|
Hội thảo "Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về văn hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" (Ảnh: XT) |
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL cho biết, theo nhận định bước đầu, có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trực tiếp tới một số lĩnh vực pháp luật quan trọng như pháp luật về sở hữu trí tuệ; Pháp luật về an sinh xã hội và pháp luật lao động; Pháp luật về bảo bộ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền riêng tư của mỗi người dân trên môi trường số/môi trường Internet cũng như trong đời thực; Pháp luật ngân hàng, tài chính, tiền tệ; Lĩnh vực quản trị công.
Đối với hệ thống pháp luật về văn hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể kể đến một số sản phẩm, dịch vụ văn hóa có xu hướng chuyển dần sang công nghệ số, không gian mạng thách thức các quy định mang tính truyền thống.
Theo ông Lê Thanh Liêm, cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng số, internet toàn cầu, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra xu hướng mới trong sinh hoạt cộng đồng, gia đình và xã hội với những đô thị, khu dân cư thông minh dễ làm mất đi bản sắc văn hóa cộng đồng truyền thống; đô thị, khu dân cư trở nên máy móc, giống nhau.
Điều này thách thức quy định của pháp luật hiện hành về bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, về các công tác văn hóa cơ sở, về công tác gia đình... đòi hỏi phải nghiên cứu hiện trạng kinh tế - xã hội và nhu cầu sống và làm việc của người dân, để tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho các cộng đồng sống và làm việc đa dạng, với sự hỗ trợ của nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh, nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa cũng đã khắc sâu thêm thực trạng hệ thống pháp luật còn thiếu và yếu về văn hóa hiện nay đồng thời đề ra nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật về văn hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát biểu tại Hội thảo, thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho rằng: Việc nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu hệ thống pháp luật về văn hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi đến tìm kiếm những định hướng, giải pháp, nguyên tắc chung mang tính đồng bộ, khả thi là thực sự cần thiết và là đòi hỏi tất yếu.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới và Việt Nam. Sự ứng dụng rộng rãi những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là sự gia tăng của nền kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, sự thông minh hóa quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng sản phẩm, thông minh hóa quá trình quản trị xã hội, hình thành các mối quan hệ xã hội mới, những tương tác mới giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người lao động và người tiêu dùng, giữa người dân và chính quyền đang thách thức những quan điểm pháp lý truyền thống, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải có những điều chỉnh tương ứng. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa cũng nằm chung trong bối cảnh đó.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 13/12/2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành quyết định số 3205 phê duyệt Đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình giai đoạn 2021-2026. Mục tiêu là xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành 5 văn bản luật và 9 nghị định điều chỉnh các hoạt động của ngành.
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa từ đó có lộ trình nghiên cứu thể chế hóa các nội dung đóng góp vào các văn bản pháp luật cụ thể, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.