Thừa Thiên Huế: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của chùa Diệu Đế

Thứ sáu, 23/09/2022 18:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, để bảo tồn bền vững và phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử của chùa Diệu Đế cần có sự chung tay của nhiều ban, ngành cùng Giáo hội Phật giáo và bản thân nhà chùa.

Chùa Diệu Đế nằm bên đường Bạch Đằng, phường Gia Hội, thành phố Huế. Đây là nhà cũ của Phúc quốc công (ông ngoại của vua Thiệu Trị), nơi vua Thiệu Trị ra đời năm 1807. Sau khi lên ngôi (năm 1841), vua Thiệu Trị đã cho xây dựng chùa Diệu Đế (năm 1844), sắc phong chùa là Quốc tự, các sư trụ trì được triều Nguyễn bổ nhiệm.

Giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo

Khuôn viên chùa hiện nay rộng khoảng 10.000 m2. Kiến trúc đại thể quanh chùa bốn phía đều có xây thành. Những thành này hiện nay vẫn còn dấu tích lịch sử.

Công trình chính của chùa là điện Đại Giác 3 gian 2 chái, bên trái chánh điện là Cát Tường Từ Thất, bên phải là Trí Tuệ Tinh Xá. Trước điện là gác Đạo Nguyên 2 tầng 3 gian, hai bên gác có lầu chuông, lầu trống. Hai bên sân chùa, gần cổng chính là hai nhà lục giác, nhà bên trái để chuông, nhà bên phải dựng bia khắc thơ vua Thiệu Trị. Sau chánh điện là hai nhà Tả, Hữu tăng phòng 5 gian, Tả, Hữu trú gia 3 gian. 

 Chùa Diệu Đế là một danh lam tiêu biểu của Huế, hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo lịch sử ghi chép lại, vào tháng 6/1885, vua Hàm Nghi cho triệt giải chùa Giác Hoàng trong Kinh Thành và chuyển các tượng Phật ra thờ tại chùa Diệu Đế. Nhưng sau đó kinh đô thất thủ, phủ đường Thừa Thiên bị Pháp chiếm đóng, triều đình Đồng Khánh sử dụng Trí Tuệ Tinh Xá làm phủ đường của phủ Thừa Thiên, Cát Tường Từ Thất làm sở đúc tiền, hai nhà Tả, Hữu tăng phòng được dùng làm trụ sở cho Khâm Thiên Giám và nhà lao của phủ Thừa Thiên.

Năm 1887, nhiều dãy nhà bị triệt bỏ, chùa chỉ còn lại điện Đại Giác, gác Đạo Nguyên, 2 cổ lâu bát giác và cửa tam quan. Năm 1910, lại dẹp bỏ gác Đạo Nguyên và hai lầu chuông trống, chùa Diệu Đế ngày càng xuống cấp. 

Cho đến năm 1930, trong phong trào chấn hưng Phật giáo, chùa Diệu Đế được dùng làm trụ sở của Hội Phật học An Nam. Năm 1950, điện Đại Giác được xây dựng lại, đổi tên thành điện Đại Hùng, hai bên có hai nhà Lôi Gia. Sau điện Đại Hùng là tăng xá và các nhà phụ của chùa. Điện Đại Hùng chùa Diệu Đế được xây dựng lại, bên trong chùa còn lưu giữ nhiều tượng Phật. Đặc biệt tại gian chính thờ Tam thế Phật, còn có bàn thờ thờ bài vị của vua Thiệu Trị, người sáng lập chùa. Trong điện còn thờ một số vị công chúa.

Nổi bật trong điện Đại Hùng còn có bức tranh “Long vân khế hội” đồ sộ, vẽ trên trần điện của nghệ nhân Phan Văn Tánh; thể hiện sinh động con rồng ẩn mây với màu sắc trang nhã phù hợp với nhiều hình ảnh chốn Thiền lâm. Chính điện còn bức hoành phi “Diệu Đế Quốc Tự” với lạc khoản ghi năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Cửa tam quan và hai nhà lục giác cất giữ bia Thiệu Trị và chuông đồng Diệu Đế là những di vật quý của ngôi quốc tự một thời. 

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, chùa Diệu Đế là một danh lam tiêu biểu của Huế, vùng đất được mệnh danh là xứ sở Thiền kinh. Hàng năm, Lễ tắm Phật, rước Phật của Phật giáo Huế được tổ chức tại chùa trong mùa Phật đản. Điểm đặc biệt ở đây là ngôi chùa này mang nhiều đặc trưng yếu tố cung đình, gắn liền với vua Thiệu Trị, vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn. Kể từ khi ra đời cho đến năm 1945, chùa Diệu Đế được triều Nguyễn xếp vào hàng Quốc tự (cùng với các chùa Giác Hoàng, Thiên Mụ và Thánh Duyên). Cho đến nay, dù trải qua nhiều biến động lịch sử, chùa vẫn giữ được nhiều pháp bảo quan trọng. Đặc biệt, tại trần của điện Đại Giác vẫn còn bảo tồn được bức tranh “Long vân khế hội”, tương truyền do nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh thực hiện.

Tuy nhiên, hiện nay một số công trình trong chùa Diệu Đế đã xuống cấp, cần khẩn cấp trong việc thực hiện trùng tu và bảo tồn. Thượng tọa Thích Hải Đức, trụ trì chùa Diệu Đế thành viên hội đồng quản lý, đồng thời là người trực tiếp quản lý chùa Diệu Đế cho biết: “Chánh điện chùa Diệu Đế đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm”.

Cần sự tham gia của các ban, ngành, Giáo hội Phật giáo để bảo tồn di tích

Những ngày qua, người dân Huế đặc biệt quan tâm đến sự kiện chùa Diệu Đế mời “thần đèn” Nguyễn Văn Cư dịch chuyển tòa chánh điện. Thượng tọa Thích Hải Đức, trụ trì chùa Diệu Đế chia sẻ, nhà chùa mời “thần đèn” Nguyễn Văn Cư để dịch chuyển tòa chánh điện nhằm giữ gìn lại những dấu tích mang tính lịch sử, đồng thời tạo cảnh quan thông thoáng, phù hợp với sinh hoạt nhà chùa trước những lễ hội tôn giáo lớn. Chùa rất quan tâm đến việc bảo tồn các di sản quý mà họ đang sở hữu và mong muốn có điều kiện bảo tồn tốt hơn công trình này.

“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư khẳng định, do công trình xuống cấp, nhiều hạng mục có nguy cơ đổ sập nên sau mỗi lần dịch chuyển đều phải gia cố. Hàng chục trụ sắt được công nhân lắp đặt tại các điểm thiết yếu để đảm bảo an toàn khi dịch chuyển.

Anh Võ Ngọc Thạnh (32 tuổi), một người thích tìm hiểu về Phật giáo Huế chia sẻ, hiện nay một số công trình mang giá trị lịch sử, văn hóa tại chùa Diệu Đế đang bị biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian. Là một người dân Huế, anh rất mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời để bảo vệ những pháp bảo mà triều đại phong kiến nhà Nguyễn đã để lại…

 Chùa Diệu Đế đã mời “thần đèn” Nguyễn Văn Cư dịch chuyển tòa chánh điện nhằm giữ lại những dấu tích mang tính lịch sử, đồng thời tạo cảnh quan thông thoáng, phù hợp với sinh hoạt nhà chùa trước những lễ hội tôn giáo lớn.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, để bảo tồn bền vững và phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử của chùa Diệu Đế cần có sự chung tay của nhiều ban, ngành cùng Giáo hội Phật giáo và bản thân nhà chùa. Trước hết, Phòng Văn hóa Thành phố Huế cần phối hợp với chùa Diệu Đế khảo sát, kiểm kê toàn bộ các di sản hiện có, từ đó xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị, đồng thời cần khẩn trương xây dựng hồ sơ, đề nghị công nhận chùa Diệu Đế là Di tích cấp quốc gia để pháp lý hóa việc bảo vệ di tích này.

Chính quyền thành phố, Sở Xây dựng và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần hỗ trợ nhà chùa trong công tác quy hoạch, xây dựng, trùng tu các công trình (hiện nay chùa đang được đại trùng kiến với nhiều hạng mục mới, kể cả chính điện), đặc biệt là các giải pháp để bảo tồn điện Đại Giác cùng bức tranh Long vân khế hội.

“Khó khăn rất lớn là điện Đại Giác vốn được xây dựng trong thập niên 1950 bằng bê tông cốt sắt với chất lượng không cao; việc bảo tồn bức tranh Long vân khế hội gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, do chưa được công nhận là di tích lịch sử nên việc bảo tồn các công trình cũng như quy hoạch chung của chùa Diệu Đế còn thiếu các hành lang pháp lý cần thiết. Đó chính là lý do tôi cho rằng, cần có sự chung tay của nhiều ban ngành trong việc bảo tồn bền vững chùa Diệu Đế”,  - ông Phan Thanh Hải trăn trở./.

Bài, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực