cứ ai đủ điều kiện sức khoẻ thì đi kháng chiến, ai không đủ điều kiện thì ở nhà làm dân quân tự vệ, góp công, góp sức cho cách mạng” - ông Trần Đình Cầu cho biết.

Kể về những tháng ngày hăng hái tham gia các phong trào cách mạng nhằm hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, ông Tống Thú (95 tuổi, 68 năm tuổi Đảng - hiện sống tại phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nhớ lại: Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác như tiếng kèn xung trận, được truyền đạt đến đâu, khí thế sẵn sàng chiến đấu, đánh giặc giữ làng tại nhiều địa phương bừng lên đến đó.

“Thời điểm đó, tôi là Phó chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh xã Phong Ngọc, huyện Điện Bàn. Khi nhận lệnh và kế hoạch hành động từ cấp trên, tôi cùng nhiều đồng chí khác tại địa phương đã tuyền đạt cho đồng bào tổ chức tản cư, mỗi nhà chỉ giữ lại một hoặc hai người, còn lại sẵn sàng kháng chiến. Sau nhiều năm dưới ách đô hộ của Pháp, nhân dân khát khao độc lập, tự do. Vì vậy, khi Bác Hồ kêu gọi kháng chiến, nhân dân đã hăng hái tham gia. Các lực lượng vũ trang, du kích sẵn sàng chiến đấu. Mỗi xã có một trung đội du kích, các thôn đều có du kích. Quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kiên quyết không hợp tác với địch bừng lên ở khắp nơi”- ông Tống Thú kể lại.

Khi chiến sự xảy ra tại Đà Nẵng, nhân dân ai cũng đào công sự phòng ngự, tạo chướng ngại vật cản đường đánh chiếm của địch. Đặc biệt, do Điện Bàn là địa bàn giáp ranh với Đà Nẵng nên nhiều khả năng địch sẽ thường xuyên tiến công, đánh phá. Dưới sự hướng dẫn của Mặt trận Việt Minh, nhân dân đã ý thức được tính chất cam go, quyết liệt,  nhà nào cũng có hầm bí mật chuẩn bị sẵn để đón tiếp, nuôi giấu cán bộ.

“Thực tế đã diễn ra đúng như dự đoán. Thực dân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng và sau đó liên tục đưa quân càn quét vùng giáp ranh, trong đó có Điện Bàn.  Chúng cũng đã ban hành, áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm. Tuy nhiên, cán bộ ta, dưới sự đùm bọc, che chở và giúp đỡ của nhân dân đã thường xuyên tiếp cận đánh phá, không để địch được yên. Sau mỗi đêm, Ban tiếp cư từ huyện đến xã luôn tổ chức đón các đồng chí, đồng bào ta từ Đà Nẵng và các huyện ngoài Bắc tản cư vào. Và với quyết tâm đó, nên thực tế chiến trường đã diễn ra trái với tham vọng của thực dân Pháp là sớm bình định Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngược lại, quân Pháp tại đây đã bị kìm hãm, khó khăn trong việc lập tề (bộ máy hành chính của chúng), góp phần làm phá sản kế hoạch đánh nhan, thắng nhanh mà quân Pháp tham vọng".

Tinh thần chiến đấu quyết liệt ấy, khi thế  hào hùng ấy đến nay sau 70 năm vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của các đồng chí lão thành cách mạng và từng người dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp oanh liệt. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã, đang và sẽ là ngọn lửa hun đúc tinh thần yêu nước, ý thức giữ gìn, bảo vệ nền độc lập, tự do của các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực