Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ trong mạch nguồn văn hóa dân tộc

Thứ ba, 04/04/2017 14:56

(ĐCSVN) - Từ bao đời nay, bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, trên mảnh đất Hiền Lương thanh bình, đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương - Hạ Hòa - Phú Thọ) là biểu tượng thiêng liêng cho nguồn cội con Lạc cháu Hồng, nơi gìn giữ và tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, người Mẹ của muôn dân đất Việt. Trải qua thời gian, tín ngưỡng ấy đã có sức sống bền bỉ trong mạch nguồn văn hóa của dân tộc.  


Ngày 23/01/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL, công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc công nhận và tôn vinh giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền xã Hiền Lương nói riêng và nhân dân Hạ Hòa nói chung. Tự hào là vùng quê xưa kia là nơi Mẹ Âu Cơ cùng đàn con dừng chân khai thiên phá thạch, xây dựng cơ đồ, là nơi hương hỏa, thờ phụng quốc Mẫu Âu Cơ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, của thời gian, cư dân nơi đây đã gìn giữ và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với văn hóa xứ sở và thuần phong mĩ tục của dân tộc.

Khi nói về tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, chúng ta nói đến nguồn cội, dòng giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam. Mẹ Âu Cơ vốn là con gái của vợ chồng Đế Lai ở động Lăng Xương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy , Phú Thọ ngày nay). Khi Âu Cơ cất tiếng khóc chào đời thì hương thơm tỏa ngát, trên trời có mây lành che chở, điềm báo “Tiên nữ giáng trần”. Âu Cơ được Lạc Long Quân kén làm vợ và đưa về núi Nghĩa Lĩnh, sau đó sinh ra bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai.

Khi các con lớn khôn, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên duyên phận đến đây đã hết”. Lạc Long Quân đưa 50 người con về miền biển làm nghề chài lưới, Âu Cơ đưa 49 người con lên núi khai phá rừng hoang, để lại người con trưởng làm vua, 18 chi đời đều gọi là Hùng Vương. Mẹ Âu Cơ cùng 49 người con lên miền ngược thấy đất Hiền Lương phong cảnh tươi đẹp, sơn thủy hữu tình nên đã chọn làm nơi dừng chân khai sơn phá thạch. Từ huyền thoại ấy, bao đời nay, hình tượng Cha Rồng, Mẹ Tiên đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng thiêng liêng về gióng nòi của dân tộc mình.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ gắn liền với sự tri ân công đức người Mẹ của muôn dân. Đó là Mẹ Âu Cơ, người đã đưa đàn con đi khai thiên phá thạch, mở mang sơn trang, bờ cõi. Mẹ Âu Cơ bước ra từ trong huyền tích vốn là một người mẹ như bao người mẹ Việt khác, bình dị, đảm đang, chịu thương chịu khó và rất mực yêu thương các con. Mẹ Âu Cơ dừng chân nơi mảnh đất trù phú Hiền Lương đã dạy muôn dân trồng lúa nước, nuôi tằm, dệt vải, đánh bắt cá, hái lượm… Bởi vậy, hình tượng Mẫu Âu Cơ luôn gắn với nền văn minh nông nghiệp, là người Mẹ xứ sở. Vì vậy, khi đến Đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, bức tượng Mẹ Âu Cơ luôn tỏa ra một nét đẹp thanh cao, đôn hậu, giản dị mà gần gũi.

Lễ tế nữ quan trong Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ.

Biết bao đời nay, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng nhân dân xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa luôn gìn giữ tín ngưỡng thờ Mẫu Mẹ, lập đền thờ và hương hỏa cho đến hôm nay. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, ở Việt Nam có tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng ấy bắt nguồn từ chính tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ở đền Mẫu tọa lạc tại xã Hiền Lương.

Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ chính thức được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Thần tích của đền ghi lại rằng, ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc, sau đền có cây đa cổ thụ tỏa bóng xuống ngôi đền. Năm 1991, Đền Mẫu Âu Cơ chính thức được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Hằng năm, Đền Mẫu Âu Cơ đón hàng vạn du khách thập phương về chiêm bái, tri ân công đức của Quốc Mẫu.

Nét nổi bật trong tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương là lễ hội đền Mẫu được UBND huyện Hạ Hòa tổ chức trang trọng vào ngày “Tiên giáng”, mùng 7 tháng giêng hằng năm. Để làm các lễ vật dâng lên Tổ Mẫu, người dân Hiền Lương bơi thuyền ra giữa sông Hồng, chọn nơi nước trong nhất múc nước về để chế biến các thứ bánh để dâng lên Mẫu Mẹ. Bánh ngọt được làm bằng bột gạo nếp thơm và mật mía ngon, nhào kỹ rồi lăn thành hình tròn dài, cắt thành từng đoạn như đốt tre hấp chín. Một trăm cầu bánh ngọt cùng với xôi nếp, chè lam, 100 phẩm oản bằng xôi nếp, hoa thơm là lễ vật dâng lên Mẫu Mẹ Âu Cơ vào ngày chính lễ. Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ là dịp để muôn dân đất Việt hướng về nguồn cội, tri ân công đức của Mẹ Âu Cơ, hội tụ tinh thần đoàn kết và đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Đền Mẫu Âu Cơ gắn với Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã trở thành một nét đẹp trong tinh hoa văn hóa của người Việt, là biểu tượng thiêng liêng của nguồn cội con Lạc cháu Hồng của muôn dân đất Việt, là nơi để mỗi người dân Việt Nam dù ở phương trời nào cũng hướng về với một lòng thành kính sâu sắc như lời ông cha ta đã dạy: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Chúng ta vô cùng tự hào gìn giữ tín ngưỡng thiêng, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ trên mảnh đất Hạ Hòa nói riêng và vùng đất Tổ nói chung./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực