Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách “Phát triển kinh tế số ở Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo và TS. Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ biên.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số được ban hành, nhờ đó, kinh tế số đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những kết quả rất tích cực, ở một số lĩnh vực có sự phát triển mang tính đột phá.
|
Cuốn sách “Phát triển kinh tế số ở Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo và TS. Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ biên |
Kinh tế số ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân...
Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Phát triển kinh tế số ở Việt Nam” nhằm cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho các nhà nghiên cứu, lãnh đạo, quản lý và bạn đọc quan tâm đến những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế số, phát triển kinh tế số ở nước ta hiện nay. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học các ban Đảng Trung ương, do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.
Sách gồm 3 chương: “Những vấn đề lý luận chung và kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển kinh tế số”, “Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế số của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”, “Quan điểm, giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam đến năm 2025”.
Trong chương I, nhóm tác giả đã đề cập đến Tổng quan chung về kinh tế số và phát triển kinh tế; kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển kinh tế số và giá trị tham khảo đối với Việt Nam.
Chương II: “Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế số của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” nêu quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Chương III: “Quan điểm, giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam đến năm 2025” đưa ra những nội dung thiết thực để thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam thời gian tới như: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế số; xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia; phát triển khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực; phát triển kinh tế số ở các ngành, lĩnh vực; chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội…/.